BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tác nghiệp giữa 'biển thông tin' ở Liên hợp quốc 

Cập nhật ngày: 20/06/2023 - 15:17

Công tác phóng viên thường trú ngoài nước luôn đòi hỏi những phẩm chất, chuyên môn cao. Tác nghiệp tại Cơ quan Thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Liên hợp quốc (Mỹ) lại là nhiệm vụ nặng nề hơn nữa, bởi đây là địa bàn thông tin sôi động nhất thế giới, với hàng loạt sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng diễn ra hằng ngày.

Trần Thanh Tuấn, Trưởng CQTT New York, dẫn tin truyền hình trong cái lạnh -20 độ C bên ngoài trụ sở LHQ.

Dù đã có kinh nghiệm làm phóng viên thường trú ở nước ngoài, song tôi vẫn có phần bị bất ngờ trước khối lượng công việc của CQTT TTXVN tại LHQ (New York, Mỹ). Theo Văn phòng liên lạc truyền thông LHQ (MALU), hiện nay có khoảng hơn 100 hãng thông tấn - báo chí quốc tế hoạt động thường xuyên tại trụ sở chính ở New York. Mỗi ngày, LHQ diễn ra khoảng 60 cuộc họp chính thức, trong đó có hàng chục cuộc họp liên quan tới Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chưa tính việc khai thác nguồn thông tin từ báo chí bản địa, chỉ riêng việc trực tiếp bao quát thông tin các hoạt động của LHQ đã là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với ba phóng viên của CQTT New York.

Tuy nhiên, điều khó nhất đó là trong “biển thông tin” ấy, chúng tôi phải lựa chọn những thông tin nào để vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà lãnh đạo cơ quan giao phó, vừa đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu thông tin của độc giả trong nước. Kinh nghiệm cho thấy các cơ quan báo chí nước ngoài, như tại Mỹ, cũng đưa tin với tính định hướng rất cao, đưa tin theo quan điểm riêng và phục vụ lợi ích của họ.

Do đó, phóng viên của TTXVN phải luôn tỉnh táo khi khai thác thông tin, đặc biệt các phóng viên cần phát huy hết lợi thế của cơ chế thường trú. “Cắm chốt” tại địa bàn, chúng tôi có điều kiện trực tiếp tham gia các cuộc họp của LHQ, trực tiếp hít thở bầu không khí thực địa, trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường và đôi khi tiếp cận được cả những thông tin hậu trường. Điều này giúp các phóng viên trường trú của TTXVN tại LHQ có được góc nhìn toàn diện, đa chiều và khách quan, tạo điều kiện để CQTT lựa chọn những thông tin phù hợp và chuẩn xác.

Các phóng viên Hoài Thanh (trái), Thanh Tuấn (giữa) và Quang Huy của CQTT New York đưa tin tại Hội nghị Nước của LHQ tháng 3/2023.

CQTT cũng luôn bám sát chỉ đạo và định hướng thông tin từ Tổng xã, đồng thời bám sát các hoạt động của Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ. Đó là những yếu tố giúp CQTT hoàn thành nhiệm vụ thông tin mà lãnh đạo ngành giao phó. Nhận xét về hoạt động của CQTT TTXVN tại New York, Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, ghi nhận những đóng góp hiệu quả, từ nội dung tin bài tới hình ảnh, của CQTT TTXVN trong công tác thông tin nói chung.

Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên cho rằng trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên TTXVN tại New York luôn thể hiện phẩm chất chính trị nhạy bén, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, năng động và tinh thần trách nhiệm cao.

Làm báo tại một địa bàn đa phương và hội tụ như tại LHQ, phóng viên cũng nhận thấy trách nhiệm cần phải thực hiện công tác thông tin đối ngoại, công tác đối ngoại báo chí của ngành ngay tại nơi tác nghiệp. Nhiệm vụ này được triển khai qua các hoạt động như tăng cường trao đổi nghiệp vụ, phối hợp thông tin, thảo luận chuyên môn, giao lưu và quảng bá các sản phẩm báo chí của TTXVN với đồng nghiệp tới từ các hàng thông tấn - báo chí khác, như kênh truyền hình CNN, hãng tin AP của Mỹ, hãng thông tấn Tass (Nga), Xinhua (Trung Quốc), Đài truyền hình NHK (Nhật Bản)...

Hiện nay, TTXVN là hãng thông tấn nhà nước đa phương tiện, với rất nhiều loại hình thông tin. Đây là một lợi thế lớn giúp lan tỏa hình ảnh hãng thông tấn quốc gia của Việt Nam với bạn bè quốc tế… Có điều phóng viên vẫn còn trăn trở, đó là việc phối hợp giữa cơ quan đại diện báo chí của các nước ASEAN tại LHQ chưa được như mong đợi. Các phái đoàn đại diện thường trực của các nước ASEAN tại LHQ duy trì liên lạc, phối hợp khá đều đặn và hiệu quả. Cơ chế này giúp nâng cao hình ảnh và tiếng nói của Cộng đồng ASEAN tại diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới. Trong khi đó, các cơ quan báo chí ASEAN tới nay vẫn hoạt động tương đối riêng rẽ, chưa có một mô hình như kiểu “Câu lạc bộ báo chí ASEAN” của riêng mình. Đây thật sự là điều đáng tiếc.

Là nhà báo, việc được tác nghiệp tại một địa bàn trọng điểm, thông tin sôi động và quan trọng như LHQ, có thể coi là may mắn. Thành công lớn nhất, chiến thắng lớn nhất của những phóng viên thường trú nước ngoài như chúng tôi không đơn giản là đong đếm lượng tin, bài, ảnh hay sản phẩm truyền hình gửi về Tổng xã, mà hơn cả, đó là kinh nghiệm rèn luyện bản thân, là cơ hội cống hiến cho TTXVN trong nghiệp vụ khai thác, tổ chức thông tin trong một môi trường mà luồng thông tin chảy như vũ bão mỗi ngày. Một thành công cũng rất đáng tự hào, đó là việc đại diện cho cơ quan TTXVN quảng bá và lan tỏa hình ảnh cơ quan thông tấn quốc gia của Đảng và Nhà nước Việt Nam tới bạn bè và đồng nghiệp quốc tế tại LHQ.

Nguồn baotintuc (P/v TTXVN tại New York)

Từ khóa
New YorkASEAN