Đến với làng văn hoá Tả Chải, du khách được đắm mình trong phong cảnh thiên nhiên kỳ vỹ, giữa những dãy núi đồi đan xen là dòng suối trong vắt ngày đêm uốn mình lượn qua những cánh rừng nguyên sinh, tạo nên bức tranh quê quyến rũ.
Du khách nước ngoài đến thăm Tả Chải |
Cách thị trấn Sa Pa 13 km về phía Tây Bắc, làng Tả Chải thuộc xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, có diện tích tự nhiên gần 300 ha, mang vóc dáng hình thang nằm giữa lưng chừng núi ở độ cao 1.400m (so với mặt nước biển), được bao bọc bởi trên 50 ha rừng nguyên sinh, 30 ha rừng tái sinh với các loài động - thực vật phong phú, đa dạng, quý hiếm như: chim phượng hoàng đất, cầy gió, gỗ pơ mu, lát hoa, đinh, sến táu…
Làng Tả Chải mùa hạ mát, nhiệt độ trung bình 13,5 độ C. Chính khí hậu, cảnh quan và môi trường nơi đây đã tạo cho Tả Chải điểm du lịch sinh thái kỳ thú. Đây là một trong những điểm du lịch bản, làng hấp dẫn nhất nằm trong tuyến du lịch
Các hộ gia đình Dao đỏ trong làng, ngoài trồng cấy, chăn nuôi, đồng bào còn phát triển nghề truyền thống: thêu thổ cẩm, khảm bạc, chế tác đồ trang sức, đan lát, rèn đúc... Đặc biệt, Tả Chải là nơi duy nhất của
Làng Tả Chải còn độc đáo trong sinh hoạt văn hoá truyền thống của đồng bào Dao đỏ như: hệ thống các nghi lễ cưới; Lễ tết nhảy "Pút Tồng"; nghi lễ múa và các bài hát giao duyên… sẽ làm hài lòng du khách. Đến đây, du khách còn được thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị núi rừng: cá suối, nấm hương, măng chua, thịt lợn muối; đặc biệt là rượu mầm thóc của người Dao Tả Chải có hương thơm đặc trưng, uống êm dịu, sảng khoái; bánh chưng đen nhân thảo quả… sẽ là món quà quý để du khách thưởng thức và mua về tặng người thân.
Người Tày xã Tả Chải có những lễ hội như hội xoà, lễ hội lồng tồng đặc sắc hấp dẫn... mang đậm nét văn hoá dân tộc với sự độc đáo, tinh tế. Ðó chính là thế mạnh để Tả Chải khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hoá, du lịch văn hoá cộng đồng.
Ðồng bào Tày ở Tả Chải duy trì tổ chức đều đặn các lễ hội truyền thống. Ngoài Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, vào ngày rằm tháng chạp âm lịch bà con tổ chức lễ hội lồng tồng (xuống đồng), 2-2 âm lịch tổ chức lễ cúng rừng, sau vụ mùa vào tháng 10 âm lịch tổ chức lễ cơm mới...
Mùa xoè ở Tả Chải |
Các lễ hội này đã góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, đặc biệt là văn hoá - văn nghệ dân gian, thể dục - thể thao dân tộc, văn hoá cộng đồng... tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Văn hoá lễ hội chính là nét hấp dẫn khách du lịch nhất của vùng đất này. Lễ hội lồng tồng là lễ hội lớn nhất của đồng bào Tày xã Tả Chải.
Ðây là lễ hội cúng thần nông của đồng bào. Trước đó một tháng, chín thôn, bản và xã Tả Chải đã tổ chức họp bàn chuẩn bị cho lễ hội. Mọi người tập trung ở nhà già làng, trưởng bản hay ở nhà văn hoá cộng đồng tập luyện các điệu múa, các bài hát... Suốt một tháng, khắp các thôn, bản sống trong không khí háo hức chờ đón ngày hội. Vào dịp này, đồng bào Tày xã Tả Chải mời khách ở các thôn, bản khác, các dân tộc khác như Nùng, Mông, Kinh... đến tham gia và dự hội.
Bởi vậy lễ hội thêm tưng bừng, tràn ngập tình đoàn kết giữa các dân tộc. Ði hội, ai cũng sắm cho mình bộ đồ mới, đẹp nhất. Ðặc biệt là các cô gái Tày trong trang phục chàm đen, làn da trắng hồng, mịn màng, các thiếu nữ dân tộc Mông trong trang phục thổ cẩm rực rỡ, hoa văn tinh xảo...
Ðến với lễ hội, du khách thật sự ấn tượng với nét đẹp văn hoá truyền thống tinh tế, độc đáo của đồng bào Tày, nhất là các hoạt động văn hoá - văn nghệ dân gian, hội xòe. Mở đầu lễ hội là phần lễ, các già làng, trưởng tộc, trưởng họ, những người có uy tín nhất trong cộng đồng người Tày dâng mâm cúng bao gồm các sản vật do chính bàn tay lao động cần cù của đồng bào Tày nơi đây làm ra, bao gồm gà trống tơ luộc nguyên con, con lợn cắp nách luộc nguyên con, ngan hoặc vịt luộc nguyên con, hoa quả; chuối, quýt... vàng mã, giấy bảng, hương...
Trong ngày hội, phần lễ tương đối đơn giản. Giữa bãi rộng, người ta dựng một cây nêu bằng cây bương to, có gắn một vòng tròn dán giấy đỏ (biểu tượng mặt trời). Dưới chân cây nêu là những mâm lễ của làng và của các gia đình thành kính dâng lên cúng thần, báo cáo thành quả trong một năm lao động sản xuất, cảm ơn thần nông đã phù hộ, mời thần về dự hội với con cháu... cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi...
Sau lễ cầu khấn, ông chủ lễ hội gióng lên hồi chiêng bắt đầu phần hội. Trò chơi ném còn thu hút đông đảo mọi người tham gia. Quả còn được làm bằng vải, buộc nơ, trang trí, thêu rất đẹp. Ai cũng có quyền được ném còn, ai ném trúng được thưởng quà lưu niệm và chén rượu lộc. Sau đó diễn ra cuộc thi ném còn giữa các đội ở chín thôn bản.
Ðồng thời, lễ hội diễn ra các trò chơi như đu quay, đẩy gậy giữa các đội ở các thôn. Các thôn cử ra các chàng trai khỏe mạnh đại diện tham gia. Trong vòng người đông đúc reo hò, cổ vũ, các chàng trai thi đấu hết mình để đem vinh quang cho thôn, bản và thể hiện mình trước các thôn nữ... Tiếp đó là hội diễn văn nghệ. Các đoàn mang đến lễ hội tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất để thi tài.
Các điệu múa Tày, múa xuống đồng, múa địu, múa gieo hạt, múa thu hoạch, múa lên nương... thể hiện những nét uyển chuyển, quyến rũ. Các tiết mục ca hát ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới, đặc biệt là hát giao duyên tình yêu lứa đôi, hẹn hò nghe bồi hồi, xao xuyến. Trong lễ hội, trai gái gặp nhau làm quen, tìm hiểu, thử tài nhau qua các hoạt động văn hoá - văn nghệ, tỏ tình, hẹn hò nhau trong các buổi chợ phiên...
Kết thúc lễ hội vào buổi hoàng hôn là hội xòe, sau khi đốt một đống lửa to, tất cả mọi người tay nắm chặt tay hòa mình vào điệu xòe. Lễ hội lồng tồng của đồng bào Tày được tổ chức đều đặn vào ngày rằm hằng năm đã tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ý nghĩa vào dịp Tết, quảng bá văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, giúp mọi người hướng về cội nguồn dân tộc.
Một góc Tả Chải |
Lễ hội đã trở thành điểm nhấn văn hoá hấp dẫn khách du lịch tới tham quan, tham gia, tìm hiểu nét đẹp văn hoá lễ hội. Ðiệu xòe Tả Chải được tổ chức trong lễ hội lồng tồng hằng năm và các ngày vui của đồng bào Tày đã trở nên nổi tiếng.
Không chỉ có lễ hội lồng tồng, hội xòe, đồng bào Tày xã Tả Chải còn tổ chức nhiều lễ, hội khác như lễ cúng rừng vào ngày 2-2 âm lịch và lễ cơm mới vào tháng 10 âm lịch sau khi thu hoạch vụ mùa. Trong ba ngày liên tục, các bản cấm người lạ, người trong thôn vào rừng và trong ba ngày mọi người nghỉ việc đồng áng. Mỗi thôn đồng bào đều làm miếu ở khu rừng cấm của thôn cúng thần rừng vào ngày 2-2 âm lịch.
Ngày lễ đến, các gia đình góp tiền mua đồ cúng, thức ăn. Mâm cúng cũng gồm con gà, con lợn, con ngan để nguyên con sống, chọc tiết cúng thần rừng, sau đó luộc chín cúng cùng mâm ngũ quả. Các cụ cao tuổi có uy tín nhất thôn, bản thay mặt đồng bào cúng tế thần rừng, báo cáo thành quả, mời thần rừng nhận lễ cảm ơn, cầu mong thần rừng phù hộ, xua đuổi tà ma, thú dữ, giữ cho thôn bản yên bình. Sau đó mọi người thắp hương, cùng thề bảo vệ rừng, trồng rừng và bàn bạc thống nhất các quy định bảo vệ rừng. Ðây là lễ hội có ý nghĩa góp phần bảo vệ và phát triển rừng, giữ cho thôn bản xanh tươi, trù phú, ấm no.
Sau gần một năm lao động sản xuất vất vả, thu hoạch ngô, lúa xong, vào tháng 10 âm lịch, các gia đình xã Tả Chải tổ chức lễ cơm mới, mời anh em, bạn bè, họ hàng về dự. Mỗi gia đình dành một thửa ruộng nhỏ để trồng lúa nếp. Lúa nếp chắc hạt, gặt về giã cốm. Cốm là món ăn ngon và là đồ cúng quan trọng nhất trong mâm cúng cùng với thịt gà, lợn, hoa quả và xôi bảy mầu (xôi bảy mầu được làm từ gạo nếp vo kỹ ngâm với nước mầu được làm từ loại cây mầu mọc ở rừng).
Các gia đình dâng mâm cúng, báo cáo với tổ tiên thành quả sản xuất vụ mùa, dâng lễ cảm ơn tổ tiên, thần nông phù hộ và nguyện cầu vụ mùa tới cây lúa, cây ngô xanh tươi, chắc hạt, bắp to, được mùa, cuộc sống ấm no, phồn thực, con cháu khỏe mạnh thành đạt... Sau đó mọi người vui tiệc, bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm sống, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.
K.D (st)