BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tái diễn ghe nhủi vây bắt cá trong hồ Dầu Tiếng 

Cập nhật ngày: 23/02/2020 - 22:53

BTN - Thiết nghĩ, để việc tái tạo nguồn lợi thuỷ sản phát triển ngày càng phong phú, tăng thu nhập cho người dân khi tham gia khai thác thuỷ sản ở hồ Dầu Tiếng, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần nhanh chóng kiểm tra, xử lý các ghe nhủi đang ngày đêm tàn phá môi trường thuỷ sản trong lòng hồ Dầu Tiếng hiện nay.

Những chiếc ghe nhủi lúc thì dàn hàng ngang, lúc thì dàn hàng dọc trên đoạn sông từ khu cây da tàng dù đến Hóc Cò vào chiều 16.2.2020

Theo phản ánh của người dân sống xung quanh đảo Nhím và những người làm nghề câu cá lăng, giăng lưới, cất giàn vó trong lòng hồ Dầu Tiếng, từ đầu tháng 12.2019 đến nay, tầm 15 giờ mỗi ngày có hàng chục chiếc ghe nhủi từ các hướng bến ghe cá ở Đội 25B (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) và bến ghe cá ở xóm Việt kiều (ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu) ồ ạt giương càng nhủi, thi nhau rẽ sóng tiến về các khu vực có nhiều cá sinh sống, như: Gò Đá, Hóc Cò, Đảo Sặc, bến Tám Tơ, khu vực cây da tàng dù, hóc Thuỷ sản… để cùng nhau dàn hàng, hạ càng nhũi, cào lấy bất cứ loài cá lớn, cá nhỏ. 

Trước đó, từ ngày 31.10 - 2.11.2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh đã thả khoảng 1 triệu cá giống các loại vào hồ Dầu Tiếng nhằm tái tạo, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản; bảo vệ môi trường nước; ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho người dân khai thác thuỷ sản.

UBND tỉnh cũng đã có thông báo nghiêm cấm người dân đánh bắt cá tại khu vực thả cá giống trong hồ Dầu Tiếng cho đến ngày 30.11.2019. Tuy nhiên, những ngư dân làm nghề đánh bắt cá chân chính trong lòng hồ lo lắng cho số cá vừa được thả vì họ đã chứng kiến nhiều loại cá con mới thả như: cá tra, cá mè, cá nàng hai, cá trắm được chủ các ghe nhủi đánh bắt bán cho các cơ sở nuôi ba ba, cá lóc. Như vậy, sau khi hết thời gian nghiêm cấm, các ghe nhủi lại “vô tư” hoạt động?

Trước phản ánh của người dân, ông Trần Văn To- Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu (lúc này đang chủ trì đợt ra quân hỗ trợ di dời 12 hộ dân trên đảo Nhím) nói sẽ ghi nhận và chỉ đạo lực lượng chức năng của huyện tiến hành tuần tra xử lý. 

Tuy nhiên, đến nay đã hơn 1 tháng, hoạt động đánh bắt cá trái phép, bắt cá huỷ diệt của các ghe nhủi vẫn diễn ra đều đặn mỗi ngày theo khung giờ nhất định tại các điểm có nhiều cá, tép sinh sống. Anh N.V.T, một ngư dân làm nghề cất giàn vó lâu năm ngay tại lòng lạch con suối Nhím cho biết, tất cả các ghe nhủi hiện nay đều có trang bị máy phát điện dùng để rà cho cá bị điện giật trôi vào lưới cho nhanh. Đặc biệt, đối với những loại cá lăng, cá tra, cá thác lác cườm (cá nàng hai), những con cá càng to thì càng nhanh bị điện giật tê liệt không kịp chạy thoát.

Anh T cho biết thêm, sau mỗi đêm rà nhủi, đến sáng các ghe này đều cuốn lưới, xếp càng nhủi cặp hai bên hông ghe nhằm che mắt cơ quan chức năng để chạy về bến bán cá. Thời điểm sau 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa, khi đi ngang bến ghe ở khu vực xóm Việt kiều, quan sát kỹ sẽ dễ nhận thấy hàng chục chiếc ghe nhủi đậu san sát cặp bờ bên dãy dưới nhà sàn.

Hằng năm, cơ quan chức năng của tỉnh đều thả bổ sung cá giống xuống lòng hồ, nhưng trước thực trạng khai thác huỷ diệt của hàng loạt ghe nhủi hiện nay nên nguồn thuỷ sản trở nên khan hiếm. Thiết nghĩ, để việc tái tạo nguồn lợi thuỷ sản phát triển ngày càng phong phú, tăng thu nhập cho người dân khi tham gia khai thác thuỷ sản ở hồ Dầu Tiếng, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần nhanh chóng kiểm tra, xử lý các ghe nhủi đang ngày đêm tàn phá môi trường thuỷ sản trong lòng hồ Dầu Tiếng hiện nay.

TRÚC HUỲNH