BAOTAYNINH.VN trên Google News

Suối trong lòng phố 

Cập nhật ngày: 25/07/2018 - 08:48

BTN - Ít nhất cho tới nay còn 3 con suối chảy ngang qua các phường, phố Tây Ninh. Ðầu tiên là suối Vàng chảy qua Tân Bình đổ xuống thượng nguồn rạch Tây Ninh.

Suối ở đoạn giữa các phường Hiệp Ninh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh.

Con suối này là ranh giới tự nhiên giữa hai xã Thạnh Tân và Tân Bình. Thứ hai là suối Trà Phí mà phần đầu nguồn giáp núi Bà gọi là suối Ông Tuấn. Suối này chỉ chảy ngang qua phường Ninh Sơn rồi cũng đổ về rạch Tây Ninh. Con suối thứ ba mới thật sự đúng với nghĩa đen chảy trong lòng phố, đấy là suối Vườn Ðiều, còn có một tên xưa là suối Lâm Vồ.

 

Thật ra vẫn còn một số con suối nữa, như suối Núc ranh giới giữa thành phố Tây Ninh và huyện Tân Châu; suối Vàng Cạn thuộc xã Tân Bình hay suối Cỏ Cháy ngang qua xã Bàu Năng. Nhưng những con suối này vì ở quá xa hoặc còn quá nhỏ nên tạm thời không tính. Tất cả những con suối kể trên đều đã được quan Hiệp Tổng trấn thành Gia Ðịnh là Trịnh Hoài Ðức kể đến trong hai đoạn viết của sách “Gia Ðịnh Thành Thông Chí” được viết trước năm 1820. Một là đoạn viết về núi Bà Ðen: “Ðá đất cao vót, cây cối um tùm, suối ngọt đất màu, trên có chùa Vân Sơn, dưới có hồ chằm, cảnh trí thanh u, hang rừng sâu thẳm...”. Ðoạn thứ hai viết về rạch Tây Ninh, lúc đó còn có tên là sông Lăng Khê. Ðấy là sông: “Có nguồn từ các đầm phá ở núi Bà Ðen thấm thía chảy ra, dân theo về lợi rừng núi sông chằm đi lại luôn luôn không dứt”.

Ðến nay, các mối lợi về rừng, núi, sông, chằm vẫn còn, thậm chí tăng hơn gấp cả trăm ngàn lần 200 năm trước. Chỉ có cảnh “đi lại luôn luôn không dứt” đã không còn. Ði dọc khoảng hơn 12 cây số ven suối ngược nguồn, không thấy nơi nào có xuồng, ghe đi lại. Vậy mà nơi đây từng có huyền thoại về chiếc “Ghe năm bị vùi lấp trong ngọn suối Lâm Vồ” (Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa, trang 51. NXB Thanh Niên tái bản năm 2001).

Huyền thoại kể về thời Chúa Nguyễn Ánh phải trốn chạy sự truy đuổi của quân đội Tây Sơn (khoảng năm 1780-1782). Khi ấy: “Ông cùng quần thần thường hội hiệp ở sân chầu giữa một khu rừng hoang vắng (vùng chân núi Bà Ðen- PV). Nơi ấy được gọi là truông Hồng Ðào, và quần thần được dân địa phương tiếp tế bằng cách vận tải lương thực bằng ghe năm vô ngọn suối Lâm Vồ”.

Cũng theo Huỳnh Minh, ghe năm là ghe có 5 người chèo lái. Ðấy là một loại thuyền độc mộc, do người ta khoét ruột một cây gỗ lớn thuộc hàng “danh mộc” mà thành. Nhưng giờ đây, những người dân sống gần suối lại kể về một nguyên do khác:  do ghe thuyền qua suối thường bị giám sát bởi 5 ông quân lính triều đình (gọi là lính đằng cựu) ở một giai đoạn gần hơn. Ðấy là khi triều Minh Mạng đã cho lập phủ Tây Ninh năm 1836. Khi ấy, quân lính thường tuần tiễu dọc các dòng sông, con suối.

Dù sao thì huyền thoại do Tây Ninh xưa chép lại cũng chỉ là huyền sử mà thôi! Bởi sách “Ðại Nam thực lục tiền biên” ghi chép mọi hoạt động của Chúa Nguyễn Ánh cho tới khi ông lên ngôi vua năm 1802, không có đoạn nào kể ông phải chạy đến Tây Ninh.

Trở lại với suối trong lòng phố thôi! Bây giờ núi cũng thuộc về thành phố rồi, nên nguồn suối cũng đã ở ngay trong phố. Suối này người Tây Ninh đều biết, nhất là những ai từng đi cáp treo tuyến cũ. Lướt lên một đoạn là nghe tiếng róc rách của suối Vàng. Vào mùa mưa, nước đổ ầm ầm, bọt tung trắng xoá. Suối Vàng qua mé sau Bảo tàng núi, qua cầu Ðôi rợp bóng sung già rồi vòng về sau phía chùa Trung. Sau đó mất hút những đâu đâu không thấy nữa... Thì ra, suối cũng sợ những ồn ào của khu du lịch mà lặng lẽ chảy ra cánh đồng của xã Phan, rồi tiếp tục cuộc hành trình về với rạch, sông. Suối qua những vườn cây trái um tùm của Bàu Năng, các khu phố Ninh Thạnh, Ninh Sơn, phường 1, rạch Tây Ninh trước khi hoà vào dòng sông Vàm Cỏ Ðông.

