Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tai nạn lao động- nỗi lo còn đó
Thứ bảy: 07:59 ngày 24/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có nhiều trường hợp khi xảy ra tai nạn lao động, doanh nghiệp tìm cách che giấu thông tin, âm thầm thoả thuận việc đền bù với gia đình của nạn nhân, tránh phải làm việc công khai với pháp luật… Do đó, quá trình điều tra, xử lý về tai nạn lao động của cơ quan chức năng thường gặp nhiều khó khăn.

Một số công trình xây dựng nhà, nhân công chỉ đội mũ mềm, mũ cối.

Theo Phòng Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2017, Phòng đã điều tra 12 vụ tai nạn, trong đó có 5 vụ tai nạn lao động làm 4 người chết, 1 người bị thương, còn lại là các vụ tai nạn giao thông và bệnh lý. Theo báo cáo tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số người bị thương nặng trong lao động là 45 người.

LỖI DO AI ?

Trên thực tế, hiện nay vẫn còn một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm công tác an toàn lao động, trong đó, việc tập huấn về bảo đảm an toàn lao động rất hạn chế. Có những đơn vị chưa trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động cho công nhân; đặc biệt, vẫn còn nhiều người lao động chưa có ý thức tự bảo đảm an toàn cho bản thân.

Phòng Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị không bảo đảm... Mặt khác, phần lớn người lao động chỉ biết làm việc để tính ngày công, ít khi quan tâm đến sự an toàn khi làm việc.

Có nhiều trường hợp khi xảy ra tai nạn lao động, doanh nghiệp tìm cách che giấu thông tin, âm thầm thoả thuận việc đền bù với gia đình của nạn nhân, tránh phải làm việc công khai với pháp luật… Do đó, quá trình điều tra, xử lý về tai nạn lao động của cơ quan chức năng thường gặp nhiều khó khăn.

Tại một số công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn thành phố Tây Ninh, phần lớn công nhân rất ít sử dụng đồ bảo hộ mà chỉ đội mũ mềm, mũ cối. Một số nhân công làm việc trên cao hàng chục mét, nhưng không có trang bị đai bảo vệ.

Khi được hỏi vì sao không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động, các nhân công chia sẻ, vì nhà nghèo, đi làm thuê nên chỉ quan tâm làm sao công việc ổn định, có “đồng ra đồng vô, chứ an toàn lao động chẳng để ý”.

Về phía người sử dụng lao động, họ hầu như cũng không quan tâm hay nhắc nhở công nhân sử dụng trang bị bảo hộ trong khi làm việc. Những người đã làm quen việc lại càng xem thường sự nguy hiểm. Đối với họ, việc đội mũ bảo hộ hay đeo dây đai khi làm việc chỉ thêm vướng víu!

Nhiều người lao động trong các lĩnh vực khác như thợ điện, thợ máy… cũng rất chủ quan, không chấp hành quy định về an toàn lao động tại các công trình hay nơi làm việc, không sử dụng phương tiện bảo hộ đã được cấp phát như găng tay, giày, mũ bảo hiểm, dây đeo an toàn...

Nhiều vụ tai nạn, các sự cố công trình, thiết bị thi công đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đơn cử như vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty TNHH dệt may Rise Sun Hongkong (huyện Trảng Bàng) làm anh N.H.T (sinh năm 1992) tử vong. Trong lúc làm việc, anh T nhờ người lái xe nâng tại công trường đưa lên vị trí máng xối để kiểm tra.

Sau khi kiểm tra, thấy nước tràn ở vị trí máng xối cao 1,1m, anh T dùng chân đạp phần vách ngăn bằng kim loại để nước trong máng xối thoát xuống đất, qua ống dẫn nước hình trụ. Do lượng nước nhiều và chảy xiết, hút cả hai chân của anh T vào ống dẫn nước, làm anh bị mắc kẹt không thoát ra được, dẫn đến ngạt nước tử vong.

CẦN SIẾT CHẶT CÔNG TÁC QUẢN LÝ

Hiện nay, trong Bộ luật Lao động, Luật Xây dựng, Luật An toàn vệ sinh lao động đã có quy định cụ thể về kỹ thuật an toàn lao động. Tuy nhiên, các chế tài hiện còn nhẹ, chủ yếu là xử phạt hành chính; vì thế, người sử dụng lao động vẫn còn “phớt lờ” các quy định hiện hành.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần giám sát chặt các đơn vị sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Đặc biệt, cần nghiên cứu xử lý hình sự đối với các vụ tai nạn lao động chết người.

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho người lao động, người sử dụng lao động phải có biện pháp phòng ngừa tai nạn phù hợp, bảo đảm nghiêm ngặt các quy chuẩn về an toàn. Đối với lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại phải được trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị bảo hộ cần thiết và có các biện pháp bảo đảm an toàn riêng.

Các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến đầy đủ thông tin về tình trạng tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng như nguyên nhân gây mất an toàn lao động cho người lao động nắm rõ.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục