Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đầu nhọn tăm có thể tổn hại men răng, chảy máu nướu dẫn đến tụt nướu, lộ chân răng gây ê buốt, tạo khe hở thưa kẽ giữa các răng.
Theo BS.CK2 Bùi Thị Loan Chi, Khoa Răng, Bệnh viện Quân y 175, thói quen dùng tăm xỉa răng để lấy thức ăn thừa còn sót lại trong các kẽ răng có thể làm hỏng nụ cười, tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe răng miệng, đặc biệt là răng và nướu.
Tổn hại men răng, mòn răng
Tăm thường được làm bằng gỗ hoặc tre với hai đầu nhọn, xỉa răng sẽ gây tổn hại men răng. Nhiều người nhai tăm có thể dẫn đến mòn men răng sớm.
Tổn thương nướu, sâu cổ răng, nhiễm trùng
Ngay cả khi tăm không tổn hại nghiêm trọng đến miệng thì chúng cũng gây mất vệ sinh. Xỉa răng không cẩn thận, đầu nhọn của tăm vô tình làm thủng nướu gây chảy máu nướu, tụt nướu, lộ chân răng gây nhạy cảm ê buốt, sâu cổ răng.
Chọc tăm sâu vào nướu có thể truyền bất kỳ vi khuẩn nào từ đầu tăm xuống dưới đường nướu, làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Một số trường hợp tăm xỉa răng bị gãy, đặc biệt là những loại tăm giá rẻ, khiến những mảnh gỗ nhỏ mắc kẹt giữa các kẽ răng hay trong nướu, thậm chí đâm vào vòm miệng... nguy cơ nhiễm trùng răng miệng.
Tạo khe hở, thưa kẽ giữa các răng
Tăm thường xuyên được cắm vào cùng một vị trí có thể tạo áp lực đủ lớn lên răng để làm dịch chuyển chúng, tạo thêm khoảng trống lẽ ra không nên có.
Tăm có thể gây hư hại cho các phục hình răng
Nếu bạn có miếng trám, mặt dán sứ hoặc mão răng (chụp răng, bọc răng...), khi dùng tăm có thể vô tình cạy chúng ra khỏi răng.
Thói quen dùng tăm xỉa răng có thể gây nhiều tổn hại đến răng miệng. Ảnh: Lê Phương
Nên dùng gì thay cho tăm?
Bác sĩ Chi khuyến cáo để loại bỏ những mẩu thực phẩm không mong muốn mắc kẹt giữa các kẽ răng, chải răng đúng cách là phương pháp an toàn nhất. Có thể dùng nước súc miệng để loại bỏ các mảnh vụn trước tiên.
Nếu những cách trên chưa hiệu quả, nên dùng chỉ nha khoa. Đây là cách tốt nhất để làm sạch kẽ răng. Chỉ nha khoa linh hoạt loại bỏ các mảnh vụn mắc kẹt trong khoảng trống chật hẹp giữa các răng, luồn sâu vào kẽ răng hơn là dùng tăm. Được sử dụng đúng cách, chỉ sẽ không gây hại, an toàn hơn cho mô miệng.
Bạn cũng có thể dùng tăm chỉ nha khoa. Đây là dụng cụ nhỏ bằng nhựa có gắn một đoạn chỉ nha khoa nhỏ. Chúng an toàn, hợp vệ sinh, tiếp cận được những khu vực khó tiếp cận, không có nguy cơ làm tổn thương nướu hoặc răng.
Nếu thích cảm giác dùng tăm, bạn có thể thay thế bằng bàn chải kẽ răng. Không giống như bàn chải đánh răng truyền thống, bàn chải kẽ răng được thiết kế để làm sạch răng từ bên trong. Chúng có tính di động, chọn các kích cỡ có sẵn trượt vào kẽ răng và lấy thức ăn ra. Bàn chải được làm bằng nhựa nên an toàn và bền hơn nhiều so với tăm gỗ.
Nếu gặp khó khăn khi sử dụng chỉ nha khoa hoặc các dụng cụ thay thế đã nêu trên, bạn có thể dùng máy tăm nước. Máy sử dụng áp lực nước để loại bỏ các mảnh thức ăn bị mắc kẹt tích tụ từ răng và giữa răng. Chúng đặc biệt hữu ích cho những người đang niềng răng gặp khó khăn khi sử dụng chỉ nha khoa thông thường, rất nhẹ nhàng cho mô miệng, giúp ích cho thói quen vệ sinh răng miệng.
Nhai kẹo cao su sau bữa ăn cũng có thể giúp loại bỏ các mảnh vụn thức ăn, kích thích sản xuất nước bọt và trung hòa miệng, ngăn ngừa sâu răng.
Nguồn vnexpress