Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Suy nghĩ về giảng dạy thơ văn Tây Ninh trong nhà trường

Cập nhật ngày: 03/10/2010 - 10:12

Nhân bước vào năm học mới (2010- 2011), một giáo viên dạy Văn đưa tôi xem quyển “Hướng dẫn giảng dạy thơ văn Tây Ninh trong nhà trường” (dành cho giáo viên). Sách in năm 1994.

Đây là quyển sách tài liệu dùng chung cho giáo viên tiểu học, cấp 2 và cấp 3, do giáo sư Lê Trí Viễn chủ biên với số lượng bài được ấn định như sau: từ lớp 4 tới lớp 12 đều có bài học, các lớp dưới chưa có. Mỗi lớp có 3 bài giảng văn (ở lớp 4, 5 là bài tập đọc) và từ 3 đến 4 bài đọc thêm.

Việc lựa chọn bài căn cứ vào 4 tiêu chí được dẫn trong “Lới nói đầu” của tập sách như sau:

1. Chất lượng có thể bảo đảm cho việc đem giảng trong nhà trường, nghĩa là phải có đủ tính nghệ thuật, chất thẩm mỹ, tính tư tưởng, nhấn mạnh tư tưởng nhân văn, đúng với đặc trưng môn Văn hiện nay: đó là tính khoa học.

2. Bài chọn phải theo trình độ từng lớp, từ dễ đến khó… đó là tính sư phạm.

3. Phải có đủ thơ văn cho các vùng của tỉnh: Sông Vàm Cỏ Đông, vùng biên giới, núi Bà, vùng đồng bằng, có thơ văn của người Kinh, của người Khmer, có xưa có nay, có truyền thống, có hiện đại, có chiến đấu, có sản xuất: đó là tính thực tiễn (thực tiễn mọi mặt).

4. Có thơ văn dân gian lẫn thơ văn các tác giả, có thơ văn sưu tầm ở địa phương… thơ văn viết của các tác giả người Tây Ninh, tác giả người nơi khác nay công tác hoặc ở luôn Tây Ninh, kể cả những người ở nơi khác, nhưng đều viết về Tây Ninh: đó là tính địa phương (thực tiễn văn học địa phương)”.

Và đây chính là “cẩm nang” dùng để dạy trong các tiết “Văn học thời sự địa phương Tây Ninh”, chương trình do Sở Giáo dục (SGD) và Bộ Giáo dục (BGD) quy định.

Khi xem kỹ quyển tài liệu này cũng thấy có rất nhiều điều chưa “ổn thoả”.

Trước hết, về 4 “tiêu chí” trích dẫn trên theo chúng tôi là nhằm đảm bảo tính khách quan và khoa học trong biên soạn, nhưng nếu xem xét kỹ về mặt cấu trúc, nội dung thì còn nhiều việc phải bàn, (có dịp chúng tôi sẽ trình bày sâu hơn về những điều này). Ở đây, chỉ xin bàn về “tính thực tiễn” và “tính địa phương” của tài liệu.

Tính thực tiễn yêu cầu phải có đủ thơ, văn của các vùng miền trong tỉnh, nhưng thông qua 27 bài dạy chính trong chương trình (từ lớp 4 - 12) theo chúng tôi là chưa phản ánh hết các “vùng, miền” của tỉnh. Tài liệu được biên soạn từ năm 1994, nên giờ đây nhìn lại, có những mặt hạn chế như đã cũ, thậm chí lạc hậu trước sự đổi mới và những thành quả trên các mặt hoạt động mà Đảng, chính quyền và nhân dân Tây Ninh đã đạt được, đặc biệt là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà thơ văn Tây Ninh đã có nhiều phản ánh.

Về tính địa phương, nhiều bài viết còn mang tính chung chung, không mang nét đặc trưng của Tây Ninh. Các bài dân ca, sưu tầm chưa thật sự tiêu biểu.

Văn học luôn giữ chức năng phản ánh hiện thực cuộc sống, lẽ ra cần có sự khái quát chung về mảng văn học của đất Tây Ninh từ khi được hình thành cho đến ngày nay. Dòng chảy của Văn học Tây Ninh dù chưa “đầy đặn”, phong phú bằng các nơi khác nhưng lẽ nào chẳng có? Đó là dòng chảy gắn liền với lịch sử mở đất, xây dựng, chiến đấu và giữ gìn cương thổ của con người Tây Ninh. Do đó cần có từng giai đoạn. Đặc biệt là từ sau đổi mới cho đến nay, biết bao thay đổi, biết bao thành tựu mà Đảng, chính quyền và nhân dân Tây Ninh đã thực hiện được.

Mười sáu năm, từ khi tài liệu “Thơ văn Tây Ninh trong nhà trường” (sách dành cho học sinh) ra đời, dường như Sở Giáo dục, Bộ Giáo dục chưa có bổ sung, chỉnh lý hoặc cập nhật lần nào. Giáo viên dạy Văn cảm thấy khô khan, lúng túng. Mọi tài liệu liên quan thì không có nguồn, bởi rất nhiều trường không hề có sách báo, tạp chí chuyên về Văn học (kể cả tờ tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh) để làm phong phú, cập nhật thêm thông tin về văn học địa phương tỉnh nhà.

Nên chăng cần thẩm định và biên soạn lại chương trình, nội dung giảng dạy thơ văn Tây Ninh trong nhà trường cho thật phù hợp với tình hình hiện nay?

NGUYỄN SÔNG TRÀ