Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chỉ trong phút chốc, bao nhiêu công sức gìn giữ chăm sóc của các cụ trong Ban hội đình biến mất trong sự ngỡ ngàng của mọi người, bởi một nhóm người cấu kết nhau tổ chức đốn hạ bán sạch khu rừng chỉ còn gốc cây.

Ngôi cổ miếu thờ bà Chúa Xứ nằm sâu trong một khu rẫy thuộc ấp Long Giao, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu toạ lạc trên một gò đất với diện tích gần 1 ha. Ngôi miếu này đã có hàng trăm năm tuổi được người dân địa phương trông coi thờ cúng từ đời này sang đời khác. Theo lời kể của các cụ cao niên thì khu vực này xưa kia là một khu rừng chồi bao quanh ngôi miếu, nhưng do chiến tranh và thời gian nên dần dần rừng chồi bị cằn cỗi nên hiện nay khu rừng này không còn nữa. Trước sự xơ xác của rừng cây, năm 2003 các cụ trong Ban Hội đình (BHĐ) vận động bà con và các thành viên trong BHĐ cùng nhau trồng lại rừng để che phủ bóng mát cũng như tạo thêm vẻ trang nghiêm cho ngôi miếu. Bà con ra sức trồng hơn 2.000 cây bạch đàn và tràm vàng với diện tích gần 0,8 ha và thay phiên nhau chăm sóc. Chẳng bao lâu sau, cây rừng phát triển rất nhanh, cây to nhất có đường kính gần 30cm. Vào những dịp lễ vía, nơi đây trở thành điểm thu hút đông đảo bà con thập phương tụ hội về cúng bái.
![]() |
Khu rừng quanh miếu giờ chỉ còn lại khu đất trống. |
Thế nhưng, chỉ trong phút chốc, bao nhiêu công sức gìn giữ chăm sóc của các cụ trong BHĐ biến mất trong sự ngỡ ngàng của mọi người, bởi một nhóm người lợi dụng danh nghĩa BHĐ cấu kết nhau tổ chức đốn hạ bán sạch khu rừng chỉ còn gốc cây. Chị Nguyễn Thị Khuyên, nhà đối diện khu rừng cho biết: “Hôm đó tôi thấy có một số người kéo đến chặt hạ cây rừng trong đó có ông Sáu Hòi là thành viên trong BHĐ nên tôi và bà con cứ ngỡ BHĐ bán cây để làm gì đó nên không để ý. Đến khi biết chuyện thì chỉ còn lại khu đất trống”. Cụ Nguyễn Văn Ngà, 73 tuổi (thường gọi là ông Hai Ngà) là thành viên BHĐ bức xúc: “Tôi không biết ông Đào Văn Hòi (còn gọi là ông Sáu Hòi) dựa vào đâu mà tự ý bán hết cây rừng trong khi các cụ trong BHĐ không hề hay biết. Đến khi, ông Sáu Hòi mang đến đưa tôi 3 triệu đồng nói là tiền bán rừng gởi cho BHĐ gọi là “nhang khói” tôi mới vỡ lẽ, tôi mong muốn pháp luật cần làm rõ hành vi của ông Sáu Hòi”.
Còn cụ Nguyễn Ngọc Cẩn, 80 tuổi, bày tỏ: “Không chỉ riêng ông Sáu Hòi mà còn một số người khác cấu kết nhau tổ chức bán cây rừng rồi chia chác nhau bỏ túi riêng, trong khi ngôi miếu rất cần được tôn tạo nhưng không có kinh phí. Ông Sáu Hòi lợi dụng danh nghĩa BHĐ ngang nhiên bán cây rừng để kiếm chác. Tôi mong muốn chính quyền địa phương làm rõ để xử lý hành vi của những người này”.
Chúng tôi tìm gặp cụ Võ Văn Tại (còn gọi là ông Sáu Tại) là người được một nhân vật “cộm cán” nhờ kêu lái bán cây rừng, cụ cho biết: “Sau khi ông Sáu Hòi cho biết đang cần bán cây rừng và nhờ tôi tìm mối lái giùm, tôi gạn hỏi thì ông Sáu Hòi nói đó là lệnh của ông K (một cán bộ về hưu ở địa phương). Tôi liên lạc với ông K thì ông bảo cứ bán ông sẽ “bồi dưỡng” cho tôi. Sau đó tôi kêu bán được 15 triệu đồng, tiền được giao cho ông K và ông K chia cho từng người có công bán cây rừng như sau: ông Sáu Hòi 1,4 triệu đồng, ông Ba Đúng 1,6 triệu đồng, ông Sáu Kiềm 100.000 đồng còn tôi được ông K “bồi dưỡng” 400.000 đồng. Ngoài ra, ông K còn đưa cho ông Sáu Hòi 3 triệu đồng để đưa cho ông Hai Ngà gọi là tiền nhang khói nhưng ông Hai Ngà không nhận”.
Về việc một số người ngang nhiên bán cây rừng ở miếu bà Chúa Xứ, một cán bộ lãnh đạo địa phương khẳng định: “Cây rừng là của miếu do các cụ trong BHĐ trồng chăm sóc và BHĐ quản lý. Việc ông Sáu Hòi lợi dụng danh nghĩa thành viên BHĐ cấu kết một số người tổ chức bán rừng cây là vi phạm. Đảng uỷ xã Long Chữ đã chỉ đạo ngành chức năng làm rõ để xử lý theo pháp luật. Trước tiên sẽ cho thu hồi toàn bộ số tiền mà nhóm người nói trên bán chia chác nhau bỏ túi riêng. Dư luận quần chúng nhân dân đang trông chờ kết quả làm rõ và xử lý của ngành chức năng.
TRỌNG NGHĨA