Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tài sản công bỏ hoang nhưng khó thanh lý
Chủ nhật: 08:16 ngày 31/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tổ chức đấu giá không thành, thông báo đấu giá lại nhiều lần 11 trụ sở: Sở Tài chính đấu giá không thành 8 trụ sở (tổ chức đấu giá từ 2 đến 4 lần); huyện đấu giá không thành 3 trụ sở (tổ chức đấu giá 4 lần).

Khu đất trụ sở cũ của UBND huyện Hoà Thành (nay là thị xã Hoà Thành) bị bỏ hoang giữa lòng đô thị. Ảnh: Nguyên An

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND khoá X, đại biểu chất vấn Sở Tài chính (bằng văn bản), trong đó có nội dung: “Hiện nay có bao nhiêu trụ sở và diện tích đất ở “những vị trí vàng, đắc địa” của các cơ quan nhà nước bị bỏ hoang, không sử dụng trên địa bàn tỉnh sau 2 năm nhưng chưa được thanh lý, khai thác hoặc sử dụng lại (sau khi các cơ quan, tổ chức này giải thể, sáp nhập hoặc chuyển sang trụ sở mới)? Giải pháp khắc phục việc “để trống, để hoang hoá và xuống cấp” không khai thác hết các lợi ích về vật chất và tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước cho tỉnh?”.

Về nội dung chất vấn trên, Sở Tài chính trả lời như sau:

Năm 2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc rà soát, sắp xếp nhà, đất trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Sở Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 167 tỉnh) phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh rà soát, sắp xếp, xử lý nhà, đất trụ sở làm việc và được UBND tỉnh phê duyệt tại các Quyết định từ số 849/QĐ-UBND đến số 850/QĐ-UBND ngày 8.4.2019 và Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 24.4.2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ của các sở, ban, ngành tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tổng số trụ sở nhà đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh được phê duyệt phương án sắp xếp là 2.006 trụ sở. Trong đó, 172 trụ sở dôi dư (30 trụ sở thuộc cấp tỉnh và 142 trụ sở thuộc cấp huyện) với phương án xử lý điều chuyển 65 trụ sở, bán đấu giá 107 trụ sở.

Căn cứ các phương án đã được phê duyệt, Sở Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 167 tỉnh) đã triển khai, hướng dẫn cho các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố việc tổ chức các phương án xử lý tại Công văn số 2051/STC-QLG&CS ngày 9.8.2019.

Kết quả tổ chức bán đấu giá giai đoạn 2020-2021:

Đã bán được 11 trụ sở dôi dư nộp ngân sách Nhà nước, tổng số tiền thu được nộp vào ngân sách Nhà nước là 51.883.443.105 đồng (Sở Tài chính tổ chức đấu giá 4 trụ sở, huyện tổ chức đấu giá 7 trụ sở).

Tổ chức đấu giá không thành, thông báo đấu giá lại nhiều lần 11 trụ sở: Sở Tài chính đấu giá không thành 8 trụ sở (tổ chức đấu giá từ 2 đến 4 lần); huyện đấu giá không thành 3 trụ sở (tổ chức đấu giá 4 lần).

Lý do: Theo quy định Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, việc bán đấu giá phải bao gồm tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không được thanh lý, phá dỡ, huỷ bỏ tài sản trên đất trước mới tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Do tài sản trên đất đã hết thời gian hao mòn, xuống cấp, hư hỏng, người mua không có nhu cầu sử dụng, vì vậy, việc tổ chức bán đấu giá gặp khó khăn, vướng mắc.

Các trụ sở trong phương án bán đấu giá còn lại chưa thực hiện do chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đất hoặc còn vướng mắc về thủ tục thu hồi đất để bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thực hiện phương án điều chuyển: Đã thực hiện điều chuyển 15/65 trụ sở (các trụ sở thực hiện điều chuyển tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, theo báo cáo các huyện chưa thực hiện phương án).

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, trong đó có quy định đối với các trụ sở nhà, đất dôi dư chưa tổ chức đấu giá, tổ chức đấu giá không thành, chưa điều chuyển phải tạm dừng để thực hiện rà soát, sắp xếp lại, theo quy định của Nghị định số 67/2021/NĐ-CP.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2530/UBND-KT ngày 29.7.2021 và Công văn số 3079/UBND-KT ngày 9.9.2021, Sở Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 167 tỉnh) phối hợp với các đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục, rà soát trụ sở nhà đất lại theo Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Năm 2023, đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt tại các Quyết định từ số 959/QĐ-UBND đến số 968/QĐ-UBND ngày 25.4.2023 về việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho các cơ quan, đơn vị, sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tổng số trụ sở nhà đất của các cơ quan tổ chức đơn vị trên địa bàn tỉnh được phê duyệt phương án là 1.454 trụ sở, trong đó, 256 trụ sở dôi dư (52 trụ sở thuộc cấp tỉnh và 204 trụ sở thuộc cấp huyện); với phương án xử lý: điều chuyển 147 trụ sở, chuyển giao 19 trụ sở, thu hồi 5 trụ sở, bán đấu giá 85 trụ sở.

Căn cứ các phương án đã được phê duyệt, Sở Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo 167 tỉnh) đã triển khai, hướng dẫn cho các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố việc tổ chức các phương án xử lý tại Công văn số 1595/STC-QLG&CS ngày 24.5.2023 bảo đảm đúng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tránh gây lãng phí, sử dụng không hiệu quả.

Kết quả triển khai xử lý đối với các trụ sở nhà, đất dôi dư đến ngày 30.11.2023 như sau:

Thực hiện điều chuyển: 10 trụ sở (cấp tỉnh 1 trụ sở; cấp huyện 9 trụ sở). Chuyển giao cho tổ chức khác của nhà nước để tiếp tục quản lý, sử dụng 6 trụ sở (cấp tỉnh 1 trụ sở; cấp huyện 5 trụ sở).

 Đối với phương án xử lý là bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (85 trụ sở nhà, đất), Sở Tài chính đã báo cáo và xin ý kiến UBND tỉnh việc giao đơn vị tổ chức bán đấu giá tại Công văn số 3685/STC-QLG&CS ngày 7.11.2023 (trên cơ sở tham vấn ý kiến Bộ Tài chính và lấy ý kiến góp ý của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường) để tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước cho tỉnh. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND, Sở Tài chính sẽ phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện theo đúng quy định.

 Trong 85 trụ sở nhà, đất dôi dư qua rà soát đợt này có các cơ sở nhà, đất nằm tại các vị trí đắc địa, cụ thể:

Các trụ sở của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, gồm có:

Trụ sở cũ Công ty Xăng dầu Tây Ninh (phường 3, TP. Tây Ninh): Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh gửi Uỷ ban Quản lý vốn và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phê duyệt phương án sắp xếp xử lý nhà, đất của Công ty Xăng dầu Tây Ninh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để có cơ sở thực hiện theo quy định tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP (đến nay, Uỷ ban Quản lý vốn và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chưa có văn bản phê duyệt).

Nhà nghỉ Công đoàn của Liên đoàn Lao động tỉnh (tại số 933, đường CMT8, phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh): Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị giữ lại để làm Trung tâm Tư vấn hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh vẫn chưa nhận được phương án rà soát, sắp xếp trụ sở nhà, đất thuộc Liên đoàn Lao động trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; phản hồi của Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trụ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của địa phương:

Trụ sở UBND Hoà Thành cũ (đường Võ Thị Sáu - Lạc Long Quân, phường IV, TP. Tây Ninh): Hiện nay, UBND tỉnh đang trình tới Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện các quy trình bàn giao khu đất Phòng Cảnh sát môi trường và khu đất Đại đội Thiết giáp về địa phương (2 khu đất này liền kề khu đất UBND Hoà Thành cũ).

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, khu đất trụ sở UBND huyện Hoà Thành cũ không tách đấu giá cục bộ trước, vì để có diện tích tạo khu chức năng dự án, bảo đảm cảnh quan an ninh mỹ quan đô thị, đủ điều kiện làm dự án khu phức hợp nhà ở, thương mại và dịch vụ.

Trụ sở cũ của UBND phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành chưa được bố trí cho đơn vị nào sử dụng. Ảnh: Thế Nhân

Đối với một số trụ sở nhà, đất khác như trụ sở UBND phường Hiệp Tân (cũ) tại thị xã Hoà Thành, Trường tiểu học Nguyễn Huệ (cơ sở 1 cũ) (trước đây là Trường tiểu học Hiệp Ninh C) tại TP. Tây Ninh; Trạm Suối Sâu tại thị xã Trảng Bàng... đã tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng không có tổ chức, cá nhân đăng ký.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục