Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tại sao một số thuốc ung thư đắt tiền?
Thứ sáu: 09:41 ngày 06/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Để có một loại thuốc mới điều trị ung thư, các hãng dược phải trải qua quá trình dài có thể cả chục năm để nghiên cứu, thử nghiệm...

Tiến sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết ung thư cơ bản là bệnh nan y, điều trị rất mắc tiền. Các hãng dược đổ rất nhiều tài lực để nghiên cứu thuốc chữa ung thư mới nên giá thành rất đắt không chỉ Việt Nam mà cả thế giới.

Thuốc mới, còn gọi là biệt dược gốc, thuốc brand name, thường được cấp thời hạn độc quyền khoảng 7 đến 10 năm hoặc hơn tùy từng loại thuốc. Sau khi hết hạn độc quyền của biệt dược gốc, cơ quản quản lý mới cho phép các hãng dược khác sử dụng công thức này sản xuất các loại thuốc tương đương có giá rẻ hơn, gọi là generic name, tức thuốc thế hệ tiếp theo. Về nguyên tắc, thuốc generic có tác dụng sinh học tương đương biệt dược gốc và giá thành rẻ hơn, tùy theo nguồn gốc xuất xứ, hoạt chất, nhà sản xuất... 

Đối với một số loại ung thư, đôi khi thị trường chỉ có biệt dược gốc mà không có thuốc generic thay thế. Do đó, người bệnh buộc phải dùng thuốc đắt tiền. Trong trường hợp biệt dược gốc có thuốc thế hệ tiếp theo, bác sĩ sẽ đưa ra các phương án sử dụng thuốc với chi phí tương ứng để người bệnh chọn theo điều kiện riêng. 

Ví dụ, hiện nay liệu pháp miễn dịch còn rất mới mẻ, chi phí tốn kém. Một lọ thuốc miễn dịch có giá hơn 62 triệu đồng, bệnh nhân phải điều trị nhiều lần trong khi giá thuốc không được bảo hiểm y tế chi trả.

Biệt dược điều trị ung thư vú được Bộ Y tế phê duyệt hồi đầu năm là Herceptin giá hơn 45 triệu đồng và Perjeta 36 triệu đồng mỗi lọ. Hai loại thuốc này dùng trong 2 trường hợp. Một là giai đoạn sớm để điều trị bổ trợ, hai là dùng cho giai đoạn di căn. Tại Bệnh viện K, bệnh nhân ung thư giai đoạn di căn và có điều kiện kinh tế thường chọn loại thuốc này.

Trong phác đồ điều trị ung thư phổi, liệu trình ít nhất 6 chu kỳ, liều trung bình 800 mg một chu kỳ. Sử dụng biệt dược gốc, bệnh nhân phải trả 120 triệu đồng cho cả 6 chu kỳ. Nếu điều trị bằng thuốc generic, bệnh nhân trả 15,6 triệu đồng. Như vậy, số tiền chênh lệch giữa sử dụng biệt dược gốc và thuốc generic hơn 100 triệu đồng.

Ngoài ra, chi phí cho phẫu thuật, xạ trị cũng rất tốn kém. Một đợt xạ trị có thể lên đến hơn 100 triệu đồng.

Trường hợp bệnh nhân không đủ tiền để mua thuốc tiếp tục phác đồ sẽ phải dừng điều trị, ảnh hưởng sức khỏe và lãng phí thuốc đã sử dụng trước đó. 

Perjeta thuốc điều trị ung thư vú. Ảnh: Health

Các phác đồ điều trị do Bộ Y tế hướng dẫn luôn nêu tên các hoạt chất, mỗi hoạt chất có nhiều tên thuốc, loại thuốc thương mại khác nhau. Chọn lựa thuốc phù hợp cho người bệnh là do bác sĩ cân nhắc về tình trạng bệnh nhân, độ nặng nhẹ, gánh nặng tài chính.

Tiến sĩ Tuấn nói: "Tùy tình trạng người bệnh, độ nặng nhẹ, loại bệnh, cơ địa đáp ứng của từng người, điều kiện kinh tế của bệnh nhân, bác sĩ sẽ cân nhắc loại thuốc phù hợp". 

Bác sĩ Đỗ Thị Thanh Mai, Bệnh viện K Hà Nội khẳng định: "Khi tư vấn, bác sĩ luôn đưa ra phác đồ tốt nhất cho bệnh nhân lựa chọn tùy theo điều kiện kinh tế. Nếu khó khăn, có thể dùng các thuốc có thành phần tương tự".

Bác sĩ Mai là người kê toa thuốc giá 130 triệu đồng cho một bệnh nhân ung thư vú 35 tuổi. Đơn thuốc này đang được chia sẻ nhiều trong các nhóm bệnh nhân ung thư và gây nhiều tranh luận về chi phí. 

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh