Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tại sao chúng ta hay quên?
Thứ tư: 08:15 ngày 13/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Não hay quên do làm nhiều việc cùng một lúc, không ngủ đủ giấc, căng thẳng hoặc tuyến giáp yếu.

Bộ não có thể thực hiện nhiều chức năng nhưng khả năng lưu trữ, ghi nhớ các chi tiết lại bị hạn chế. Theo nghiên cứu năm 2015 của Trường Đại học Amsterdam (Hà Lan), khoảng 56% thông tin bị quên lãng trong vòng một giờ, 66% sau một ngày và 75% sau 6 ngày. Dưới đây là những lý do tại sao chúng ta hay quên.

Không ngủ đủ giấc

Khi ngủ, não loại bỏ các độc tố tích tụ suốt cả ngày. Nếu không ngủ đủ giấc, chức năng quản lý chất thải của não không có đủ thời gian để thực hiện nhiệm vụ, gây ra sương mù não và các vấn đề về trí nhớ. Nghiên cứu năm 2013 của Trường Đại học California (Mỹ), cho thấy thiếu ngủ sâu ở người cao tuổi khiến trí nhớ giảm 55% vào ngày hôm sau.

Theo các nhà khoa học, giấc ngủ sóng chậm rất quan trọng cho việc củng cố trí nhớ bất kể tuổi tác. Do đó, người trưởng thành nên ngủ 7-8 tiếng mỗi đêm, tạo thói quen ban đêm để thúc đẩy giấc ngủ ngon.

Bất cứ điều gì tác động đến suy nghĩ, học tập hoặc ghi nhớ đều có thể tác động đến trí nhớ. Ảnh: Freepik

Tuyến giáp gặp vấn đề

Kết quả chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (SPECT) ở người có lượng hormone tuyến giáp thấp cho thấy hoạt động tổng thể của não suy giảm. Điều này có thể gây ra các triệu chứng ở người bệnh mất trí nhớ như suy giảm nhận thức và sương mù não.

Theo Trường Đại học Trinity College Dublin (Ireland), có hơn 80% người suy giáp mức độ nhẹ bị suy giảm chức năng trí nhớ. Nghiên cứu công bố năm 2014 với 11 người trưởng thành bị suy giáp và 9 người bình thường.

Người có mức hormone tuyến giáp thấp cũng có thể tích não giảm ở vùng hải mã (vùng não liên quan đến trí nhớ và học tập).

Não bộ làm nhiều việc cùng lúc

Chứng hay quên có thể liên quan đến sự xao lãng. Theo các nhà khoa học, thực hiện quá nhiều nhiệm vụ trong cùng lúc gây tổn hại cho các trung tâm trí nhớ của não. Một cuộc khảo sát năm 2020 với 2.000 người ở Mỹ do công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến OnePoll thực hiện cho thấy cứ 10 người thì có 6 người hay quên do làm nhiều việc cùng một lúc.

Trong đó, mọi người quên nhiều nhất là mật khẩu, những vật dụng cần khi đi mua hàng và nơi để chìa khóa. Để nhớ tốt hơn, hãy chú ý thông tin bạn muốn ghi nhớ, đặt điện thoại xuống và lắng nghe.

Rượu bia

Uống rượu, bia nhiều có thể khiến các phần não liên quan đến trí nhớ dễ tổn thương. Người nghiện rượu mạn tính có thể gặp các vấn đề về trí nhớ dài hạn.

Nam giới không nên uống quá hai ly rượu mỗi ngày và một ly mỗi ngày với phụ nữ. Một ly rượu tương đương 40 ml rượu mạnh 80 độ, 150 ml rượu vang hoặc 350 ml bia.

Căng thẳng

Hormone cortisol tiết ra khi căng thẳng có thể ảnh hưởng đến vùng hải mã và các bộ phận khác của não có liên quan đến trí nhớ. Người hay lo lắng cao độ thường không thể tập trung vào bất cứ điều gì và dẫn đến cảm giác như rối loạn trí nhớ.

Nguồn VNE

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục