BAOTAYNINH.VN trên Google News

Suối Dây - Tân Châu: Cán bộ, đảng viên đi đầu chặt bỏ cây trồng sai mục đích để trồng lại rừng

Cập nhật ngày: 09/12/2009 - 10:19

Xã Suối Dây có diện tích tự nhiên hơn 11.000 ha, gồm hơn 2.700 hộ với 11.660 nhân khẩu. Địa bàn xã có diện tích đất nằm trong đất quy hoạch lâm nghiệp khá lớn nên việc giải quyết bao chiếm,lấn chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích theo Quyết định 875/QĐ-UBND của UBND tỉnh có ảnh hưởng tác động đến nhiều hộ dân.

Huyện Tân Châu có 4 xã có tình trạng bao, lấn chiếm đất lâm nghiệp là Tân Thành, Suối Dây, Suối Ngô và Tân Hoà. Trong đó xã Suối Dây là xã đầu tiên trong huyện thực hiện chặt bỏ cây cao su để trồng lại cây rừng. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh- Phó Chủ tịch UBND xã Suối Dây cho biết, xã có 8 ấp, trong đó có 3 ấp có tình trạng lấn, bao chiếm đất lâm nghiệp với 291 hộ đang sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên diện tích 467 ha. Theo kế hoạch, đợt 1 xã Suối Dây tập trung xử lý khoảng 183 ha đất đang trồng cao su, cây ăn trái, mì, mía…, trong đó ở ấp 5 có gần 60 ha, ấp 6 có hơn 115 ha và ấp Chăm có 8 ha. Sau khi có chủ trương giải quyết của cấp trên, chính quyền, đoàn thể xã Suối Dây đã tiến hành nhiều cuộc họp dân để phổ biến chủ trương, kế hoạch thực hiện, đồng thời tổ chức đến từng hộ dân để vận động, thuyết phục chấp hành chủ trương của tỉnh, huyện. Kết quả xã Suối Dây có 218/291 hộ đăng ký cam kết thực hiện chặt bỏ 335 ha cây trồng không đúng mục đích để trồng lại cây rừng. Cụ thể, ngày 9.7.2009, tại ấp 5 xã Suối Dây có 2 hộ đầu tiên tự nguyện chặt bỏ 2 ha cây cao su từ 1 đến 3 năm tuổi để trồng lại rừng. Sau đó tiếp tục có nhiều hộ khác chấp hành chặt bỏ cây cao su. Đến cuối vụ trồng mới rừng năm nay, ở xã Suối Dây đã chặt bỏ cây trồng sai mục đích và trồng lại được hơn 137 ha rừng- vượt chỉ tiêu phấn đấu (120 ha) và cao hơn tổng diện tích trồng rừng của cả tỉnh năm 2008.

Ông Nguyễn Văn Nốp- Phó trưởng ấp 5, xã Suối Dây tự nguyện chặt bỏ cao su.

Vì sao xã Suối Dây thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh đạt kết quả khả quan như vậy? Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả này, trong đó có nguyên nhân quan trọng là xã đã vận động được cán bộ, đảng viên có sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích chấp hành trước để làm gương, từ đó có nhiều hộ dân noi theo. Trong quá trình triển khai chủ trương giải quyết bao chiếm, xã tổ chức 2 cuộc họp riêng đối với đối tượng cán bộ, đảng viên để quán triệt chủ trương giải quyết bao chiếm và vận động đối tượng này chấp hành trước. Từ nỗ lực đó mà 2 hộ đầu tiên tự nguyện chặt bỏ cao su để trồng lại rừng tại ấp 5, xã Suối Dây là ông Mai Hoàng Minh và ông Nguyễn Văn Nốp đều là cán bộ ấp, trong đó có 1 đảng viên. Đảng viên Mai Hoàng Minh- Trưởng ấp 5 cho biết, sau khi tỉnh ban hành Quyết định 875 và huyện phổ biến Kế hoạch giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích, ông tự nhận thấy phải chấp hành trước để làm gương cho bà con trong ấp nên đăng ký cam kết và là hộ đầu tiên tự chặt bỏ cây cao su để trồng lại rừng đúng theo chủ trương của nhà nước. Cùng lúc đó, hộ ông Nguyễn Văn Nốp- Phó Trưởng ấp 5 cũng tự chặt hơn 300 cây cao su và tiến hành trồng lại cây rừng.

Từ sự tự nguyện chấp hành trước tiên của cán bộ, của đảng viên trong việc giải quyết bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích mà sau đó người dân ấp 5 nói riêng và cả xã Suối Dây nói chung noi theo, tự nguyện chặt bỏ cây trồng sai mục đích. Đây là một bài học kinh nghiệm đáng giá mà các địa phương khác cần nghiên cứu và áp dụng để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp theo Quyết định 875 của UBND tỉnh trong thời gian tới.

Sơn Trần