Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Đờn ca tài tử trên đất Tây Ninh:
Sức sống vững bền
Thứ hai: 09:23 ngày 19/05/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTN) - Tây Ninh hiện có gần 100 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử và hàng ngàn tài tử đờn, tài tử ca (theo số liệu tổng điều tra di sản văn hoá phi vật thể ở Tây Ninh 2009), góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào đờn ca tài tử Nam bộ.

Gần đây, có nhiều hoạt động quy mô lớn đã diễn ra nhằm tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ: lễ đón nhận Bằng vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (do UNESCO công nhận) được tổ chức ngày 11.2.2014 tại thành phố Hồ Chí Minh (Tây Ninh là một trong 21 tỉnh, thành Nam bộ được nhận Bằng công nhận này); Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I diễn ra tại Bạc Liêu từ 25 đến 29.4.2014.

Nhân dịp này, người viết xin điểm qua vài nét về nghệ thuật đờn ca tài tử Tây Ninh trong dòng chảy chung của đờn ca tài tử Nam bộ, mong giúp bạn đọc hiểu thêm và yêu thêm vùng đất quê mình.

Nhạc lễ và đờn ca tài tử là loại hình sinh hoạt văn hoá mang đậm tính cách Nam bộ được hình thành vào cuối thế kỷ XIX và phát triển mạnh mẽ vào những năm đầu thế kỷ XX.

Những cây đàn dân tộc, những làn điệu bắt nguồn từ nhã nhạc cung đình Huế theo bước chân phong trần của người dân Ngũ Quảng tiến về Nam mở rộng đất đai, mang theo nền văn hoá Thăng Long, Phú Xuân kết hợp với dân ca, hò, lý chứa đựng tự tình dân tộc sâu sắc của những người xa xứ, tạo nên đờn ca tài tử, làm sinh hoạt tinh thần cho cộng đồng dân cư của vùng đất mới Nam bộ, trong đó có Tây Ninh.

Khó có thể nói đâu là nơi đầu tiên của Tây Ninh tiếp nhận nghệ thuật đờn ca tài tử, nhưng căn cứ vào các cứ liệu lịch sử và sự phát triển của phong trào, có thể hình dung những con đường tiếp cận nghệ thuật đờn ca tài tử ở Tây Ninh như dưới đây.

Thứ nhất, thông qua việc truyền bá của những nghệ nhân đờn ca tài tử Tây Ninh vốn là môn sinh của nhạc sư Nguyễn Quang Đại (tức nghệ nhân Ba Đợi). Tây Ninh vào đầu thế kỷ XX về địa giới hành chính chỉ có 2 huyện là Châu Thành và Trảng Bàng, giáp tỉnh Long An và biên giới Campuchia.

Phong trào đờn ca tài tử ở Long An lúc ấy rất mạnh, đã có nghệ nhân tên tuổi là Ba Đợi- một nhạc công của triều đình nhà Nguyễn, khi vào Nam đã cùng các nghệ nhân hàng đầu khai sáng ra bộ môn đờn ca tài tử, thành lập nhóm tài tử miền Đông (phân biệt với nhóm tài tử miền Tây do Kinh lịch Trần Quan Quờn làm trưởng nhóm).

Nhiều nghệ nhân nhóm tài tử miền Đông quê Tây Ninh, làm việc ở Sài Gòn như Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu sau khi trở về quê, gia nhập giáo phái Cao Đài và trở thành chức sắc cao cấp của tôn giáo này, đã lấy nhạc lễ và đờn ca tài tử nâng cao để thành nhạc lễ Cao Đài, truyền bá rộng rãi cho tín đồ.

Thứ hai, con đường tiếp cận thông qua khách thương hồ. Tây Ninh có 2 con sông chính chảy qua là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Những người khách thương hồ khi xuôi ngược trên sông nước đó đây cũng mang theo bên mình loại hình sinh hoạt nghệ thuật đờn ca tài tử và lưu truyền từ nơi này sang nơi khác. Từ đó tạo nên những nhóm đờn ca tài tử nổi tiếng trên đất Tây Ninh như nhóm ở bến Vên Vên, nhóm ở Bến Kéo, nhóm ở bến Trường Đổi.

Thứ ba, từ những nghệ nhân vùng Ngũ Quảng theo bước chân đoàn di dân đến Tây Ninh lập nghiệp. Họ mang theo vốn quý nghệ thuật cổ truyền của quê hương mình, kết hợp với nhạc lễ Nam bộ, học hỏi thêm bản đàn để tiếp thu, truyền bá đờn ca tài tử.

Năm 1815, vua Gia Long cho mở con đường từ phía Tây Gia Định đi Nam Vang (Campuchia) qua địa bàn Quang Hoá và Quang Phong (Tây Ninh ngày nay). Đó là con đường “Thiên lý cù” (dân gian thường gọi là “con đường sứ”). Con đường này có tác động rất lớn đến quá trình khai phá và định cư của người Việt ở Tây Ninh; các khu dân cư dần được hình thành dọc theo con đường này.

Năm 1818 ông Đặng Văn Trước vốn là người Bình Định theo cuộc Nam tiến đến làng Bình Tịnh (Trảng Bàng ngày nay) chiêu dân lập làng dọc theo con đường “Thiên lý cù” mới mở.

Theo chân ông, nhiều cư dân vùng Ngũ Quảng trở thành những hạt nhân tiếp thu và truyền bá đờn ca tài tử sau này; tiêu biểu là gia tộc họ Đỗ.

Gia tộc họ Đỗ đều là những người tài hoa, am hiểu nghệ thuật cổ truyền, sau khi định cư ở Tây Ninh đã kết hợp nghệ thuật cổ truyền ở quê hương với nhạc lễ Nam bộ, học bài bản tài tử Nam bộ để trở thành những nghệ nhân đờn ca tài tử nổi tiếng như Đỗ Văn Lá (Chín Lá), Đỗ Văn Hảo (Chín Hảo), Đỗ Văn Rỡ (Hội trưởng Hội Khuyến lệ cổ ca, chủ tế các đền Trần Hưng Đạo và lăng ông Tả quân Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn nhiều năm trước và sau 30.4), soạn giả Đỗ Thanh Hiền (nguyên Trưởng đoàn Cải lương Tây Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh).

Gia tộc họ Đỗ từ đời này sang đời khác đều nối nghiệp chơi và truyền bá nghệ thuật tuồng, nghệ thuật đờn ca tài tử cho nhân dân quanh vùng, tạo nên nhóm đờn ca tài tử lớn nhất ở Tây Ninh bấy giờ. Có thể nói, đến nay Trảng Bàng vẫn là huyện có phong trào đờn ca tài tử mạnh nhất Tây Ninh, nơi cung cấp nhiều nghệ sĩ cho sân khấu cải lương Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh.

Không có cứ liệu chính xác nào cho biết đờn ca tài tử Tây Ninh có từ lúc nào, nhưng những nghệ nhân đờn ca tài tử bắt đầu truyền bá nghệ thuật này trên vùng đất Tây Ninh vào những năm đầu thế kỷ XX.

Như đã nói trên, các môn đệ đầu tiên của nhạc sư Nguyễn Quang Đại như Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Diêu sau khi gia nhập đạo Cao Đài đã truyền bá nghệ thuật đờn ca tài tử trong đạo, biến đờn ca tài tử thành “âm nhạc tôn giáo” và đào tạo nhiều lớp tín đồ am hiểu về nhạc lễ cũng như đờn ca tài tử để phục vụ nghi lễ tôn giáo.

Một lớp các nghệ nhân khác đã hình thành nên những nhóm đờn ca tài tử mạnh ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Những năm 1930 đến 1960 là giai đoạn đờn ca tài tử phát triển mạnh mẽ, phổ biến ở Tây Ninh.

Ở các huyện như Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành có nhiều nghệ nhân đờn ca tài tử tiếng tăm, việc truyền nghề và giao lưu đờn ca tài tử khá rầm rộ. Ở huyện Hoà Thành- trung tâm tôn giáo Cao Đài, nhạc lễ và đờn ca tài tử cũng được truyền bá rộng rãi, phục vụ cho các sinh hoạt tôn giáo.

Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tây Ninh là căn cứ địa cách mạng với căn cứ Trung ương Cục miền Nam, phong trào đờn ca tài tử - cải lương phát triển mạnh mẽ ở vùng kháng chiến với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”.

Trong giai đoạn này, lớp lớp thanh niên yêu nước - trong đó có nhiều hạt nhân văn nghệ, hạt nhân đờn ca tài tử đã vào chiến khu tham gia hoạt động cách mạng, trở thành văn nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng. Một số nghệ nhân cách mạng được tổ chức cài lại địa phương và tham gia vào các nhóm đờn ca tài tử ở vùng địch kiểm soát để theo dõi hoạt động của địch và làm công tác dân vận.

Tiêu biểu trong giai đoạn này là các nghệ nhân Lâm Văn Đước (Chín Đước- đàn tranh), Lâm Văn Nghĩa (Mười Nghĩa- đàn tranh), Đỗ Văn Khải, Đỗ Văn Vấn (ca tài tử), Đỗ Văn Lá (đàn cò), Lê Văn Long, Nguyễn Văn Ngộ (đàn kìm, guitar, sến, soạn bài bản tài tử), Nguyễn Văn Ga (tức Út Ga- ca tài tử)...

Còn ở vùng địch tạm chiếm, nghệ thuật đờn ca tài tử không phát huy được trong các sinh hoạt đội nhóm, riêng vọng cổ - một thể loại phát triển từ đờn ca tài tử đã hoàn toàn chiếm lĩnh trong giai đoạn này.

Tiêu biểu của giới đờn ca tài tử vùng địch tạm chiếm lúc bấy giờ có Năm Kìm, Chín Màng, Sáu Sâm, Hai Vọng, Chín Điệp, Út Thành Nhơn, nhạc sư Tưởi, nhạc sư Hội. Các lò dạy đờn ca tài tử có lò thầy Ba Xứng (Gò Dầu), lò của gia tộc họ Đỗ và lò của thầy Lâm Văn Đước (Trảng Bàng)...

Đất nước thống nhất, nghệ nhân đờn ca tài tử vùng cách mạng cũng như vùng địch tạm chiến trước kia được dịp hội tụ, tạo nên sức mạnh của phong trào đờn ca tài tử tỉnh nhà.

Có thể nói thập niên 1976 - 1986 là giai đoạn cực thịnh của đờn ca tài tử và cải lương ở Tây Ninh. Các địa bàn trong tỉnh đều thành lập được các đội nhóm đờn ca tài tử, đội nhạc lễ. Các hoạt động hội thi, hội diễn đờn ca tài tử - nhạc lễ được các địa phương tổ chức thường xuyên. Nghệ thuật đờn ca tài tử được nhiều người biết đến, theo học. Đờn ca tài tử Tây Ninh đã giành được nhiều giải thưởng cấp toàn quốc và khu vực.

Thế nhưng bất cứ bộ môn nghệ thuật nào khi đến giai đoạn cực thịnh cũng suy thoái dần (bởi nhiều nguyên nhân) để chuyển sang một giai đoạn khác, đờn ca tài tử ở Tây Ninh cũng không ngoại lệ.

Từ khoảng 1987 đến 2000, các đội nhóm đờn ca tài tử dần tan rã, sinh hoạt thưa vắng, nhường chỗ cho những câu lạc bộ hát với nhau, câu lạc bộ khiêu vũ chiếm lĩnh các tụ điểm sinh hoạt văn hoá.

Với quyết tâm phục hồi, lưu giữ và phát huy giá trị các loại hình âm nhạc dân tộc, từ năm 2001 đến nay Đảng và chính quyền các cấp ở Tây Ninh tạo mọi điều kiện để đờn ca tài tử được phục hồi.

Thời gian này nhiều nghệ nhân đã đóng góp tích cực cho phong trào đờn ca tài tử tỉnh nhà qua các hoạt động “truyền nghề” tại gia đình, hoặc cộng tác với các cơ quan Nhà nước như Thanh Hiền, Ba Thiệu, Tư Liêm, Hai Trí, Thành Phương, Thành Lập, Chí Trung.

Nhiều tài tử đã gây được tiếng vang trong tỉnh và khu vực như: Duy Bảo, Mỹ Duyên, Hoài Sang, Hoàng Khôn, Phượng Hoàng, Ân Thy, Kim Hiền, Hữu Dũng, Duy Đức, Thuý An... Một hình thức sinh hoạt đặc biệt của đờn ca tài tử cũng đã hình thành trong thời gian này ở Tây Ninh, như các Quán nghệ sĩ, Hát với nhau…

Tây Ninh hiện có gần 100 câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử và hàng ngàn tài tử đờn, tài tử ca (theo số liệu tổng điều tra di sản văn hoá phi vật thể ở Tây Ninh 2009), góp phần vào sự lớn mạnh của phong trào đờn ca tài tử Nam bộ.

Tại các cuộc liên hoan, hội thi đờn ca tài tử - nhạc lễ khu vực và quốc gia, chương trình tham gia của Tây Ninh thường được đánh giá cao. Tây Ninh cũng là tỉnh có nhiều hoạt động cụ thể để bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Có thể nói, trải qua bao thăng trầm, cho đến nay, đờn ca tài tử vẫn là loại hình nghệ thuật được rất nhiều người yêu thích ở Tây Ninh.

Thạc sĩ Lê Ngọc Hoà

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh