Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTN) - Thật không ngờ rằng ở núi Bà, vẫn còn một sườn núi phía Tây cảnh sắc vô cùng quyến rũ. Hoang sơ với người lạ nhưng lại thật gần gũi thân quen với những người dân địa phương luôn cần cù lao động, bám núi làm ăn.

|
Sườn Tây của núi Bà
Vòng theo con đường bao quanh chân núi, thăm thú những hồ nước hút sâu, leo lẻo xanh trong xen kẽ những rừng tràm hoặc vườn đu đủ, mãng cầu trĩu trái, nhờ người địa phương mách bảo, ta có thể tìm ra thêm những tuyến thăm thú mới.
Có lẽ cũng thuộc khu vực Ma Thiên Lãnh này thôi nhưng còn chưa hình thành một tuyến đường lên. Đấy là khi đến ngã ba giữa đường bao quanh và đường vào Ma Thiên Lãnh, ta có thể theo một con đường đá đỏ nằm ở khoảng giữa hai con đường ấy, để đi xe máy ngược lên tới một ngôi nhà có vẻ là nhà nghỉ màu xanh (nhà xây trái phép, nên đã bị tháo dỡ đầu năm 2014).
Từ đây có thể thấy những hồ nước dưới chân trải ra bên dưới, cùng những con đường chở đá ngày xưa lầm bụi. Nay thì cuộc khai thác đã bị cấm, nên cả một vùng không gian đang tự phục hồi.
Từ ngôi nhà xanh, buộc phải gửi lại xe máy đi thôi, vì con đường đi tiếp chỉ là đường mòn lách qua từng eo sườn núi hay từng bãi dốc ngổn ngang đá núi. Dấu vết của cuộc “tạo sơn” hàng triệu năm xưa giờ có lẽ chỉ còn lại ở nơi này. Hãy tưởng tượng xem, giữa cơn vặn mình của đất đai do áp lực từ lòng đất, hàng triệu khối đá được tung lên, rồi rơi vãi xuống nằm rải rác trên sườn khối đất đá mới đùn lên.
Cho đến nay, đã có biết bao tác động của con người trong hàng trăm năm lịch sử, từ khai hoang làm rẫy, cho tới khai thác, xay nghiền đá để làm đường, nào quai búa để thành những viên đá hộc, đá chẻ, đá ong xây móng đắp đường. Và cả những việc thu dọn để lấy những mặt bằng trồng xoài, chuối hiện nay v.v…
Mặc dù vậy, bây giờ lên sườn Tây của núi, vẫn còn thấy vô số tảng đá đứng, nằm rải rác. Tảng nhỏ thì bằng cái lu, cái thúng, tảng vừa thì cỡ con trâu hay đống rơm, còn những tảng lớn thì bằng cả một ngôi nhà. Chúng ở mọi tư thế ngổn ngang có lẽ vẫn giữ nguyên như thế từ thuở khai thiên lập địa. Tất cả đều có màu đen như lưng trâu dưới bóng cây rừng, hoặc bạc mặt ra dưới ánh mắt trời chang chói.
Lần bước trên con đường mòn, theo dấu sơn vẽ ngay trên mặt đá của người dân có vườn trên núi, hoặc cũng có thể của những người “bán thánh buôn thần” sẽ thấy đường cực kỳ khó đi, có chỗ phải bám vào mỏm đá, gốc cây để leo lên; có khi lại phải phân vân trước ba bốn mũi tên trỏ xuôi hay trỏ ngược. Nhưng có đi thế này mới thấy cảm phục những người có rẫy vườn trên núi! Họ đã tạo nên những mảnh vườn ngay trên sườn dốc cheo leo, giữa ngổn ngang đá núi mồ côi.
Giữa tháng Ba, không chỗ nào không thấy những tán xoài rợp mát. Trái lúc lỉu xanh hoặc đã chín vàng lơ lửng trên cao. Có nơi lại là vườn chuối, buông xuống từng buồng trái như từng chiếc chuông xanh. Ở những nơi ấy, thế nào cũng có lúc ta gặp những bầy sóc ríu rít đuổi nhau, làm văng xuống đất những trái xoài vàng ươm mà chúng mới ngoạm dở dang đôi miếng. Cầm lên thấy mùi thơm quyến rũ. Cắn thử vào má xoài lành lặn, vị ngọt thơm thanh khiết dâng đầy đánh thức mọi giác quan.
Cứ cắm cúi quên mệt mà leo, chừng bốn năm chục phút sau cũng tới một vài nơi có thể xem như thắng cảnh. Này nhé, tới động cây sung- mà thực ra là nơi có ba, bốn tảng đá khổng lồ chồng xếp lên nhau thật hớ hênh, để người xem có cảm giác đá chênh vênh sắp đổ. Có lẽ là nhờ vào mấy gốc cây sung cổ thụ mọc chung quanh, thân cành vươn lên lớn tựa cột đình mà khối đá đang ở tư thế sắp lăn xuống kia dừng lại.
Những cây sung cổ thụ này lại đang mùa cho trái chín, từng chuỗi chùm treo như đèn lồng nhỏ treo cao nảy nở khắp thân cành. Chỉ cần lên tới mặt tảng đá kia thôi, là thấy cả một đồng bằng ruộng rẫy trải ra, ô xanh, ô vàng như tấm bản đồ non sông đất nước.
Ước chừng nơi này đã có cao độ ngang với chùa Bà bên sườn phía Đông Nam, nghĩa là khoảng 225 mét độ cao trên mặt biển. Nhưng đây là sườn Tây! Thì chắc chắn tấm bản đồ kia thuộc địa bàn phường mới Ninh Sơn và xã Tân Bình của thành phố trẻ Tây Ninh.
Từ đây theo lối đá quanh co và cao thêm vài chục mét nữa là tới động Bạch Hổ, nơi những người mê tín đã bày đặt ra trong lòng hang nhiều bàn thờ có cắm hoa tươi và lập loè nến đỏ. Xem kỹ, thì ra đây cũng chỉ là do các khối đá khổng lồ chồng xếp lên nhau từ thuở ban đầu để tạo thành các hốc đá mà thôi.
Thêm một thôi đường nữa, lại sẽ thấy một cụm đá xếp lửng lơ bên một vực sâu mà bên dưới thấy xanh rờn lá cây điều thấp thoáng biết bao nhiêu trái đỏ. Đặc biệt nhất ở cụm đá này là một cây tung cổ thụ từ hốc đá mọc lên, xoải những thân cành trắng muốt lên cao giữa trời.
Loại cây này từng góp phần gìn giữ biết bao đền đài bằng đá, bởi những bộ rễ lớn mọc ra trùm lấy các đền đài của di tích Angkor nổi tiếng. Có phải con người cũng muốn giữ mãi cảnh sắc chênh vênh hoang sơ ấn tượng này không? Chỉ tiếc sự hoang sơ nơi này đã bị phá vỡ bởi những bàn thờ lập vội tạm bợ và xấu xí.
Và cả những vệt sơn đen nhem nhuốc quét lên mặt đá, lớp sau đè lớp trước nhưng vẫn nhận ra vài chữ như: “Cấm thờ cúng nơi đây!”. Ôi, một vùng cẩm tú giang sơn ở sườn Tây vẫn còn đang đợi người- ngoài những nông dân cắm cúi leo bộ mỗi ngày để chăm chút những vườn cây rợp mát.
TRẦN VŨ