Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập đã tổ chức hội thảo về đề án “Tái cấu trúc hệ thống giáo dục Việt Nam” theo “đặt hàng” của Chính phủ.
Đề án cũng nhận định điểm yếu nhất trong đào tạo nhân lực là sự phân luồng trong hệ thống giáo dục, nhưng đề án mới chỉ tập trung vào giáo dục nghề nghiệp là khu vực đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, chưa đề cập đến giáo dục phổ thông. Do đó, một số đại biểu tham dự Hội thảo có ý kiến cho rằng như thế tái cấu trúc hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ không hoàn chỉnh.
Bàn về đề án đổi mới sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 17/4/2014 Báo Giáo dục Việt Nam đăng bài “Đổi mới sách thì cần thoát khỏi tình trạng duy ý chí”, trong đó GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm: "Với giáo dục phổ thông, vấn đề đáng phải giải quyết trước chương trình, sách giáo khoa là hệ thống cũng không nằm trong mối quan tâm của đề án đổi mới, mặc dù việc áp dụng đồng loạt chương trình 12 năm với tất cả các đối tượng đang gây lãng phí thời gian, tiền bạc và là một nguyên nhân khiến chủ trương phân luồng học sinh không thực hiện được”.
Ảnh minh họa.
Các ý kiến trên khiến người ta suy nghĩ về việc cần sớm cấu trúc lại hệ thống giáo dục phổ thông. Bài giới thiệu dưới đây đề cập một số vấn đề trong cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông.
Các nước làm thế nào?
Nhiều chuyên gia ở ta đã nghiên cứu áp dụng hệ thống giáo dục phổ thông của các nước tiên tiến như Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Nga, nhưng giáo dục phổ thông Việt Nam cho tới nay vẫn không thể hiện rõ là theo mô hình tiên tiến nào.
Để có cơ sở nghiên cứu vấn đề này, chúng ta nên xem xét cấu trúc giáo dục phổ thông của các nước xung quanh như Singapore, Philippines, Australia, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Đó là những nơi có nền giáo dục thành công, đã được xây dựng trên kinh nghiệm của các nước tiên tiến và áp dụng vào điều kiện riêng của mình. Ở các nước này có một số điểm chung và riêng của giáo dục phổ thông:
Cấp tiểu học ở tất cả các nước khảo sát đều thực hiện trong 6 năm. Ở Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, học sinh lớp 5 và lớp 6 đã được định hướng nghề nghiệp.
Trung học ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái lan, Đài Loan và Trung Quốc gồm hai cấp: trung học cơ sở (Lower Secondary) thực hiện trong 3 năm đến lớp 9 và trung học phổ thông (Upper Secondary) 3 năm tiếp theo đến lớp 12. Phân luồng mạnh mẽ khi học sinh học xong trung học cơ sở (lớp 9).
Ở Philippines, Singapore và Australia, trung học chỉ thực hiện 4 năm đến lớp 10, sau đó là 2 năm chuẩn bị cho chương trình giáo dục đại học hoặc cao đẳng. Ở Malaysia, trung học chia thành 2 cấp: trung học cơ sở (THCS) trong 2 năm đến lớp 9 và trung học phổ thông (THPT) trong 2 năm tiếp theo đến lớp 11; sau đó là chương trình 2 năm dự bị đại học.
Ở những nước này, giáo dục phổ thông chủ yếu 10 năm. Sau 10 năm, học sinh sẽ chia nhánh, một nhánh vào học ở các trường cao đẳng hoặc học nghề bậc cao, một nhánh học dự bị đại học trong 2 hoặc 3 năm.
Việt Nam áp dụng được những gì vào phân luồng phổ thông?
Nếu Việt Nam giữ mô hình giáo dục phổ thông 12 năm như hiện nay (5 năm tiểu học - 4 năm THCS - 3 năm THPT) thì những bất cập lớn như quá tải về nội dung, nhiều kiến thức không cần thiết cho con người bước vào cuộc sống lao động bình thường mà nhiều học sinh và nhà giáo đã lên tiếng, và việc phân luồng sẽ tiếp tục khó có thể giải quyết.
Có thể có 2 phương án cấu trúc lại giáo dục phổ thông:
Phương án 1: 6 năm tiểu học, 3 năm THCS, 3 năm THPT (Mô hình 6-3-3) như của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Trung Quốc. Để thực hiện phương án này, cần nghiên cứu thêm để làm rõ tại sao thời gian cho cấp tiểu học của các nước xung quanh đều là 6 năm? Phải chăng người ta muốn ở cấp tiểu học, học sinh 11, 12 tuổi cuối cấp có thể giúp đỡ các học sinh lớp đầu cấp mới 6, 7 tuổi?
Kết thúc THCS, người ta đã có biện pháp và điều kiện thế nào để phân luồng mạnh mẽ? Kinh nghiệm ở Đài Loan, sau tốt nghiệp THCS, sẽ có khoảng 70% số học sinh đi vào trung học nghề (phát triển lên cao đẳng, đại học theo hướng công nghệ), chỉ có khoảng 30% vào THPT (để tiếp tục học lên đại học).
Ở Trung Quốc, tỷ lệ đó là 50-50. Nếu không có biện pháp để sau THCS nhiều học sinh tham gia học nghề và trung cấp thì mô hình này không khác gì hệ thống giáo dục phổ thông hiện tại.
