Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Suy nghĩ từ Hội nghị Trung ương gần nhất của Đảng
Thứ hai: 11:59 ngày 14/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cà phê sáng chủ nhật chẳng phải là lúc thư giãn nhất trong tuần hay sao mà nãy giờ tôi thấy ông cứ chong mắt, chúi mũi vô mà hình xì-mạc-phôn, nghiên cứu cái gì dữ vậy?

-Tôi đang đọc kỹ bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khoá XII của lãnh tụ cao nhất của Ðảng, đồng thời là nguyên thủ quốc gia của nước ta đây.

-À ra vậy! Ông là người theo dõi sát hoạt động lãnh đạo công tác chống tham nhũng của “người đốt lò”, chắc là ông nghiên cứu kỹ phần kiểm điểm lại việc thi hành kỷ luật tới 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý ở gần cuối bài phát biểu chứ gì?

-Không chỉ theo dõi phần “không vui” ấy, tôi nghiền ngẫm toàn bộ nội dung đánh giá khối lượng công việc đồ sộ của lần Hội nghị Trung ương đặc biệt quan trọng này ông ạ, nhất là việc nhận định kết quả 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991 sửa đổi bổ sung năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020…

-Vĩ mô đến vậy kia à! Mà tôi thấy tất cả những điều ông đề cập tới đều có nêu rất rõ ràng, đầy đủ trong bài phát biểu bế mạc cũng như thông báo kết quả Hội nghị đăng tải khắp các báo rồi mà?

-Biết vậy rồi, nhưng tôi đọc kỹ để đối chiếu với thông tin của thế giới nhận định về tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta những năm gần đây ấy mà.

-Cái này… xin lỗi nghen, những thông tin từ bên ngoài ấy cũng đầy trên các phương tiện truyền thông, mà Bàn Dân cảm thấy nó cũng đâu có gì khác sự đánh giá của Ðảng, Nhà nước ta?

-Ông nói không sai, nhưng tôi đối chiếu là để thấy rõ hơn và khẳng định rằng những thông tin của bọn “tự nhục” cố tình xuyên tạc thành tựu phát triển của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng ta đã bị chính những tổ chức quốc tế thực sự có quyền lực, có uy tín đập tan một cách khách quan.

-Nhưng mà ông nói có… “chủ quan” không đấy?

-Không đâu, tôi không cần phải nêu những số liệu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong thời gian gần đây, ai cũng dễ dàng tìm thấy trên mạng internet, mà tôi sẽ đọc cho ông nghe đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tổ chức của Liên Hợp Quốc nhận định tổng quan về đất nước ta trong Báo cáo tổng quan về Việt Nam công bố từ giữa năm nay:

“Việt Nam đã đạt những thành tích phát triển đáng ghi nhận trong 30 năm qua. Ðổi mới kinh tế và chính trị bắt đầu từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng cao, qua đó nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình.

Kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện nền tảng tích cực, với sự hỗ trợ của sức cầu mạnh trong nước và ngành sản xuất chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu. Tỷ lệ nghèo cùng cực dự kiến giảm xuống dưới 3%. Sau khi đạt tăng trưởng 6,8% năm 2017, số liệu sơ bộ cho thấy tăng trưởng GDP tăng lên đến 7,1% trong năm 2018 nhờ các hoạt động kinh tế đồng loạt khởi sắc.

Triển vọng trung hạn của Việt Nam nhìn chung thuận lợi nhưng vẫn còn những rủi ro liên quan đến sức cầu bên ngoài giảm, biến động tài chính toàn cầu, tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực ngân hàng. Nhìn theo hướng tích cực, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực trong giai đoạn tới...”.

-Ờ, Bàn Dân cũng đọc được kết quả xếp hạng của một tổ chức quốc tế, rằng năm nay nền kinh tế Việt Nam xếp hạng 46 trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

-Về kinh tế thì thế giới đánh giá như thế, còn về xã hội thì tổ chức của Liên Hợp Quốc đánh giá như thế nào? Ðây:

“Việt Nam đang chứng kiến thay đổi nhanh về cơ cấu dân số và xã hội. Sau nhiều năm tăng trưởng, dân số Việt Nam đã lên đến khoảng 97 triệu vào năm 2018 (từ mức khoảng 60 triệu năm 1986) và dự kiến sẽ tăng lên đến 120 triệu dân, trước khi giảm dần vào năm 2050. Hiện nay, 70% dân số có độ tuổi dưới 35, với tuổi thọ trung bình gần 73 tuổi. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu đang hình thành- hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026.

Trong 30 năm qua, các dịch vụ xã hội cơ bản đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam ngày nay là một xã hội có sức khoẻ tốt hơn và có trình độ giáo dục cao hơn đáng kể so với hai mươi năm trước đây, và những cải thiện này được phân bố đồng đều. Kết quả học tập và phạm vi bao phủ giáo dục tiểu học ở mức cao và đồng đều- với bằng chứng qua điểm số cao đầy ấn tượng của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), trong đó học sinh Việt Nam đạt kết quả cao hơn so với nhiều quốc gia OECD (các quốc gia phát triển gồm Cộng đồng châu Âu và Bắc Mỹ-BD). Chỉ số vốn con người (HCI) của Việt Nam xếp thứ 48 trên 157 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ hai ở ASEAN, chỉ sau Sing-ga-po…”.

-Vâng, ông đối chiếu và nhận định như thế là chí phải. Nhưng Bàn Dân hỏi thật nhé, sau khi nghiên cứu kết quả Hội nghị Trung ương 11, ông rút ra được cho mình điều gì tâm đắc nhất?

-Ông “hỏi thật” thì tôi cũng xin “trả lời thật”. Qua đánh giá của Hội nghị Trung ương lần này, tôi “tự xác quyết với chính mình” được một điều: Càng tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thì càng phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ nhất. Thế thôi!

BÀN DÂN

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh