BAOTAYNINH.VN trên Google News

'Tà tà lượm ve chai, sạch đẹp môi trường'

Cập nhật ngày: 21/03/2014 - 06:08

Hơn 5 năm nay, sáng nào cũng vậy, anh Nguyễn Lương Thiện (39 tuổi, ngụ ấp Ninh Trung, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh), rời căn nhà nhỏ của mình đi nhặt ve chai. Anh chống nạn, bước khập khiểng, đẩy chiếc xe tự chế dọc theo các con lộ.

Đến các bãi rác ven đường, thùng rác trước nhà dân, cơ quan, trường học, anh dừng lại, cần mẫn bươi móc tìm đồ phế thải. Chai nhựa, ly nhựa, lon bia, lon sữa bò, nắp chai nước ngọt, giấy vụn, kể cả những tờ vé số nhỏ xíu bay lất phất trên đường đều được anh thu lượm.

Chiếc xe chở ve chai tự chế của anh Thiện.

Anh Thiện luôn mang theo một cái giỏ đệm. Trong giỏ có một cái nón bảo hiểm và một cái nón lá. Khi nào cảm thấy mệt, anh gửi chiếc xe chở ve chai ở những nhà quen, cầm giỏ đệm, đội nón bảo hiểm, xin quá giang người đi đường đến những nơi khác nhặt ve chai tiếp.

“Tôi đi nhiều nơi lắm, từ chợ Kà Tum (xã Tân Đông, huyện Tân Châu), Xa Mát (xã Tân Lập, huyện Tân Biên) đến các chợ Long Hoa, Tây Ninh… tôi đều có mặt”, anh Thiện nói.

Từ khi bị tai nạn đến nay, mỗi năm Tết đến, anh chỉ nghỉ đúng ngày mùng một. Mùng hai trở đi là bắt đầu đi nhặt ve chai. “Mấy ngày đó người ta ăn tết, vỏ lon bia nhiều lắm...”.

Hằng tháng, anh Thiện được hưởng chế độ hỗ trợ xã hội 200.000 đồng, Tết đến được chính quyền địa phương tặng quà.

Cứ nhặt đầy giỏ đệm, anh ghé vào các vựa ve chai bán. Một lần, gặp nhau ở chợ Long Hải (xã Trường Tây, huyện Hòa Thành), anh khoe: “Từ sáng tới giờ (gần 10 giờ) đã nhặt được một giỏ, vừa bán được 8.000 đồng”.

Anh Thiện tâm sự: “Thật ra, tôi không lượm được nhiều như vậy. Bà con thấy tôi tội nghiệp nên kêu lại cho. Tôi sống được cũng nhờ lòng thương hại của xã hội”.

Những loại phế liệu nào không bán kịp trong ngày, anh đem về dồn vào xe chở ve chai của mình. Khi nào đầy xe, anh lại kéo đến vựa ve chai để bán. Mỗi xe bán được từ 170.000 đến 180.000 đồng.  

Sau ngày giải phóng, cha mẹ anh rời quê Long Giang (huyện Bến Cầu) đến đất Ninh Sơn sinh sống. Gia đình nghèo, lại có đến 11 người con, anh Thiện là con út, nên cuộc sống của cả gia đình vô cùng vất vả.

Học hết lớp 6, anh Thiện đành chia tay bạn bè, đi làm nghề phụ hồ kiếm sống. Dần dần, nghề dạy nghề, anh trở thành thợ xây. Nhờ tính nết hiền lành, chịu khó làm ăn, nên anh được cô con gái của chủ vựa vật liệu xây dựng ưng bụng.

Mặc dù không đăng ký kết hôn, nhưng cha mẹ anh tổ chức đám cưới đàng hoàng. Vợ chồng anh có một con gái. “Lúc đó, tôi nghĩ mình không bao giờ nghèo được”, anh nhớ lại.

Trong đùi anh Thiện còn cái nẹp inox, nhưng anh không có tiền để mổ lấy.

Cuộc sống đang tươi đẹp, bỗng dưng tai họa ập đến. Một lần, trên đường đi làm, anh bị tai nạn giao thông, khiến chân trái của anh bị gãy hai khúc, chấn thương nặng vùng đầu và mặt. Anh phải nằm viện điều trị hai năm liền. Mẹ anh phải chạy vạy lo tiền để lo chữa trị cho anh.

Đến nay hậu quả còn rất nặng nề. Hai mắt anh bị mờ, không còn nhìn rõ. Chân đi cà nhắc và thường xuyên bị đau nhức không chịu nổi.

Để minh chứng cho lời kể, anh chỉ cho tôi xem trên đầu còn in hằn một vết thẹo, một bên mắt bị sụp mí và trên bắp đùi còn một vết thẹo dài. Anh chỉ vào đùi nói: “Trong đó còn nẹp inox. Không có tiền để mổ lấy nẹp ra. Hiện giờ, mẹ tôi còn thiếu nợ cả trăm triệu đồng. Nhiều khả năng sắp tới sẽ bị xiết nhà, lấy đất”.

Nỗi đau thể xác chưa nguôi, anh Thiện lại như bị xát muối vào vết thương, khi vợ anh lặng lẽ dẫn con gái đi mất. Từ đó đến nay, anh sống thui thủi một mình trong căn nhà gạch nhỏ, chừng 16 mét vuông.

Ban ngày anh lang thang khắp nơi nhặt rác, tối về thui thủi một mình. “Tôi thèm làm nghề thợ xây trở lại. Nhưng chân chống nạn đi cà nhắc thế này, ai thèm mướn? Tôi cũng ước mơ kiếm người vợ khác, nhưng khổ như vầy, chẳng dám nhìn ai…”.

Với anh Thiện, lượm ve chai không chỉ là cách mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Từ ngày bị tai nạn, anh chưa từng có được một bữa cơm ngon. “Hằng ngày tôi mua cơm chỉ năm ngàn đồng. Nhờ bà con thương tình, cho ăn no bụng”, anh nói. Có lần, tôi nhìn thấy trong giỏ đệm của anh chỉ có duy nhất một ổ bánh mì không, anh cười bảo, đây là bữa trưa của mình, không ăn cơm thì mua bánh mì ăn.

Có lần tôi hỏi anh vì sao viết câu “Tà tà đi lượm ve chai…” nghe sao nhàn nhã quá vậy? Anh Thiện nói thật: “Chân tôi đi cà nhắc, muốn đi nhanh cũng không được, nên tôi viết thế”. Nhưng việc làm sạch đẹp môi trường thì anh ý thức rất rõ.

Anh nói: “Mỗi khi nhặt được giấy bay ngoài đường, hay một cái chai nhựa trên vỉa hè là tôi cảm thấy vui vui, ngoài chuyện kiếm tiền, tôi nghĩ mình còn có ích trong xã hội... ”.

       Đại Dương