Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sức sống Phước Chỉ
Thứ hai: 16:44 ngày 23/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các tuyến đường giao thông được đầu tư nâng cấp, những chiếc cầu nối liền các khu dân cư được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển sản xuất.

Cầu An Phước được đưa vào sử dụng đầu năm 2022, tạo điều kiện kết nối Phước Chỉ với trung tâm thị xã Trảng Bàng, mở rộng triển vọng phát triển về kinh tế cho người dân vùng biên. Ảnh: Tấn Hưng

Phước Chỉ là xã biên giới phía Tây của thị xã Trảng Bàng, có diện tích tự nhiên trên 4.800 ha, diện tích đất nông nghiệp khoảng 3.900 ha. Xã có 11 ấp, trong đó, có 4 ấp ven sông và 7 ấp giồng.

Nhân dân trên địa bàn chủ yếu sống bằng nông nghiệp. 10 năm trở lại đây, xã Phước Chỉ như khoác lên mình một “chiếc áo mới”. Các tuyến đường giao thông được đầu tư nâng cấp, những chiếc cầu nối liền các khu dân cư được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển sản xuất. Cũng từ đó, nhiều mô hình sản xuất phát huy hiệu quả; giúp đời sống của người dân từng bước được cải thiện...

Phát triển kinh tế nhờ đặc sản đồng quê

Với lợi thế vùng nhiều kênh, rạch, sông nước, xã Phước Chỉ nổi tiếng với các món ăn đặc sản đồng quê giản dị, thơm ngon: mắm, cá khô, đọt rau ngâm chua, cà na... Đây là những món ăn thường được người dân địa phương dùng để chiêu đãi hoặc làm quà biếu tặng khi khách đến thăm. Dần dần, nhắc đến Phước Chỉ, người ta nghĩ ngay đến các món ăn này.

Thời gian qua, xã Phước Chỉ đề ra mục tiêu xây dựng, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, rau, cây ăn trái nhiệt đới, nuôi trồng thuỷ sản, bò sữa, nhất là sản phẩm có tiềm năng thị trường, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ, bảo đảm các sản phẩm trong chuỗi giá trị có quy mô, chất lượng, an toàn thực phẩm và đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Dựa vào tiêu chí đó, người dân Phước Chỉ- vốn cần cù, sáng tạo- mạnh dạn đầu tư phát triển những mô hình nuôi trồng thuỷ sản, các sản phẩm nông nghiệp độc đáo mang đậm hương vị riêng.

Mô hình nuôi cà cuống của chị Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1986), ngụ ấp Phước Hoà, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng là một điển hình. Vốn là người đam mê kinh doanh những món ăn đặc sản đồng quê, chị Lan thường tìm kiếm những món độc, lạ để phục vụ khách hàng. Sau một thời gian tìm hiểu, chị nhận thấy các món ăn từ con cà cuống được thị trường rất ưa chuộng, có không ít người nuôi trồng thành công con vật này.

Nông dân trồng lúa ST25.

Nghĩ là làm, chị Lan mạnh dạn đầu tư trang trại cà cuống ở ấp Phước Mỹ. Sau 4 năm duy trì và phát triển, trang trại cà cuống của chị đã tạo ra sản phẩm nước mắm cà cuống đặc trưng của vùng Phước Chỉ, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

Nuôi cá lóc- một mô hình nuôi trồng thuỷ sản đặc trưng khác của Phước Chỉ đã và đang trở thành điểm nhấn phát triển kinh tế tại địa phương. Anh Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1981)- Giám đốc Hợp tác xã DVNN nuôi trồng thuỷ sản Tràm Cát cho biết, năm 2020, hợp tác xã (HTX) được thành lập với mục đích tập hợp, kết nối các hộ nông dân trên địa bàn. Sau 3 năm hình thành và phát triển, HTX hiện có 50 thành viên, diện tích sản xuất khoảng 5,3 ha với sản lượng cá lóc 533.000 con/năm.

Với mong muốn ổn định đầu ra cho thành viên, nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch, từ năm 2021, HTX phát triển thêm sản phẩm khô cá lóc một nắng và được thị trường đón nhận với những tín hiệu tích cực. Năm 2022, HTX liên kết với nông dân phát triển thêm sản phẩm mắm chua và đọt móp sông ngâm chua.

Đây là hai món ăn mang đậm hương vị làng quê Phước Chỉ Tây Ninh. Ba sản phẩm nông nghiệp của HTX đã tạo ra chuỗi liên kết, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cho nông dân. Cả ba sản phẩm này đều đang được HTX đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương.

Nuôi cá lóc ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thuỷ sản Tràm Cát.

Vừa qua, HTX Tràm Cát có cơ hội giới thiệu các sản phẩm quê hương đến du khách trong và ngoài tỉnh thông qua Lễ hội văn hoá - du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng lần thứ 4- năm 2022. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng đối với HTX trong việc quảng bá ẩm thực, hình ảnh đất và người Phước Chỉ đến du khách sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Phước Chỉ, cuộc sống người dân địa phương trước đây rất khó khăn. Vì vậy, tôi luôn trăn trở tìm cách làm giàu cho mảnh đất quê hương bằng chính các sản vật nơi đây. Các sản phẩm nông nghiệp của HTX chính là tâm huyết của nông dân Phước Chỉ. Làm ra được sản phẩm đặc trưng của quê mình không chỉ là niềm phấn khởi của các thành viên HTX, mà còn là niềm vui của nông dân khi được góp chút công sức vào sự phát triển kinh tế của địa phương”- anh Giang chia sẻ.

“Xã Phước Chỉ đang dần thay da đổi thịt. Đặc biệt là sau khi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đường giao thông nông thôn được nâng cấp, cầu đường được xây dựng nhiều đã góp phần lưu thông hàng hoá dễ dàng, giảm bớt chi phí vận chuyển, việc tiêu thụ nông sản cũng thuận lợi hơn trước. Đây chính là niềm vui của bà con Phước Chỉ nói chung và nông dân Phước Chỉ nói riêng”- anh Giang cho biết thêm.

Tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng

Ngoài phát triển những sản vật mang hương vị đặc trưng của quê hương, nông dân trên địa bàn còn xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa sạch ST25, điển hình là HTX DVNN Phước Hoà.

Anh Trần Hoàng Ân- Giám đốc HTX cho biết, HTX có tổng diện tích sản xuất trên 200 ha, vụ Đông Xuân 2022-2023 có khoảng 80 ha trồng lúa ST25, số diện tích còn lại sản xuất các giống lúa khác. Từ năm 2019, HTX đã kết nối với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất lúa, trong đó có lúa ST25.

Doanh nghiệp hỗ trợ nông dân giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ... Nông dân tuân thủ theo quy trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp trực tiếp xuống hỗ trợ, sản phẩm được kiểm tra và phải bảo đảm về chất lượng.

Nông dân thu hoạch nấm mối.

“Ban đầu việc vận động nông dân tham gia có khó khăn do nông dân quen với cách làm truyền thống, tuy nhiên sau vụ đầu tiên, nhận thấy mô hình có hiệu quả, nhiều người vào HTX tham gia sản xuất, diện tích ngày càng tăng qua các năm. Năng suất lúa bình quân khoảng 7 tấn/ha, mang lại lợi nhuận cao gấp 1,5 lần”- anh Ân nói.

Theo UBND xã Phước Chỉ, thời gian qua, địa phương có sự phát triển, thay đổi rõ nét về cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư. Các tuyến đường trung tâm của xã đều được nhựa hoá, đường giao thông liên ấp, nội đồng được nâng cấp láng nhựa, sỏi đỏ, phún đá dăm nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng. 

Hệ thống điện được quan tâm cải tạo, đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt ở nông thôn, bảo đảm tỷ lệ hộ dân sử dụng điện 100%. Xã có 1 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học, 1 trường THCS; cơ sở vật chất và trang thiết bị đang được đầu tư đầy đủ từng cấp, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập, đạt chuẩn cơ sở vật chất nông thôn mới. Toàn xã có 5 trạm nước và hệ thống nước sạch Mekong, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%. 

Hiện nay, trên địa bàn xã có 4 HTX sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị như cây lúa, cá lóc, mắm chua, khô cá lóc. Đây là những mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, từ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Năm 2011, thu thập bình quân đầu người ở xã Phước Chỉ là 16,5 triệu đồng/người, năm 2022 tăng lên 74,64 triệu đồng/người.

Đánh giá về các chuỗi giá trị sản xuất trên địa bàn xã, ông Ngô Văn Bình- Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết, nhiều năm qua, nhất là trong giai đoạn xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương đều nhận được sự đồng hành, chung tay của nhân dân.

Đặc biệt, người dân Phước Chỉ rất có ý chí vươn lên, chịu thương chịu khó, cần cù, sáng tạo trong chăn nuôi, sản xuất. Sự ra đời của các HTX, các mô hình chăn nuôi, sản xuất đã giúp nông dân có kiến thức về chăn nuôi, đồng bộ về quy trình sản xuất, từ đó sản phẩm đầu ra đạt chất lượng.

Hiệu quả từ mô hình liên kết chuỗi sản xuất đã giúp nông dân nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế bền vững. Địa phương đã đăng ký thực hiện sản phẩm OCOP đối với sản phẩm lúa ST25; móp chua; khô cá lóc; mắm chua; nước mắm cà cuống. Bên cạnh đó, cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân, HTX tiếp cận các chính sách, nguồn vốn... để nhân rộng mô hình, phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Các món ăn đặc sản đồng quê của xã Phước Chỉ.

Trong thời gian tới, xã chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Về cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Phước Bình đến ấp Phước Long, xã Phước Chỉ khoảng 10km, liên thông các ấp ven sông Vàm Cỏ Đông, liên kết với Khu công nghiệp Thành Thành Công, có tiềm năng thu hút các nhà đầu tư, phát triển khu du lịch sinh thái. 

Mặt khác, đầu tư xây dựng cây cầu bắc qua xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An để cho người dân 2 tỉnh qua lại giao thương, đồng thời liên thông đến cửa khẩu phụ Rộc Môn, xã Phước Chỉ với Campuchia để qua lại trao đổi, mua bán hàng hoá, góp phần nâng cao việc phát triển kinh tế ở xã.

Đầu tư xây dựng đường điện 3 pha, để từ đó các nhà đầu tư mạnh dạn vào đầu tư trên địa bàn xã. Về thương mại dịch vụ, nâng cấp cửa khẩu phụ Rộc Môn để nhân dân hai nước qua lại giao thương, trao đổi mua bán hàng hoá; xây dựng chợ biên giới ở ấp Phước Hưng, tạo điều kiện cho người dân mua bán.

“Xã cũng sẽ tận dụng lợi thế, tiềm năng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, nuôi trồng thuỷ sản, nhân rộng các mô hình nuôi cá lóc, cá rô trên đồng ruộng, nâng cao hoạt động các HTX có hiệu quả, nhằm đưa nền kinh tế xã Phước Chỉ phát triển đi lên”- ông Bình nói.

TL-NB

Tin cùng chuyên mục