BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tác giả bài ca cổ Chuyến xe Tây Ninh đã mãi mãi đi xa 

Cập nhật ngày: 27/02/2020 - 09:07

BTNO - Sau một thời gian lâm bệnh, sáng 26.2.2020, tác giả bài ca cổ nổi tiếng “Chuyến xe Tây Ninh”- soạn giả Thanh Hiền đã mãi mãi đi xa. Ông được 50 năm tuổi Đảng và hưởng thọ 79 tuổi.

Những năm gần đây, tôi có nhiều gặp gỡ, phỏng vấn ông và lần nào cũng vậy, khi thì thấy ông ôm đàn kìm buông tiếng trên sân khấu, câu lạc bộ đờn ca tài tử hoặc ngồi nắn nón từng câu, từng từ trong bài vọng cổ đang sáng tác.

Mặc dù ông là người nổi tiếng, được tặng nhiều giải thưởng và từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, nhưng ông không quan cách, ngược lại Soạn giả Thanh Hiền rất đỗi bình dân, giản dị.

Chúng tôi thường gọi ông theo cách xưng hô miền Nam: Chú Tư. Gặp nhau, chỉ cần một ly trà, ly cà phê hoặc khề khà với nhau một vài chum rượu là ông có thể kể cho nghe rất nhiều về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác.

Ông Lê Minh Trọng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa và quà cho soạn giả Thanh Hiền.

Còn nhớ, một lần gặp chú Tư trong căn nhà nhỏ của ông ở phường IV, TP Tây Ninh, ông ngân nga hát cho tôi nghe bài "Thành phố Tây Ninh có đường bông sim" mà ông vừa sáng tác. Nội dung bài hát viết tiếp câu chuyện giữa người chiến sĩ và cô gái tên Thơ trong bài "Chuyến xe Tây Ninh" mà ông sáng tác năm 1976. Trong bài hát này, soạn giả Thanh Hiền mơ thấy thành phố Tây Ninh có những con đường tràn ngập hoa sim.

Ông nói: “Thị xã Tây Ninh đã lên thành phố, nhưng chưa có một nét riêng nào cả. Nếu trên những con lươn và trong công viên trồng đầy hoa sim thì sẽ tạo thành một nét riêng, độc đáo”.

Soạn giả Thanh Hiền còn cho biết, những năm gần đây, ông đã sáng tác hơn 30 bài về đề tài biển Đông và 2 tập đờn ca tài tử, với khoảng 50 bài. Ông lấy cho tôi xem một số bài hát ông vừa sáng tác như: "Dậy sóng ba miền nối nhịp Hoàng Sa", "Lấy chồng về xứ Lý Sơn", "Hoa lẻ bạn" v.v...

Soạn giả Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng, sinh năm 1942, quê xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng. Ông xuất thân từ gia đình có truyền thống về đờn ca tài tử, mới tám, chín tuổi, ông đã sớm tiếp cận và mê đờn cùng ca cải lương. Tháng 4.1961, chàng trai trẻ Đỗ Văn Trượng thoát ly gia đình vô rừng Bời Lời xin theo cách mạng và được phân công tác tại Đoàn Văn công Tây Ninh.

Tháng 6.1961, ông được điều về công tác tại Đoàn Văn công Giải Phóng tham gia dàn nhạc dân tộc. Tại nơi đây, ông đã may mắn gặp và được sự động viên, chỉ dẫn của soạn giả Trần Hữu Trang, danh cầm Mười Dõng và nhà văn Lý Văn Sâm. Những bậc tiền bối này đã giúp cho ông nhiều kinh nghiệm trong sáng tác bài bản đờn ca tài tử, cải lương và kỹ năng đờn kìm. Từ đó, ông đã có nhiều tác phẩm phục vụ cho Đoàn Văn công Giải Phóng và Đài Phát thanh Giải Phóng. Tác phẩm đầu tay là bài “Toàn dân phá ấp chiến lược”.

Soạn giả Thanh Hiền- "cây đại thụ" để lại cho đời những chùm quả ngọt.

Năm 1963, ông được tham gia học tại Trường Thông tin Báo chí Văn nghệ. Tháng 4.1964 về công tác tại Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương Cục và vẫn cộng tác với Ban nhạc dân tộc Đoàn Văn công Giải phóng.

Sau Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam lần thứ I, năm 1965, Thanh Hiền cùng anh em văn nghệ sĩ của Đoàn Văn công Giải phóng trong đó có Phạm Khắc, Giang Nam, Lê Văn Thảo ra Mặt trận Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Ở đó, ông cho ra đời tác phẩm “Em bé Phú Riềng”.

Tiếp theo, Đoàn đi thực tế ở chiến trường miền Đông và miền Tây Nam bộ. Từ những chuyến đi thực tế này, Thanh Hiền đã có loạt bài, như Đội nữ pháo binh, Cô du kích Thanh Phước, Đêm trăng Vàm Cỏ đông, Bộ đội về làng giúp dân, Hai anh em người chiến sĩ Lộc Ninh, Vui kháng chiến, Du kích làng ta, Mẹ giữ lúa…

Năm 1966, ông được điều về công tác tại Trường Thông tin Báo chí Văn nghệ (B25) trực tiếp viết bài để phục vụ giảng dạy cho các Đoàn Văn công các tỉnh Long An, Mỹ Tho, Bến tre, Kiến Phong, Kiến Tường, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa,… Năm 1972, ông được đưa ra miền Bắc tham gia lớp đào tạo dành cho cán bộ cốt cán miền Nam.

Soạn giả Thanh Hiền tọa đàm giao lưu với khán giả.

Từ tháng 5.1975, ông Thanh Hiền được điều về công tác tại Hội Nghệ sĩ Sân Khấu TP. Hồ Chí Minh với chức vụ Phó Ban sáng tác. Tháng 9.1982, ông về công tác tại Ty Văn hóa- Thông tin Tây Ninh, với chức vụ Phó Phòng Văn nghệ Xuất bản, kiêm Phó Đoàn văn công Tây Ninh. Sau đó, ông làm Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Tây Ninh 2. Năm 1983 ông tham gia Ban Vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh. Năm 1994, ông giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội khóa I, tiếp theo là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh khóa II. Đến năm 2002 ông về nghỉ hưu.

Ngoài tài năng sáng tác, Thanh Hiền còn sở hữu ngón đờn kìm điêu luyện. Cây đờn kìm đã theo ông gần 70 năm từ tuổi thơ ở vùng quê Gia Lộc, Trảng Bàng đến chiến khu và các sân khấu. Năm 2014, ông được mời tham gia Hội đồng nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ Việt Nam. Năm 2015 ông vinh dự được Nhà Nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú.

Ông đã sáng tác được hơn 1.500 bài đờn ca tài tử, vọng cổ, chập cải lương và một số bài sưu tầm văn nghệ dân gian, cũng như lý luận phê bình. Có một số bài được phổ biến rộng rãi trong cả nước dưới nhiều hình thức như ca hát trong quần chúng, phát thanh, thu băng, thu đĩa, in ấn.

Soạn giả Thanh Hiền chụp ảnh cùng Nghệ sĩ ưu tú Thanh Tuấn.

Quá trình tham gia cách mạng và cống hiến lĩnh vực sáng tác, nghệ sĩ Thanh Hiền đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương kháng chiến Chống Mỹ hạng nhì, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và các giải thưởng về sáng tác: Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1963, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông năm 2002, giải thưởng VHNT Xuân Hồng Tây Ninh năm 2013.

Soạn giả Thanh Hiền là một trong số hiếm hoi của những cây bút xuất sắc viết bài ca vọng cổ của Tây Ninh. Ông đã dâng hiến cả cuộc đời cho nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương, đem ngón đờn điêu luyện phục vụ cho đời, cống hiến cho cuộc đời thêm tươi đẹp.

Đại Dương