Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tái hoà nhập cộng đồng-con đường hoàn lương cho những người lầm lỡ
Thứ bảy: 00:29 ngày 09/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kinh phí, vật chất để nhân rộng và phát triển mô hình, tạo công ăn việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.

Đoàn Thanh niên Bến Cầu thăm hỏi, giúp đỡ thanh niên yếu thế trên địa bàn.

Tái hoà nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá là vấn đề có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện bản chất nhân đạo của Nhà nước, truyền thống đạo lý của dân tộc, là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực vào hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng ngừa tình trạng tái phạm tội đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng. Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để giúp đỡ những người lầm lỡ sớm trở lại cuộc sống bình thường với gia đình và xã hội.

Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn- Phó trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh, 2 tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, các cơ sở giam giữ sẽ tổ chức tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, định hướng nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho phạm nhân. Khi về địa phương, được chính quyền tiếp nhận, quản lý giáo dục, giúp đỡ để họ sớm ổn định cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng; được trợ giúp, tư vấn pháp luật, hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục cần thiết như đề nghị xoá án tích, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký thường trú, cấp đổi căn cước công dân, được học nghề. Một điểm đáng chú ý nữa là, người dưới 18 tuổi sẽ được ưu tiên đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; khóa học dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí.

Trong 9 tháng năm 2021, Công an các xã, phường, thị trấn đã làm thủ tục đăng ký cư trú cho 297 người, đổi CCCD cho 233 người, hướng dẫn cấp lý lịch tư pháp cho 17 người, hướng dẫn thủ tục xin xoá án tích cho 265 người. Hiện nay, có 2.295 người tìm được việc làm; 245 người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 108 người được giới thiệu cho các tổ chức doanh nghiệp tiếp nhận, tạo việc làm ổn định.

Tổ chức, hướng dẫn xây dựng, duy trì hoạt động của các mô hình tái hoà nhập cộng đồng, điển hình như mô hình “4+1” (gia đình + bạn bè hàng xóm + tổ tự quản + ban, ngành, đoàn thể giúp đỡ 1 người lầm lỡ) ở 94 xã, phường, thị trấn đang quản lý, giáo dục, giúp đỡ cho 772 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Hay như mô hình “Huy động vốn của các doanh nghiệp” của huyện Tân Châu, trong 9 tháng đã huy động được 580 triệu đồng, Hội đồng quản lý quỹ đã xét duyệt cho 16 người chấp hành xong án phạt tù vay với lãi suất thấp tạo công ăn việc làm với số tiền 370 triệu đồng.

Tại Bến Cầu, Đoàn Thanh niên Công an huyện thực hiện nhiều công trình, phần việc để hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên yếu thế trên địa bàn huyện bằng hình thức trao tặng bò sinh sản, trao đồ nghề sửa xe mô tô.

Hằng năm, nhân dịp tết nguyên đán, lực lượng Công an huyện Bến Cầu đều tổ chức thăm hỏi và trao tặng quà cho các thanh niên yếu thế. Qua đó tạo sự thuận lợi cho những người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú ổn định cuộc sống, hạn chế tỷ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

  Đại uý Lê Thị Phương Nam- Phó Đội trưởng, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an Bến Cầu cho biết, Đoàn Thanh niên Công an huyện được sự đồng ý của Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Công an huyện và sự phối hợp của Huyện đoàn, các Xã đoàn, hỗ trợ cho một số thanh niên là đối tượng tù tha, thanh niên cai nghiện về tái hoà nhập cộng đồng với những phần việc cụ thể như: Hỗ trợ vốn cho anh D ở An Thạnh 15 triệu đồng để nuôi bò, hay 1 thanh niên ở Long Giang được hỗ trợ 15 triệu đồng mua bộ đồ nghề sửa xe.

Anh D cho biết: “Tôi được hỗ trợ 15 triệu đồng rồi gia đình thêm ít vốn nữa để mua một con bò, đến nay được bảy tám tháng rồi, bò mẹ chuẩn bị sinh được con bê, tôi cảm ơn các cấp, các ngành, sẽ cố gắng làm ăn để cải thiện cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Để tiếp tục tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá tái hoà nhập cộng đồng, trong thời gian tới, Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tăng cường phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, Nghị định số 49/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 22/2021 của Bộ Công an và các văn bản có liên quan, lồng ghép các cuộc vận động, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương; tư vấn, trợ giúp về tâm lý; hướng dẫn các thủ tục đăng ký hộ khẩu, CCCD; quản lý, phát hiện, xử lý khi có hành vi vi phạm pháp luật; hỗ trợ vốn, tổ chức học nghề, tìm kiếm việc làm nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù không tái phạm.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kinh phí, vật chất để nhân rộng và phát triển mô hình, tạo công ăn việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời biểu dương khen thưởng những cá nhân có thành tích trong tái hoà nhập cộng đồng để từ đó động viên, giúp họ xoá đi những mặc cảm, tự ti, thực sự hoà nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Phạm Công - Minh Nhật

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục