Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2009, ông cùng gia đình mạnh dạn chặt bỏ cao su đang khai thác và các loại cây trái, trồng lại được 9,2 ha rừng. Đầu năm 2010, ông lại tiếp tục trồng 6 ha rừng.
Ông Khâu Kiến Sắc, quê ở Củ Chi, TP.HCM, hiện ngụ ấp Tân Hoà, xã Tân Thành, huyện Tân Châu. Lúc còn ở quê, gia đình ông Sắc nghèo lắm, tài sản chẳng có gì ngoài căn nhà vách đất và 2 công đất trồng lúa. Năm 1992, ông lên vùng đất Tân Thành khai phá đất đai để sản xuất. Lúc bấy giờ ở đây dân cư thưa thớt, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, mùa mưa nước ngập khắp nơi, đi lại phải dùng ghe xuồng, đi cả ngày từ nhà chưa ra tới lộ đỏ. Đất đai ngổn ngang gốc cây rừng, bụi le, gò mối, cỏ tranh mọc um tùm, cả vùng Tân Thành chỉ có vài hộ dân đến khai hoang trồng lúa…
Vất vả khó khăn là thế, ông Khâu Kiến Sắc vẫn quyết tâm lên vùng đất này khai phá trồng cao su để mong được đổi đời. Ông cùng người con trai lớn dựng cái chòi lợp tranh để ở. Cha con ông không quản nắng mưa chịu khó khai hoang lấy đất trồng trọt, ban ngày thì đi đào gốc cây rừng, san gò mối, cuốc gốc le, chiều tối chăm sóc vườn rau để lấy cái ăn. Ông phải tiết kiệm từng đồng, nhiều khi ăn cơm chỉ có rau và muối tiêu. Khai khẩn được bao nhiêu đất, ông trồng cao su ngay bấy nhiêu với ước mơ biến vùng đất này thành trang trại cao su. Vốn liếng không có, ông trở về quê bán hết đất cát nhà cửa và vay mượn thêm tiền bà con bạn bè để mua thêm đất trồng cao su. Dù mưa nắng gian khổ ông Sắc vẫn kiên trì gắn bó với đất và đất đã trả công cho người. Nhiều năm qua đi, từ một nông dân nghèo ông đã trở thành một ông chủ trang trại với hơn 100 ha cao su. Trang trại của ông thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 60 lao động, với mức lương bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Các rẫy cao su của ông đa số đều đã cho thu hoạch mủ, ông cùng con cái gắn bó, thương yêu và chăm sóc cây cao su như chăm sóc bản thân mình.
Ông Khâu Kiến Sắc trong khu đất mới trồng rừng. |
Năm 2009 được chính quyền, đoàn thể phổ biến tuyên truyền Quyết định 875 của UBND tỉnh về việc cần thiết phải chặt bỏ cây trồng không đúng mục đích trên đất lâm nghiệp để trồng rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng, ông Khâu Kiến Sắc về nhà bàn bạc các con cháu trong gia đình. Tất nhiên mọi người đều hết sức băn khoăn tiếc rẻ những ha cao su đang được thu hoạch trên 10 năm, trong khi những năm gần đây giá mủ cao su không ngừng tăng cao, nếu phải chặt bỏ thì thật tiếc bao công sức, tiền bạc trồng trọt chăm sóc, thiệt thòi thu nhập của gia đình. Có người khuyên ông cứ từ từ để… mọi người thực hiện trước xem sao, kéo dài được tháng nào có thêm thu nhập tháng ấy, nếu khó khăn quá thì mọi người làm sao mình làm vậy.
Tất nhiên, ai cũng quan tâm chăm lo cho lợi ích kinh tế của gia đình, nhưng ông Khâu Kiến Sắc hiểu rõ lợi ích của gia đình không thể tách rời với lợi ích chung của xã hội, của đất nước. Ông hiểu rõ và tin tưởng chủ trương của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh trồng rừng để chống xói mòn, bảo vệ hồ Dầu Tiếng, bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường của quê hương, đất nước là rất đúng đắn. Nguồn tài nguyên vô giá của đất và nước ở đây không chỉ phục vụ cho đời sống của nhân dân hôm nay, mà còn phục vụ lâu dài cho nhiều thế hệ mai sau. Thế là ông tìm lời khuyên bảo, động viên con cháu nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Năm 2009, ông cùng gia đình mạnh dạn chặt bỏ cao su đang khai thác và các loại cây trái, trồng lại được 9,2 ha rừng. Đầu năm 2010, ông lại tiếp tục trồng 6 ha rừng. Tổng số diện tích đất ông Sắc chặt cao su trồng rừng tới nay là trên 15 ha. Khi trồng cây rừng, ông làm đất rất kỹ và cẩn thận chọn lọc từng cây giống sao, dầu. Cây giống phải xanh tốt, cao từ 0,5 đến 0,8 mét. Trồng cây rừng thích hợp nhất là vào đầu mùa mưa, nếu gặp nắng hạn ông tổ chức tưới nước chăm sóc đầy đủ. Đến nay trên 15 ha cây rừng của ông rất xanh tốt, 9,2 ha rừng trồng năm 2009 đã được cơ quan nhà nước nghiệm thu đạt chất lượng tốt, còn 6 ha cây rừng mới trồng đầu năm 2010 cũng đang lớn nhanh sẽ được nghiệm thu vào đầu năm 2011.
Ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần trách nhiệm trồng và chăm sóc rừng phòng hộ của ông Khâu Kiến Sắc rất đáng biểu dương, gia đình ông được cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương hoan nghênh khen ngợi.
CÔNG HUÂN