Bây giờ ta vẫn có thể tiếp cận được với từng đoạn suối Vườn Ðiều (hoặc Lâm Vồ). Nhưng ở đoạn đầu tiên, sau khi suối “lòn” qua dưới đáy kênh Tây ở bên kia Bàu Năng, bên này ấp Ninh Phú thuộc về phường Ninh Thạnh, từ cầu kênh K13, rẽ trái theo bờ kênh đi vào cũng gần 3 cây số. Suối ồn ào sau khi qua cửa cống dưới con kênh, rồi lặng lẽ trườn vào một vườn cao su bát ngát. Ai đó đã trồng thêm bên bờ nhiều bụi tre trúc. Có lẽ là giữ cho suối không bị sạt lở thêm. Về tới khu phố Ninh Lợi, suối reo vui dưới những tán chôm chôm vẫn còn trĩu trịt trái đỏ, vàng. Bên này là từng ô phố, dân cư thì vườn ở bên kia suối. Ðôi bờ nối nhau bằng cây cầu be bé, được ráp lại từ vài thân cây và những tấm sườn thùng xe tải. Hỏi ra mới hay vườn chôm chôm này cũng đã 30 tuổi. Cây cao, nhiều cành xoè ra tứ phía, trông đẹp như những vườn điều gốc gác thuở xa xưa. Bên trong khu vườn này còn tiếp nối những vườn cây trẻ hơn, độ mươi, mười lăm năm tuổi. Chùm trái ở đấy la đà sát đất bên những mảng màu tím nhạt hoa cỏ hôi. Bà chủ vườn cho biết có gần 2 công (2.000m2) chôm chôm 30 tuổi này thôi, mà cao nhất có năm cho tới 4 tấn trái. Nhà chẳng phải chăm sóc, thuốc men gì nhiều. Âu cũng là lộc của suối mà thôi.

Vâng! Lộc của suối thì đã rõ. Suối dẫn nước nguồn mạch trong lành của núi để thấm thía đất đai, làm xanh ngợp những vườn cây trái. Suối cho ta những cảnh quan làm thư thái lòng người. Vì thế, các đại gia mới phải làm những núi và suối giả trong vườn nhà, để sau khi đã căng óc tính toán làm ăn thì ngắm suối mà thanh thản lại. Xin kể ra một số cảnh quan của suối Lâm Vồ ở cuối đường Huỳnh Tấn Phát, phường Hiệp Ninh, nơi con suối chảy ngang qua. Nơi này kể như một “ngã ba biên giới”. Ba phường chung nghe một tiếng gà. Bên phường Ninh Thạnh là một hàng dầu cổ thụ nghiêng soi bên suối. Phía phường Ninh Sơn um tùm tre pheo và bên trong đầy ắp những vườn cây. Phường Hiệp Ninh bên này còn thênh thang bãi đất cho bò gặm cỏ. Ði về phía hạ nguồn, suối gần như song hành cùng đường phố Nguyễn Hữu Thọ, nơi con đường vừa đẹp lên thì dân tới tấp xây nhà. Cách nay vài năm, đoạn suối trong phường này còn những bánh xe nước kẽo kẹt quay, đổ nước lên những nương vườn cao hơn mặt nước vài ba mét. Sau trận lũ cao tháng 10.2017, những bánh xe nước cuối cùng đã bị cuốn  trôi, hư hại hết. Sang tới hẻm 37 đường 30.4, chỉ đi hơn trăm mét là ta đã gặp suối song hành. Suối thơ mộng, trong xanh vẫn còn những bụi tre gai và dứa dại. Trên cái nền xanh tím hoang sơ ven suối, nổi bật lên dáng hình đại lộ bởi những khối nhà cao.

Bây giờ đa số đất đai Tây Ninh đã được thấm thía nước các dòng kênh thuỷ lợi lòng hồ. Nhưng suối Tây Ninh vẫn phải gánh một nhiệm vụ không thể thiếu là tiêu thoát nước. Nếu không có những Lâm Vồ, Trà Phí hay rạch Tây Ninh thì chẳng biết khi mưa, phố sẽ ngập bao lâu. Con người còn chưa tìm ra giải pháp nào khác ngoài việc thoát nước phố phường về suối. Tại góc ngã ba đẹp nhất suối Lâm Vồ ấy cũng chình ình hai miệng cống to hơn 1 mét đường kính. Người dân ở đấy bảo những đêm mưa, tiếng nước đổ ầm ầm.

Vai trò cao đẹp nhất của suối mà nhà quy hoạch đô thị nào cũng biết, cũng vẽ trên bản đồ vẫn còn ở phía tương lai. Ðấy là những công viên cây xanh mà người ta đã thiết kế ở hai vệt quan trọng dọc suối Lâm Vồ và ven rạch Tây Ninh, trên địa bàn phường Hiệp Ninh và phường 1. Và trong khi chờ đợi, nhà cửa tiếp tục mọc lên, có nơi đã lấn sát tới bờ. Ðẹp thì có đẹp, nhưng cũng có thể ví đấy là những cục máu đông trên thành mạch máu của bà mẹ Ðất.

Trần Vũ