Sindu, con gái chúng tôi, là một đứa trẻ ngoan và thông minh so với tuổi. Cháu mới lên 8, rất ghét ăn cháo…
Nghe tiếng vợ gọi: “Anh còn dán mắt vào đấy đến bao giờ? Tới đây cho con gái yêu ăn giúp em được chứ?”, tôi bỏ tờ báo xuống, vội vàng chạy ra với cảnh tượng trước mắt: Sindu đang sợ sệt, mắt nhoè nhoẹt nước, trước mặt là bát cháo vẫn đầy.
Sindu, con gái chúng tôi, là một đứa trẻ ngoan và thông minh so với tuổi. Cháu mới lên 8, rất ghét ăn cháo. Mẹ vợ và vợ tôi lại là những người cổ hủ, luôn tin rằng ăn cháo sáng là mát và nhẹ bụng. Tôi cầm bát cháo, cất giọng nói với Sindu:
“Sindu con yêu, sao con không ăn dù chỉ vài thìa? Vì bố nhé? Nếu con không ăn, mẹ sẽ mắng bố đấy”.
Tôi có thể cảm nhận được cái nhăn mặt khó chịu của vợ đằng sau lưng. Sindu nức nở thêm chút nữa, rồi đưa tay quệt nước mắt:
“Vâng bố ạ. Con sẽ ăn, không chỉ vài thìa, mà ăn cả bát. Nhưng bố…”, con bé lưỡng lự, “Bố, nếu con ăn hết bát cháo này, bố sẽ cho con bất cứ gì con muốn chứ?”.
“Chắc chắn rồi, con yêu”.
“Bố hứa?”.
“Ừ, bố hứa”.
Tôi ngoắc tay với những ngón tay hồng mũm mĩm chìa ra của con bé.
“Bố bảo mẹ cũng hứa thế đi” - con bé nài nỉ.
Vợ tôi cũng đặt tay vào với hai cha con, nói “mẹ hứa” mà chả có tí cảm xúc nào.
Lúc này tôi hơi lo nên nói với con bé:
“Sindu, con không nên nài nỉ một chiếc máy tính hay đòi mua cái gì đắt nhé. Giờ bố không có nhiều tiền đâu”.
“Không bố. Con không muốn cái gì đắt tiền cả”.
Chậm chạp đầy “đau khổ”, con bé cố nuốt hết bát cháo. Còn tôi thì ngấm ngầm bực với vợ và mẹ vợ vì đã bắt Sindu ăn thứ mà con bé rất ghét.
Sau “bữa ăn”, Sindu đến bên tôi, đôi mắt mở to chứa chan hy vọng. Tôi tập trung hoàn toàn vào con bé.
“Bố, con muốn cạo trọc đầu, chủ nhật này nhé!” - đó là yêu cầu của Sindu.
“Không được!” - Vợ tôi gần như hét lên. “Một đứa con gái cạo trọc đầu? Không thể được!”.
“Không có chuyện đó trong gia đình mình!” - mẹ vợ tôi tiếp lời. “Con bé hẳn đã xem TV quá nhiều. Chính những chương trình TV làm hỏng nền văn hoá của chúng ta!”.
“Sindu con yêu, sao con không xin điều gì khác? Cả nhà sẽ buồn khi nhìn con với cái đầu trọc đấy”.
“Không bố. Con không muốn gì khác cả”.
“Thôi nào con yêu. Sao con không cố gắng hiểu cảm giác của bố mẹ?” - Tôi cố thương lượng.
“Bố, bố thấy con ăn cháo khó khăn thế nào mà” - Sindu bắt đầu khóc. “Và bố đã hứa sẽ đồng ý với bất cứ điều gì con xin. Chẳng phải bố dạy con phải giữ lời hứa à? Bố cư xử không giống như trong truyện bố đã kể cho con”.
Trong phút giây, tôi nghĩ mình phải giữ lời.
“Anh mất trí à?” - Cả vợ lẫn mẹ vợ tôi lên tiếng.
“Không. Nếu chúng ta không giữ lời hứa, Sindu sẽ không bao giờ học được cách giữ lời hứa. Sindu, bố đồng ý với yêu cầu của con”.
Với cái đầu cạo nhẵn thín, mặt Sindu tròn xoe, đôi mắt con bé dường như to hơn và tuyệt đẹp. Sáng thứ hai, tôi đưa Sindu đến trường học, nhìn con bé đầu không còn tóc tung tăng chạy về phía các bạn của mình. Sindu đưa tay vẫy tôi, tôi vẫy lại con bé và mỉm cười.
Ngay lúc đó, một cậu bé bước xuống từ ôtô gọi lớn: “Sindu, đợi tớ với!”.
Điều làm tôi ngạc nhiên là cậu bé ấy, đầu cũng không có tóc.
“Con gái anh quả là một đứa trẻ tuyệt vời” - Người phụ nữ bước ra khỏi ôtô, chưa tự giới thiệu đã bắt chuyện với tôi như thế.
“Cậu bé đang đi cùng con gái anh kia là con trai tôi - Harish. Cháu bị bệnh bạch cầu”. Người phụ nữ ngừng trong giây lát để nén những nghẹn ngào. “Cả tháng trước Harish không đi học được. Cháu bị rụng tóc do hoá trị liệu. Harish không muốn quay lại trường vì sợ các bạn trêu. Sindu đến thăm Harish tuần trước và hứa với thằng bé là sẽ lo được vấn đề này. Song tôi không bao giờ ngờ rằng cô bé lại hy sinh mái tóc rất đẹp của mình vì con trai tôi. Anh chị rất có phước khi sinh được một cô con gái với tấm lòng nhân hậu như thế”.
Thiên thần bé nhỏ đã dạy cho tôi một bài học về yêu thương không vị kỷ như thế đấy.
TT (St)