BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tại ấp Cây Trắc, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu: Người dân khổ vì xe chở đất

Cập nhật ngày: 04/05/2009 - 11:46

Xe chở nước tưới đường của một nhà thầu khai thác đất ở ấp Cây Trắc

Khoảng ba năm nay, hương lộ 4 đi qua ấp Cây Trắc, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu được người dân địa phương gọi là “con đường đau khổ”. Tuy là đường nhựa nhưng quanh năm hương lộ 4 (đoạn từ ngã ba giáp với đường 782 đến BCHQS huyện Gò Dầu, dài hơn 2km) phải chịu cảnh “nắng bụi, mưa lầy”. Cứ mỗi khi có xe chở đất chạy qua, bụi đất mịt mù cuốn theo bánh xe bay vào nhà dân, bay vào mặt mũi người đi đường. Bữa nào mấy ông nhà thầu chở đất “thương tình” đem xe xịt nước tưới đường thì đỡ bụi. Thế nhưng, tưới ít thì bụi vẫn cứ bay tới tấp, tưới nhiều thì lại nguy hại hơn bởi đất sét rơi vãi bám chặt vào mặt đường gặp nước trở nên nhão nhoét, khiến người đi gắn máy, xe đạp trợt té liên tục. “Chúng tôi lưu thông trên đường nhựa mà phải xắn quần như đi trên bờ ruộng. Tôi tận mắt chứng kiến nhiều em học sinh quần áo, đầu tóc dính đầy bùn đất, khóc mếu máo vì trợt té trên đường đến trường. Bức xúc quá nhưng không biết phải làm sao…”, một giáo viên dạy học ở khu vực này cho biết.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do hàng chục xe ben chở đất từ các hầm khai thác ở khu vực xã Phước Đông gây ra. Các xe này “tha” đất sét, đất phún đỏ từ các hầm đất rồi “trét” lên mặt đường nhựa. Có những nơi, lớp đất này dày hàng tấc, khiến đường nhựa trở nên gồ ghề, khó đi. Một cán bộ ở ấp Cây Trắc cho biết, mỗi ngày có khoảng trên 100 lượt xe chở đất qua lại hương lộ 4. Vào ngày thứ bảy, chủ nhật thì mật độ lưu thông của xe chở đất càng dày hơn vì những ngày này xe đi “an toàn” hơn. “Cũng có khi tôi thấy cảnh sát giao thông tuần tra, chặn bắt xử lý một số xe ben, nhưng rồi hương lộ 4 vẫn cứ tiếp tục khổ vì xe chở đất. Ở khu vực này có hơn 20 hộ làm nghề tráng bánh và gần như sống dựa vào thu nhập từ nghề này. Nhưng từ khi những chiếc xe ben chở đất tung hoành trên hương lộ 4, nhiều hộ phải bỏ nghề, sống rất khó khăn, khổ sở…”.

Sở dĩ bà con không thể tiếp tục theo nghề tráng bánh được là vì bánh của họ sau khi phơi đã được bụi đường “nhuộm” sang màu đỏ gạch hoặc màu xám đen. Các cơ sở thu mua chê bánh không đạt chất lượng nên trả lại, thế là bà con “phá sản” vì hết vốn.

Vị cán bộ ở ấp Cây Trắc còn cho biết người dân địa phương đã “kêu khản cổ” với chính quyền địa phương, với ngành chức năng. Cử tri cũng đã nhiều lần phản ánh vấn đề này, đề nghị huyện Gò Dầu chỉ đạo ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường và bôi bẩn đường sá ở đây, nhưng rồi… “cũng như không”.

Thật khó hiểu khi chính quyền địa phương lẫn ngành chức năng huyện Gò Dầu không thể xử lý được tình trạng xe chở đất vi phạm như thế trong suốt mấy năm qua?

BẢO TÂM