BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tại xã Suối Đá, huyện DMC: Xôn xao chuyện giấy tờ đất đai...

Cập nhật ngày: 13/10/2010 - 06:10

(ảnh minh hoạ)

Mấy ngày gần đây, trên địa bàn xã Suối Đá, huyện DMC, người dân xôn xao với tin đồn Nhà nước đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), từ “giấy đỏ” sang “giấy hồng”. Tại các ấp, người dân được cán bộ ấp thông báo, những gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kể cả đất cho, tặng, chia trong gia đình và đất sang nhượng, đều phải phô-tô 1 bản giấy CNQSDĐ giao cho chính quyền để được xem xét đổi giấy khác.

Chúng tôi trao đổi qua điện thoại với ông Dương Tam Trung, Chủ tịch UBND xã Suối Đá về vấn đề này và được ông Trung cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc kiểm kê đất nông nghiệp trên phạm vi toàn xã; hiện nay tại Suối Đá đơn vị đo đạc đã tiến hành đo đạc xong, nay đến phần đối chiếu với hồ sơ và giấy đỏ đã cấp. Do vậy các tổ chức và cá nhân đã có giấy CNQSDĐ nông nghiệp phải giao giấy gốc hoặc bản phô-tô cho đơn vị đo đạc để đối chiếu. Ngoài bản sao giấy CNQSDĐ, cá nhân và hộ gia đình phải phô-tô sổ hộ khẩu và giấy chứng minh nhân dân của những người đồng sở hữu giấy CNQSDĐ, để hoàn chỉnh hồ sơ. Những giấy CNQSDĐ trước đây chỉ đứng tên vợ, hoặc chồng thì nay được cấp giấy mới có ghi cả tên vợ và chồng đồng sở hữu (nếu là tài sản chung). Những giấy có số diện tích nhiều hơn, hay ít hơn thực tế thì được điều chỉnh cho đúng thực tế; những trường hợp cấp sai (lộn) thửa trên bản đồ và giấy CNQSDĐ từ người này sang người khác cũng được điều chỉnh lại cho đúng. Kể cả việc tên người đứng chủ sở hữu ghi trong giấy CNQSDĐ phải đúng với tên họ, năm sinh ghi trong giấy chứng minh nhân dân của người đó. Những trường hợp đã ghi đúng, ghi đủ, không có sai sót, không tranh chấp, không cần điều chỉnh tên người và số người sở hữu ghi trong giấy CNQSDĐ thì không phải đổi lại giấy mới. Lý do vì trước đây, trong quá trình kê khai hầu hết người dân chỉ khai tên một người là chủ hộ đứng tên chủ quyền giấy CNQSDĐ, như vậy là không đúng với quy định của pháp luật về tài sản chung. Đồng thời trước đây đo đạc thủ công, hồ sơ, bản đồ cũng được lập và quản lý chưa khoa học nên có những sai sót cần phải điều chỉnh để đưa vào quản lý theo hệ thống khoa học, thống nhất.

Chúng tôi được biết, mặc dù có hoang mang vì tin đồn thiếu chính xác, nhưng khi hiểu rõ vấn đề, hầu hết người dân Suối Đá đều đồng thuận với việc kiểm kê, đối chiếu để điều chỉnh cho chính xác, và ghi đầy đủ tên những người đồng sở hữu vào giấy CNQSDĐ. Tuy nhiên lại xảy ra việc những người có giấy CNQSDĐ đang thế chấp vay vốn tại ngân hàng thì rất bức xúc, vì muốn “mượn” giấy CNQSDĐ ra để phô-tô phải có ý kiến đồng ý của cán bộ tín dụng địa bàn và phải nộp lệ phí là 55.000 đồng /giấy. Nhiều người cho rằng mức thu này là quá cao, vì công sức của cán bộ, tìm lấy hồ sơ ra và phô-tô chỉ mất thời gian ngắn và chi phí không nhiều, không đáng phải thu phí cao như vậy. Trong khi đó những người vay vốn, thế chấp giấy CNQSDĐ tại Quỹ tín dụng nhân dân Dương Minh Châu, chỉ phải nộp có 15.000 đồng/giấy, khi người dân có nhu cầu phô-tô.

Cùng một sự việc, giữa hai doanh nghiệp cùng kinh doanh tiền tệ, ở một địa bàn, trụ sở chỉ cách nhau vài trăm mét mà có hai mức thu phí quá chênh lệch như thế, hỏi sao người dân không thắc mắc, không bức xúc? Nên chăng, cần có sự thống nhất mức thu phí cho việc này, để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp người dân.

NGUYỄN TRẦN VĂN