Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sức vươn từ đôi chân khuyết tật
Thứ tư: 20:05 ngày 20/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ chỗ bi quan và bế tắc vì đôi chân bị bại liệt, anh Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1967, ngụ tổ 6, ấp Chòm Dừa, xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành đã cố gắng vượt qua mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống và toả sáng giữa đời thường.

Anh Trung sửa chữa điện cơ tại nhà.

Khi mới sinh ra, Trung cũng khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác. Năm Trung lên 2 tuổi, sau một cơn sốt ác tính, đôi chân cứ teo dần rồi co quắp không đi lại được. Tuy vậy, Trung rất ham học. Gia đình đã cố gắng đưa anh đến trường. Nhà nghèo, cha mất sớm, trường lại xa nhà nên học hết lớp 6, Trung phải nghỉ. Năm 2007, mẹ của Trung bị tai biến, người em trai đem mẹ về nhà nuôi dưỡng. Trong căn nhà trống vắng, nhiều lúc anh rơi vào tâm trạng bi quan, bế tắc nhưng rồi anh nghĩ: tuy ông trời không cho đôi chân nhưng bù lại mình còn có đôi bàn tay và khối óc. Anh không chấp nhận biến mình thành người tàn phế, làm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thế là hằng ngày, anh tự đẩy xe lăn đi kiếm việc- làm cỏ vườn, bầu ớt, xâu thuốc lá vàng… việc gì cũng nhận làm.

 Năm 2015, qua sự giới thiệu của ông Tư Doanh- Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Châu Thành, anh Ðỗ Quang Hoá (sinh năm 1978, ngụ ấp Vịnh, xã An Cơ, Châu Thành)- cũng là một người khuyết tật đã nhận lời dạy nghề điện cơ miễn phí cho anh Trung. Và anh Hoá đã tận tình chỉ bảo, truyền dạy nghề cho người bạn cùng cảnh ngộ với mình. Sau 6 tháng chăm chỉ học nghề, anh Trung đã biết quấn mô-tơ loại 1kW và biết sửa chữa những hỏng hóc thông thường của quạt điện, nồi cơm điện, bàn ủi điện… Học nghề xong, anh tiếp tục vừa đi làm để kiếm sống, vừa học tập nâng cao tay nghề tại một tiệm điện cơ ở ấp Cầy Xiêng, xã Ðồng Khởi. Giã từ cảnh làm thuê, làm mướn, tháng 5.2017, anh Trung quyết định mở tiệm tại nhà với số vốn đầu tư ban đầu là 10 triệu đồng do Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh hỗ trợ. Với cách làm ăn coi trọng uy tín, giá cả cũng phải chăng, anh được chính quyền địa phương và bà con lối xóm, vốn dĩ đã sẵn thương hoàn cảnh của anh lại càng quan tâm, ủng hộ. Nhiều người mang đồ đến cho anh sửa chữa, hoặc đặt quấn mô-tơ mới. Thiếu vốn, việc đi lại cũng bất tiện- mỗi khi đi mua vật tư đều phải nhờ người khác chở nên ông chủ tiệm khuyết tật cũng gặp không ít khó khăn trong công việc. Thu nhập chưa cao, chỉ tạm đủ cho chi phí sinh hoạt hằng ngày, cuộc sống của anh Trung vẫn còn khá nhọc nhằn. Thế nhưng nụ cười lạc quan luôn thường trực trên gương mặt người đàn ông khuyết tật. Ðôi mắt của anh giờ đây luôn chất chứa niềm vui, niềm tin yêu cuộc sống, anh bằng lòng với sự thành công bước đầu gặt hái được bằng chính nghị lực bản thân.

“Ðã có lúc tôi nghĩ mình là người vô dụng, bởi việc đi học nghề và làm nghề đối với mình tưởng chừng quá khó. Học được nghề và mở được tiệm như ngày hôm nay là cả một quãng đường dài đầy mồ hôi và nước mắt của tôi. Nhưng tôi nghĩ: chỉ cần mình cố gắng hết sức, thành công sẽ đến cho dù có muộn hơn mọi người”- anh Trung tâm sự. Nguyện vọng lớn nhất của anh hiện tại là được vay vốn để mở rộng sản xuất và có một chiếc xe mô tô 3 bánh để có thể tự mình đi mua sắm vật tư cho tiệm. Nếu được như vậy, anh không chỉ an tâm với công việc mà còn có thể dạy nghề, tạo việc làm cho những người khuyết tật khác ở quê.

Quang Hà

Tin cùng chuyên mục