Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyện trong ngành:
Tác phong của thầy cô- đừng coi là chuyện nhỏ
Thứ năm: 03:23 ngày 30/10/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Thiết nghĩ ngành giáo dục cần có “quy định cứng” về trang phục nhà giáo để áp dụng ở mỗi tỉnh, thành. Chuyện trang phục của thầy cô giáo khi lên lớp, do đặc thù của từng nơi có thể có quy định khác nhau, tuy nhiên thế nào cũng phải hướng tới sự chuẩn mực.

Tiết sinh hoạt dưới cờ của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Lâu nay, người ta thường phàn nàn về đạo đức tác phong, cả chuyện đồng phục của học sinh nhưng có vẻ ít ai bàn đến tác phong ăn mặc của người thầy khi lên lớp. Theo sự phát triển của xã hội, trang phục của người thầy khi lên lớp cũng ngày một khác.

Thầy, cô đã có điều kiện lựa chọn cách ăn mặc khi đến trường sao cho vừa nghiêm túc, đúng mực vừa hợp thời trang.

Đáng nói là hiện nay không ít thầy cô, nhất là ở các trường vùng nông thôn, khi lên lớp tỏ ra khá xuề xoà về trang phục- quần áo nhầu nhĩ, thiếu tề chỉnh, cử chỉ, hành vi thiếu mẫu mực. Thậm chí có thầy lên lớp vẫn cứ hút thuốc, có người còn sặc mùi bia rượu và có người thản nhiên sử dụng điện thoại di động giữa lúc đang giảng bài.

Sự thiếu vắng chút chuẩn mực của người thầy sẽ làm mất đi không ít sự tôn trọng từ phía học sinh và phụ huynh các em.

Cũng từng công tác trong ngành giáo dục (nay đã về hưu), tôi thiết nghĩ đã là thầy giáo, cô giáo thì phải luôn giữ cho mình một sự mẫu mực về tác phong ăn mặc (và cả ăn nói, ứng xử).

Ai không muốn hoặc không thể gìn giữ được tác phong sư phạm mẫu mực thì tốt hơn nên chuyển sang nghề khác.

Bởi với học sinh, hình ảnh tôn nghiêm của người thầy là rất quan trọng để các em đặt lòng tin vào việc dạy dỗ của thầy. Muốn các em chấp hành kỷ luật tốt, thầy cô giáo cần mẫu mực làm gương trước.

Thiết nghĩ ngành giáo dục cần có “quy định cứng” về trang phục nhà giáo để áp dụng ở mỗi tỉnh, thành. Chuyện trang phục của thầy cô giáo khi lên lớp, do đặc thù của từng nơi có thể có quy định khác nhau, tuy nhiên thế nào cũng phải  hướng tới sự chuẩn mực.

Ở Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha và Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Tây Ninh) có quy định bắt buộc giáo viên nữ mặc áo dài, giáo viên nam mặc áo sơ mi quần tây, đeo cà vạt, đi giày.

Theo thầy Nguyễn Hữu Quốc- hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, nhà trường quy định thế để yêu cầu thầy cô giáo phải luôn có tác phong tốt, qua đó học sinh tiếp thu ở người thầy không chỉ kiến thức mà còn học tập cả hành vi, đạo đức tư cách thể hiện qua tác phong ăn mặc.

Thầy Trương Văn Thanh- hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cho rằng: để bảo vệ truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, đòi hỏi về phía bản thân người thầy- ngoài việc dạy chữ, còn phải là tấm gương về tác phong, đạo đức cho học sinh noi theo.

Thiết nghĩ, việc thực hiện “đồng phục” cho các thầy giáo, cô giáo tương tự như cách làm của 2 trường kể trên cũng cần được nhân rộng.

Nếu thầy cô ăn mặc thiếu nghiêm túc, tác phong thiếu mô phạm thì ít nhiều cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh.

Rất mong quý thầy cô - những kỹ sư tâm hồn không nên coi việc ăn mặc, nói năng, cư xử là “chuyện nhỏ”, để lúc nào cũng xứng đáng với sự kỳ vọng của xã hội- mỗi thầy, cô là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Quang Hà

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục