BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tác động kinh tế Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO

Cập nhật ngày: 12/06/2009 - 08:00

Dệt may của Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài

Hội thảo “Đánh giá tác động hội nhập đối với nền kinh tế Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO” do Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (NCIEC) phối hợp với Sở Công thương thành phố Cần Thơ tổ chức, diễn ra ngày 11.6, tại thành phố Cần Thơ.
Các báo cáo tại hội thảo thống nhất việc gia nhập WTO đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế như năm 2007, tổng thu nhập quốc nội GDP đạt 8,48% - mức cao nhất trong 10 năm qua. Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2008 đạt trên 64 tỷ USD (tăng 42 tỷ USD so với năm trước), kim ngạch xuất khẩu đạt 63 tỷ USD (tăng gần 30%), giá trị xuất khẩu công nghiệp đạt 650.000 tỷ đồng (tăng trên 14%).
Đánh giá những tác động sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết năng lực sản xuất và kinh doanh của một số ngành hàng đã tăng lên rõ rệt, thị trường được mở rộng, hàng hoá của Việt Nam thâm nhập được thị trường các nước thành viên WTO thuận lợi hơn.
Các loại hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, cà phê, cao su, thuỷ sản có mặt ở hàng trăm nước trên thế giới.
Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn tín dụng, công nghệ hiện đại, các loại hình dịch vụ, vật tư, nguyên liệu và cơ hội xuất khẩu sản phẩm do thị trường mở rộng, không bị phân biệt đối xử. Việt Nam đã trở thành thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực như điện tử, tin học, luyện cán thép, dệt may, cơ khí, đóng tàu, tài chính ngân hàng.
Hiện nhiều tập đoàn và công ty đa quốc gia lớn trên thế giới đã có mặt đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện theo hướng thuận lợi và minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, việc mở cửa thị trường nội địa và cắt giảm thuế và rào cản phi thuế đối với các sản phẩm đã tạo điều kiện cho hàng hoá đến tay người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước với mức giá hợp lý.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiêm, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hơn 2 năm gia nhập WTO, thời gian tuy chưa dài để đánh giá toàn diện và lượng hoá đầy đủ tác động của sự kiện này nhưng có thể thấy rõ tác động tích cực của nó như đầu tư nước ngoài tăng mạnh, thị trường xuất khẩu được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, quan trọng nhất là đã hình thành được tư duy, chuẩn mực kinh doanh mới.
Tìm lời giải cho bài toán hội nhập WTO thành công, một số đại biểu cho rằng tập trung mở rộng thị trường mới cả trong nước và quốc tế; nắm bắt nhanh các hình thức thương mại hiện đại, các phương thức phân phối mới; đa dạng hoá lĩnh vực kinh doanh; xây dựng, bảo vệ thương hiệu của sản phẩm dịch vụ; tránh đầu cơ vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán kiếm lời.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng các doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, lưu ý đến yếu tố môi trường; đoàn kết chia sẻ thông tin, giải quyết tranh chấp, xúc tiến thương mại, thống nhất giá cả, hợp tác sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện cam kết gia nhập WTO cũng gây khó khăn và áp lực cho các doanh nghiệp trong nước do sự cạnh tranh tăng lên.
Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho rằng, một trong những thách thức lớn đối với hầu hết các ngành hàng là sự phát triển của một số ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, việc mở cửa thị trường dẫn đến cạnh tranh tăng lên, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với các quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ các quy định về nhãn mác và xuất xứ hàng hoá, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ông Vĩnh nhấn mạnh.

(Theo TTXVN/Vietnam+)