Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một người dân bức xúc cho biết, mùa mưa nước dâng cao còn đỡ, bắt đầu bước vào mùa khô, nước suối chuyển sang màu đen, nổi bọt, đóng màng, bốc mùi hôi nồng nặc.
Những ngày qua, 2 con suối dưới chân cầu Rạch Rễ Trên và cầu Rạch Rễ Dưới (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) lại chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi khó chịu. Người dân sống khu vực này cho biết, tình trạng ô nhiễm ở 2 con suối này xảy ra đã lâu chứ không phải mới xảy ra gần đây, nhưng không hiểu vì sao cơ quan có thẩm quyền lại không xử lý dứt điểm.
Sở TN&MT yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Mới chớm vào mùa khô mà nước 2 con suối Rạch Rễ Trên, Rạch Rễ Dưới bị chuyển màu, bốc mùi.
Một người dân bức xúc cho biết, mùa mưa nước dâng cao còn đỡ, bắt đầu bước vào mùa khô, nước suối chuyển sang màu đen, nổi bọt, đóng màng, bốc mùi hôi nồng nặc.
Theo ông Lâm Thanh Bình- Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hoà Thành, sau khi nghe ý kiến của người dân, Phòng đã khảo sát thực tế và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị xử lý.
Ông Lâm Thanh Bình cho biết thêm, ở phía thượng nguồn của 2 con suối có đến 11 lò mì tại xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành và 1 nhà máy chế biến cao su nằm ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu có nguồn nước thải xả vào đây.
Ông Bình cũng xác nhận 2 con suối thường xuyên bị ô nhiễm, nhất là vào mùa khô như những gì người dân phản ánh. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát các nhà máy, cơ sở chế biến có xử lý nước thải đúng quy định hay không trước khi thải vào suối là vấn đề nan giải.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản nhấn mạnh việc tăng cường theo dõi, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các công ty kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, nhất là các cơ sở có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhằm có phương án xử lý, ứng phó kịp thời đối với các vấn đề phát sinh do ô nhiễm môi trường gây ra, đặc biệt là trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.
Theo đó, Sở TN&MT yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, các chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung về bảo vệ môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường được cấp.
Thực hiện phân định, phân loại chất thải phát sinh theo quy định; rà soát, ký hợp đồng thu gom, xử lý, chuyển giao chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định; nghiêm cấm hành vi chuyển giao chất thải cho tổ chức, cá nhân không đủ năng lực thu gom, xử lý theo quy định và hành vi đổ trộm chất thải ra môi trường.
Vận hành thường xuyên các công trình xử lý nước thải, bảo đảm nước thải xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; Hoàn thiện phương án, kịch bản, bố trí đầy đủ trang thiết bị, phương tiện để chủ động, kịp thời ứng phó sự cố môi trường khi xảy ra.
Trong thời gian các cơ sở tạm dừng sản xuất trước và sau tết nguyên đán, đề nghị bố trí người trực, thường xuyên rà soát, kiểm tra các công trình xử lý nước thải bảo đảm các công trình xử lý nước thải hoạt động ổn định.
Khi có sự cố môi trường xảy ra đột xuất, bất thường thì kịp thời xử lý, đồng thời thông tin về Sở TN&MT, chính quyền địa phương để biết và phối hợp giải quyết. Tuyệt đối không xả nước thải không đạt quy chuẩn ra môi trường.
Sở TN&MT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất đối với các cơ sở, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Sở này còn đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cửa khẩu, nhất là các cơ sở có nguồn thải lớn. Chủ động kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại; xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các cơ sở có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; rà soát, quản lý, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra các hành vi chôn, lấp, đổ thải chất thải công nghiệp, nguy hại (các khu hẻo lánh, xa khu dân cư, khu vực giáp ranh…), kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Tầm Hoan