Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tách Luật Giao thông đường bộ là cần thiết
Thứ sáu: 09:44 ngày 11/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 10-2, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB)".

Hội thảo nhằm làm rõ luận cứ, luận chứng khoa học để góp phần hoàn thiện pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, hướng tới xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn. Trong đó, các đại biểu tập trung phân tích về việc tách Luật GTĐB năm 2008 thành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn GTĐB.

Phát biểu tại hội thảo, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an), cho biết sau hơn 13 năm thực hiện, Luật GTĐB đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. "An toàn giao thông (là an toàn cho người đi đường) thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội.

Còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (có chất lượng an toàn công trình và phương tiện) thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Do đó, tên gọi Luật GTĐB là chuyên ngành nhưng nội dung phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành, dẫn đến hiểu không đúng về mục tiêu của từng lĩnh vực" - Phó Cục trưởng Cục CSGT phân tích.

Các đại biểu cho rằng Luật Giao thông đường bộ 2008 đã không còn đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Theo đại tá Đỗ Thanh Bình, hoạt động GTĐB tác động trực tiếp tới quyền con người, đó là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản khi đi lại. Tuy nhiên, Luật GTĐB năm 2008 thiếu cụ thể, không quy định đầy đủ, chưa sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác thực hiện. "Từ những phân tích trên, cần tách Luật GTĐB 2008 thành "Luật Đường bộ" và "Luật Trật tự an toàn GTĐB" mới phù hợp với xu thế chung"- ông nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng việc tách luật là "không cần bàn cãi" nhưng điều quan trọng là khi tách luật phải thực hiện chặt chẽ.

"Ai là người chịu trách nhiệm đối với kết cấu hạ tầng, các vụ án tham nhũng xây dựng cao tốc, bớt xén trong quá trình thi công gây hậu quả nghiêm trọng? Về việc tồn tại các điểm đen giao thông, tại sao có điểm đen, ai giải quyết? Tài xế gây tai nạn liên tục, có trạng thái tâm thần vẫn được cấp đổi bằng lái xe, thậm chí sử dụng bằng giả vẫn qua mắt lực lượng chức năng nhiều năm. Câu hỏi ai chịu trách nhiệm đang là băn khoăn của các đại biểu Quốc hội" - Trung tướng Nguyễn Minh Đức trăn trở.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức cho rằng việc ban hành Luật Trật tự an toàn GTĐB sẽ tạo ra bước đột phá về trật tự an toàn GTĐB với những nội dung mới về chính sách, sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhà nước và nhân dân.

Theo thống kê, từ năm 2009 - 2021, cả nước xảy ra hơn 361.000 vụ tai nạn GTĐB, làm chết hơn 113.000 người, bị thương hơn 356.000 người; chiếm hơn 95% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số các vụ tai nạn.

Nguồn NLDO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục