BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tại khu công nghiệp Trảng Bàng: Nước thải “đầu độc” sông Vàm Cỏ Đông

Cập nhật ngày: 11/04/2009 - 08:25

Nước thải từ các nhà máy xả ra cống dẫn ra rạch Trưởng Chừa

Kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, dù chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhưng toàn bộ nước thải trong Khu Công nghiệp (KCN) Trảng Bàng sau khi đưa ra hầm chứa đã được xả thẳng ra sông Vàm Cỏ Đông qua con rạch Trưởng Chừa (ranh giới giữa xã An Tịnh và thị trấn Trảng Bàng). Ngày 9.4.2009, phóng viên đã có chuyến khảo sát xung quanh khu vực này và ghi nhận lại những hình ảnh “đáng sợ”…

Chúng tôi đến hồ chứa khổng lồ bên trong KCN Trảng Bàng, nơi chứa nước thải “đã qua xử lý sơ bộ” từ các nhà máy thải ra. Nước ở đây bị “nhuộm” đen, bốc mùi hôi kinh khủng. Chỉ đến nơi này vài phút, chúng tôi đã cảm thấy khó thở, mệt mỏi. Lẽ ra, theo quy định bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, nước thải ở KCN Trảng Bàng phải được “lọc” độc tố từ nhà máy xử lý nước thải tập trung trước khi thải ra ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà máy này vẫn còn đang thi công, cho nên, toàn bộ nước thải trong KCN chứa đầy độc tố cùng mùi hôi “không ai chịu nổi” đã được “đẩy thẳng” ra rạch Trưởng Chừa qua con kênh đào đi qua khu tái định cư (ảnh nhỏ).

Gặp chúng tôi tại nơi tiếp giáp giữa rạch Trưởng Chừa với con kênh đào dẫn nước thải độc hại, bà T.T.M, 51 tuổi (ngụ ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc) đang làm ruộng ở đây kêu lớn: “Mấy ông là cán bộ môi trường hả? Sao không xử lý mà cứ để họ thải nước bẩn ra rạch hoài thế này, nguy hiểm quá! Không khí cả khu vực này nồng nặc mùi hoá chất. Lúa bị nước thải làm hư hại, tôm cá chết nổi đầy rạch liên miên. Đây, mấy chú xem, hôm qua tôi đi cắt lúa về cả đêm không ngủ được vì ngứa. Chân tay tôi nổi đầy mụn đỏ, gãi đến chảy máu vẫn chưa hết ngứa. Do dính phải cái thứ nước thải này trong ruộng đó!”.

Đáng nói là nơi “miệng” của con kênh đào đổ nước thải ra rạch Trưởng Chừa cách Trường tiểu học Đặng Văn Trước và khu dân cư ở khu phố Lộc Thành chỉ chừng ba trăm bước chân. Theo người dân địa phương, khi nước ròng thì nước thải xuôi dòng đổ ra khu vực cầu Bình Tranh (nối thị trấn Trảng Bàng với xã An Tịnh). Khi nước lớn, nước thải bị thuỷ triều đẩy ngược lên hướng cầu Trưởng Chừa (đường xuyên Á – thị trấn Trảng Bàng), khiến nhiều hộ dân phải chịu cảnh “sống chung với ô nhiễm”. Tại khu vực cầu Bình Tranh, nhiều hộ dân ở đây cho biết họ thường xuyên dùng xuồng bơi ra rạch để vớt cá chết vì nước bị ô nhiễm về cho gà, vịt ăn. “Nước thải đã nuôi lục bình, khiến chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh. Truớc kia ghe thuyền lưu thông theo con rạch này để vận chuyển lúa, phân bón rất dễ dàng. Giờ thì con rạch này kín lục bình. Ghe máy đi rất vất vả!”, một người dân nói.

Ông Kiều Công Minh – Phó trưởng Ban Quản lý các KCN cho biết: Các ngành chức năng, các cơ quan có trách nhiệm đã liên tục yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải phải đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành nhà máy. Tuy nhiên, do gặp sự cố trong thi công nên chưa biết đến thời điểm nào thì nhà máy mới có thể vận hành.

Theo chúng tôi, việc thi công chậm trễ nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Trảng Bàng như hiện nay chỉ là “phần ngọn”. Cái gốc của vấn đề là ở chỗ khi quy hoạch và đưa KCN đi vào hoạt động, lẽ ra các cơ quan chức năng phải ưu tiên cho việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Trảng Bàng chứ không phải đợi đến khi hoạt động suốt nhiều năm rồi mới hối hả thi công. Nếu so sánh với KCX&CN Linh Trung III, KCN Trảng Bàng đã “đi sau người anh em song sinh” trong việc bảo vệ môi trường bởi KCX&CN Linh Trung III luôn được các ngành chức năng đánh giá cao trong lĩnh vực này. Trước đây, khi các nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động, nhà máy xử lý nước thải tập trung ở KCX&CN Linh Trung III cũng đã kịp thời vận hành phục vụ sản xuất.

Trước tình trạng nước thải chưa qua xử lý theo quy định được thải ra sông như hiện nay, lẽ nào chúng ta chỉ đành “ngó lơ” để đợi đến ngày nhà máy xử lý nước thải vận hành? Đây là câu hỏi của nhiều người quan tâm đến “vận mệnh” của con sông Vàm Cỏ Đông và môi trường sinh thái quanh KCN Trảng Bàng.

BẢO TÂM


 
Liên kết hữu ích