Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
“Tác phẩm” mới của anh kỹ sư ghiền sáng chế
Chủ nhật: 12:06 ngày 03/06/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đó là chiếc máy bón phân cho cây cao su. Công suất của thiết bị mới ra đời này cao hơn rất nhiều so với cách làm thủ công.

Tháng 11.2011, Báo Tây Ninh có đưa tin về “Anh kỹ sư ghiền sáng chế”. Nhân vật chính trong bài là kỹ sư Nguyễn Trọng Hoà- Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm và sản xuất mía giống của Công ty cổ phần Đường Bourbon Tây Ninh. Trong số máy móc do kỹ sư Hoà sáng chế, có máy phun thuốc trừ sâu cho cây cao su. Cũng nhờ chiếc máy này, kỹ sư Hoà đã được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh trao giải thưởng hồi cuối năm 2011. Mới đây, sau nhiều ngày mày mò, tự nghiền ngẫm, kỹ sư Hoà lại cho ra đời máy bón phân cho cây cao su.

Thiết bị bón phân cho cây cao su do kỹ sư Nguyễn Trọng Hoà sáng chế

Thiết bị mới này có các bộ phận: khung máy bằng sắt được gia cố chịu lực (kích thước tuỳ theo loại máy gắn liên hợp), thùng chứa phân làm bằng inox, mỗi thùng có thể chứa được khoảng 100 kg. Ở phía dưới của thiết bị gắn một cái lưỡi rạch và một ống bón phân được thiết kế theo phương thẳng xuống đất. Muốn hoạt động máy này phải kết nối với động cơ máy cày, cơ cấu truyền động bằng moteur thuỷ lực và có thể điều chỉnh lượng phân theo ý muốn. Khi máy hoạt động, người ta có thể điều chỉnh độ sâu cạn của rãnh bón phân nhờ vào 2 bánh xe của nó.

Công suất của thiết bị mới ra đời của anh Hoà cao hơn rất nhiều so với cách làm thủ công. Theo tính toán, khi thiết bị đã được gắn lên máy cày, mỗi ngày có thể rải phân cho từ 10-15 ha cao su, tuỳ thuộc vào các yếu tố: khoảng cách di chuyển, chiều dài vườn cao su, vườn có đường bờ lô hay không, có nhiều chướng ngại vật không. Sau một thời gian chạy thử nghiệm và đưa máy vào ứng dụng trong thực tế, kỹ sư Hoà cho biết máy có nhiều ưu thế: sau khi bón, lập tức phân được lấp kín hoàn toàn ở một độ sâu nhất định, do vậy không sợ bị nước mưa làm trôi. Cũng nhờ đó, cây cao su hấp thụ hoàn toàn lượng phân bón, tránh thất thoát ra môi trường. Phần “lưỡi cày” được gắn dưới thiết bị không làm đứt rễ nhiều như rải phân bằng tay sau đó dùng bừa để lấp. Theo kỹ sư Hoà, một trong những hạn chế của việc bón phân bằng tay như vừa kể là dàn bừa không có khả năng lấp kín phân hoàn toàn, chẳng những tạo nguy cơ phân bị rửa trôi khi trời mưa mà sự hấp thụ của cây đối với phân cũng khó khăn hơn. Thiết bị mới của anh Hoà có thể bón các loại phân đơn riêng rẽ hoặc có thể bón phân hỗn hợp NPK.

Kết quả ứng dụng ban đầu cho thấy, máy bón phân cho cây cao su do kỹ sư Hoà sáng chế đem lại nhiều lợi ích, vừa tiện lợi vừa an toàn về sức khoẻ cho người bón phân lại giảm chi phí sản xuất. Trước nay, việc bón phân cho cây cao su thường chỉ dùng tay (bốc phân đựng trong thúng để rải). Cách làm này công suất rất thấp và đặc biệt ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người lao động do thường xuyên hít phải mùi phân (kể cả khi đã mặc đồ bảo hộ lao động). Hiện nay còn có một cách khác để bón phân cho cây cao su là để phân lên xe rơ-moóc kéo đi giữa hàng cây, người đứng trên xe rơ-moóc dùng xẻng rải phân xuống, sau đó dùng cày 7 chảo để cày lấp lại. Cách làm truyền thống này mất hai lần chi phí, chưa kể rải phân như vậy thường không đều. Việc dùng cày 7 chảo cày lấp cũng gây đứt rễ cao su, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cũng như sản lượng mủ. Thiết bị bón phân mới của kỹ sư Hoà khắc phục được những nhược điểm ấy.

Theo tính toán, ở thời điểm hiện nay, tiền công bón 1 bao phân bằng tay là 15.000 đồng. Mỗi ha cao su cần bón khoảng 20 bao phân, tính ra phải mất 300.000 đồng. Sau đó còn phải thuê máy cày hoặc bừa lấp lại tốn thêm 300.000 đồng nữa. Trong khi đó, bón phân bằng máy do kỹ sư Hoà sáng chế chỉ tốn không quá 400.000 đồng.

Để cho ra đời “đứa con tinh thần” của mình, kỹ sư Hoà đã mất gần hai tháng mày mò thử nghiệm. Theo anh, trong quá trình chế tạo, công đoạn khó nhất là làm sao cho thiết bị tự trộn được các loại phân đơn mà không bị dính (bởi phân u rê kết hợp với phân lân dễ tạo thành dạng dẻo).

Mặc dù máy “chào đời” chưa lâu nhưng kỹ sư Hoà đã bán được 2 cái, mỗi cái 35 triệu đồng.

Hiện tại kỹ sư Hoà đang nghiên cứu thiết bị tưới Rain –gun (súng tưới nước dạng mưa). Hiện nay, loại thiết bị có khả năng “thay trời làm mưa” này (do nước ngoài chế tạo) có giá rất cao: 350 triệu đồng/máy. Đây là loại thiết bị chuyên dụng thường dùng để tưới cho những cánh đồng mẫu lớn. Trong khi, phần lớn đất sản xuất nông nghiệp, kể cả đất trồng cây công nghiệp ở Việt Nam còn manh mún nên máy móc quá cồng kềnh sẽ không phù hợp. Trên cơ sở tìm hiểu thiết bị của nước ngoài, kỹ sư Hoà dự tính sẽ chế tạo các thiết bị phun nước loại nhỏ cho thích hợp với cánh đồng mía và khoai mì ở Việt Nam.

Hồi tháng 3.2012, Báo Tây Ninh cũng đã có đăng bài viết về việc máy phun thuốc cho cây cao su do kỹ sư Hoà sáng chế bị vi phạm bản quyền. Lúc đó, kỹ sư Hoà không giấu được sự mệt mỏi, chán nản, bởi vì: “Lao tâm khổ tứ, mất bao nhiêu thời gian, tâm huyết, đam mê và cả tiền bạc để làm ra sản phẩm và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại bị copy quá dễ khiến tôi cảm thấy chán nản vô cùng, không muốn làm thêm cái gì nữa”. Nói thì nói vậy, nhưng anh kỹ sư máu mê sáng tạo vẫn không thể nào từ bỏ niềm ham thích thôi học hỏi, tìm tòi của mình để tiếp tục cho ra đời những sản phẩm hữu ích giúp người nông dân bớt đi những giọt mồ hôi trên ruộng đồng.

VIỆT ĐÔNG

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục