Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau khi Sadako mất đi, phong trào "Phản đối vũ khí hạt nhân và chạy đua vũ trang" đã diễn ra trên toàn nước Nhật. Người dân Nhật Bản quyết định xây dựng một tượng đài trẻ em vì hoà bình thế giới để tưởng niệm Sadako và những trẻ em đã chết vì bom nguyên tử.
Sadako Sasaki sinh ngày 7.1.1943 tại Hiroshima, trong thời điểm nước Nhật đang tham chiến trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Ngay sau khi Sadako ra đời, cha cô bé nhập ngũ trong quân đội Nhật Hoàng, người mẹ ở nhà trông coi hiệu cắt tóc của gia đình.
Ngày 6.8.1945, Mỹ đã thả một quả bom nguyên tử xuống Hiroshima - quê hương Sadako. Trong lúc này Sadako và gia đình đang sống cách trung tâm vụ nổ bom 1,7 km. Sadako bị sức ép của bom hất văng ra khỏi nhà và chỉ bị thương nhẹ.
Sức công phá của bom nguyên tử mạnh đến nỗi tất cả những gì trong bán kính 2km đều bị cháy thành than. Nhiệt lượng phóng xạ và xung kích đã giết chết 350.000 người ngay lập tức, 150.000 người đã biến mất - không hề để lại một dấu vết nào.
Sau chiến tranh, Nhật Bản là nước thua trận, khủng hoảng lương thực, hàng hoá đã diễn ra khắp nơi... Nhưng với bản tính cần cù, đoàn kết vốn có của người Nhật, gia đình Sadako bắt đầu xây dựng lại cửa hàng cắt tóc.
Năm 1947 - 2 năm sau khi chiến tranh kết thúc, cuộc sống đã trở lại bình thường dù còn nhiều khó khăn.
Sadako giờ đã là một cô bé khoẻ mạnh và đang học lớp 6 tại trường tiểu học Nobori. Cô bé cao 1m35 nặng 27kg. Sadako là thành viên đội tuyển chạy tiếp sức của trường. Cô bé rất nhanh nhẹn và có thể chạy 50m trong vòng 7,5 giây. Mơ ước của cô bé là trở thành giáo viên thể chất.
Tuy nhiên vào mùa thu năm 1954, Sadako đột nhiên nổi hạch ở cổ và tai. Hạch và các u trên mặt bắt đầu xuất hiện. Không ai nghĩ rằng bệnh tật đang tấn công cô bé...
Sadako đi bệnh viện khám. Kết quả cho thấy cô đang mắc bệnh Leukemia (bệnh bạch cầu ác tính hay còn gọi ung thư máu, bệnh máu trắng). Căn bệnh của Sadako do chất phóng xạ của quả bom nguyên tử gây ra.
Bác sĩ kết luận, Sadako chỉ có thể sống đuợc một năm nữa, và yêu cầu Sadako phải nhập viện ngay để điều trị.
Ngày 21.2.1955, Sadako nhập viện của Hội chữ thập đỏ Hiroshima để điều trị. Bạn bè cùng lớp đã tới thăm Sadako và mang theo tấm bằng tốt nghiệp tiểu học của cô bé.
Một tháng sau, Sadako đăng ký vào một trường trung học nhưng cô bé đã không thể theo học.
Một người bạn đã kể cho Sadako nghe một truyền thuyết cổ của Nhật Bản rằng, nếu ai gấp được 1.000 con hạc giấy, người đó sẽ được một điều ước. Sadako bắt đầu gấp hạc giấy với ước nguyện mình sẽ lành bệnh.
Sau chiến tranh, nền kinh tế Nhật gặp rất nhiều khó khăn, giấy là một thứ xa xỉ phẩm, nên Sadako phải dùng giấy dán trên những chai thuốc, vỏ hộp thuốc và bất cứ tờ giấy nào cô bé bắt gặp để gấp hạc. Gấp hết giấy từ những hộp thuốc của mình, cô bé sang những phòng bên cạnh xin những vỏ chai thuốc đã sử dụng... Mặc cho những nỗi đau về thể xác dày vò, Sadako vẫn kiên trì gấp hạc giấy... Do thiếu giấy nên những con hạc bé xíu và mong manh như chính số phận của cô bé vậy.
Mặc cho cha mẹ can ngăn vì lo cho sức khoẻ của mình, Sadako vẫn tiếp tục gấp những chú hạc giấy với niềm hy vọng vô bờ bến là sẽ có một ngày, mình lành bệnh. Những chú hạc nhỏ bé và mong manh được Sadako xâu lại thành chuỗi và treo bên cạnh giường bệnh của mình. Chỉ trong vòng một tháng cô bé đã gấp được hơn 1.000 con hạc giấy... Lúc này bệnh của Sadako đã ngày một nghiêm trọng, cô bé yếu đến mức không thể đi lại được nữa. Mặc cho mọi người khuyên can, cô bé vẫn tiếp tục gấp hạc... Những con hạc tượng trưng cho một niềm hy vọng vô bờ bến của một cô bé mới 12 tuổi... Lúc này, con số 1.000 con hạc giấy thực sự không còn ý nghĩa với cô bé nữa... mỗi con hạc giờ đây thể hiện nghị lực, khát vọng sống, và niềm hy vọng của cô bé - niềm hy vọng được sống dù nó thật nhỏ nhoi.
Ngày 25.10.1955, các bác sĩ báo tình trạng Sadako đã rất nghiêm trọng. Mẹ hỏi Sadako: "Con có muốn ăn gì không?". Sadako nói cô muốn ăn một bát cháo. Người mẹ vừa bón cho Sadako ăn được một thìa cháo thì cô bé thều thào: "Ngon lắm..." Bên cạnh những người thân yêu nhất của mình, Sadako đã ra đi sau 8 tháng nằm viện...
Sau khi Sadako mất đi, phong trào "Phản đối vũ khí hạt nhân và chạy đua vũ trang" đã diễn ra trên toàn nước Nhật. Người dân Nhật Bản quyết định xây dựng một tượng đài trẻ em vì hoà bình thế giới để tưởng niệm Sadako và những trẻ em đã chết vì bom nguyên tử.
Ngày 5.5.1958, sau gần 3 năm khởi công xây dựng, tượng đài Trẻ em vì Hoà bình nằm trong công viên Hoà Bình của thành phố Hiroshima được khánh thành và đi vào hoạt động. Tượng đài nằm ngay cạnh nơi quả bom nguyên tử rơi năm xưa.
Tượng đài với biểu tượng cô bé Sadako đứng trên quả bom nguyên tử, tay giơ cao con hạc giấy… tượng trưng cho Hoà Bình, Khát vọng sống, Nghị lực và Niềm Hy vọng.
Hằng ngày hàng ngàn, hàng vạn con hạc giấy đầy màu sắc được trẻ em khắp nơi trên thế giới gấp và gửi về đặt dưới chân tượng đài, thể hiện khát vọng hoà bình đúng như dòng chữ khắc dưới chân tượng đài: "Ước nguyện tha thiết của chúng ta là hoà bình trên trái đất".
TT (st)