Phương án 2: 4 năm tiểu học, 3 năm THCS, 2 năm THPT, sau đó 2 năm trung học nâng cao hay dự bị đại học (Mô hình 4-3-3-2): Tiểu học: thực hiện 4 năm để học sinh lớp 1 (đầu cấp) không quá chênh với lớp 4 (cuối cấp); THCS thực hiện trong 3 năm (lớp 5, 6 và 7), học sinh có độ tưổi từ 10 đến 13 là tuổi thiếu niên, tâm sinh lý gần giống nhau; THPT thực hiện trong 3 năm (lớp 8, 9 và 10); học sinh tốt nghiệp THPT (lớp 10) khi 16 tuổi, đã tương đối trưởng thành.
Trong hệ thống giáo dục phổ thông của ta hiện nay có hiện tượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 khi 15 tuổi, phần lớn chưa có ý thức học tại các trường trung cấp hoặc trường nghề.
Nhiều trường trung cấp thích tuyển học sinh tốt nghiệp lớp 12 để đào tạo trong 2 năm hơn là tuyển học sinh tốt nghiệp lớp 9 đào tạo trong 3 năm, một phần do ngại hiện tượng tâm lý của học sinh tốt nghiệp lớp 9 chưa sẵn sàng học nghề. Với 16 tuổi, có thể nhiều học sinh thích học nghề hơn.
Mô hình 10 năm (4-3-3) không phải chỉ là học tập các nước như Singapore, Australia hay Philippines, mà thực tế mô hình này đã tồn tại trong nền giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thời kỳ 1956-1970, với tên gọi đơn giản là cấp I, cấp II và cấp III, còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Với chương trình 10 năm, thế hệ học sinh giai đoạn đó đã được trang bị đủ kiến thức để bước vào cuộc sống và rất nhiều người đã thành đạt. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chương trình phổ thông 10 năm chắc chắn có thể đạt kết quả cao hơn giai đoạn trước đây.
Trung học nâng cao (THNC) thực hiện 2 năm tiếp theo THPT và chỉ dành cho những học sinh đủ tiêu chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT (10 năm) để chuẩn bị học tập tại các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH). Tỷ lệ học sinh được vào học THNC nên là 50% số học sinh tốt nghiệp THPT.
Thống nhất mục tiêu mới viết sách giáo khoa
Về mục tiêu và nội dung chương trình giáo dục của từng cấp cần có sự nghiên cứu thật chu đáo, từ đó mới nên tiến hành viết sách giáo khoa phù hợp mục tiêu, bồi dưỡng lại và đào tạo mới giáo viên, trang thiết bị tương ứng cho các trường học. Tuy nhiên, một cách sơ bộ, mục tiêu của các cấp theo mô hình 4-3-3-2 có thể như sau:
Giáo dục tiểu học trong 4 năm là giai đoạn giúp học sinh thích thú học điều mới, trả lại môi trường tuổi thơ cho trẻ em Việt Nam, thực hiện giáo dục tiểu học theo phương thức vừa chơi vừa học có hiệu quả, không yêu cầu học quá nhiều với một số vấn đề quá khó đối với trẻ em; sớm luyện cho trẻ tính mạnh dạn, chủ động trong học tập, biết cách biểu đạt ý tưởng của mình; khuyến khích công nghệ giáo dục đã nghiên cứu nhiều năm; khắc phục những nhược điểm của trẻ em Việt Nam so với các nước; dạy ngoại ngữ theo phương pháp hiệu quả đối với trẻ em;
THCS trang bị kiến thức chung thống nhất, đảm bảo mặt bằng văn hóa, tiếp tục phương pháp dạy học tích cực, học tập theo nhóm để rèn luyện tư duy độc lập cho học sinh. Có thể trang bị một số kiến thức cần cho lao động nghề nghiệp đơn giản hoặc cho nông nghiệp. Phấn đấu để học sinh THCS đã có khả năng giao tiếp đơn giản bằng ngoại ngữ (tiếng Anh).
Với nền kinh tế của nước ta, giáo dục bắt buộc 7 năm có lẽ hợp lý hơn 9 năm như quy định hiện nay, nhất là đối với khu vực kinh tế còn chậm phát triển. Không nên sợ quy định giáo dục nghĩa vụ của ta thấp hơn nước khác, mà hãy xem quy định bắt buộc 9 năm như hiện nay đã có tác động nhiều đến kinh tế - xã hội chưa. Khi điều kiện kinh tế cho phép, có thể sẽ quy định giáo dục nghĩa vụ là THPT (lớp 10).
THPT phải chú ý đến nguyện vọng, môn học ham thích của học sinh, nhưng vẫn đảm bảo trang bị tri thức phổ thông nền tảng, có chương trình hướng nghiệp tích cực để học sinh lựa chọn chương trình hợp với năng lực và sở thích của mình.
Ngoại ngữ được dạy để đạt một chuẩn rõ ràng, đạt trình độ như học sinh các nước Đông Nam Á. Những kiến thức toán cao cấp và những yêu cầu cao về ngôn ngữ, cảm thụ văn học nên dành cho chương trình Trung học nâng cao.
THNC mang tính chất dự bị đại học nhưng cần thực hiện ở các trường phổ thông chuyên để việc giáo dục theo chuẩn mực chung của những nhóm bộ môn, nhằm trang bị kiến thức cần thiết cho học sinh vào học các ngành tương ứng tại các cơ sở giáo dục đại học. Có những nhóm bộ môn dạy các kiến thức nâng cao chuẩn bị cho các trường đại học định hướng nghiên cứu, nhưng cũng có những nhóm bộ môn chỉ thuần túy tạo nền tảng cho các trường đại học ứng dụng.
Theo GS. TSKH. PHẠM SỸ TIẾN (Giáo dục Việt Nam)