BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tài xế lao đao mùa dịch 

Cập nhật ngày: 05/06/2021 - 19:15

BTNO - Hơn một tháng qua, khi dịch bệnh Covid- 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều ngành nghề dịch vụ gặp khó khăn. Trong đó, những người hành nghề xe ôm và tài xế taxi bị ảnh hưởng rõ nhất.

Những người hành nghề xe ôm ở chợ phường 3 mệt mỏi chờ khách.

Ông Hoàng, ngụ xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành, hành nghề xe Honda ôm ở chợ phường 3, TP Tây Ninh hơn 30 năm nay. Những năm trước, nghề xe ôm của ông đủ nuôi gia đình. Tuy nhiên, từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 đến nay, người dân hạn chế đi chợ nên việc của ông cũng ế theo.

Để giữ "mối", ông Hoàng và hai đồng nghiệp khác ở đây đã chủ động hạ giá, mỗi cuốc xe chỉ lấy có 10 ngàn đồng, nhưng từ sáng sớm đến 9 giờ ngày 4.6, ông Hoàng vẫn chưa có khách hàng nào lên xe. Trước tình hình ế ẩm này, ông phải “mở thêm dịch vụ” nhận mua hàng hóa cho người dân để kiếm thêm thu nhập. “Nhờ có nhiều người quen mặt, biết số điện thoại, nên thỉnh thoảng có người gọi điện thoại nhờ tôi, đến sạp chị A, chị B mua hàng giùm rồi đem đến nhà cho người ta”, ông Hoàng kể.

Ông Hát, 63 tuổi, ngụ khu phố 3, phường 3 là người hành nghề xe ôm từ khi chợ phường 3 mới thành lập đến nay. Mặc dù có thâm niên hơn 30 năm trong nghề, có nhiều mối quen, nhưng những ngày này từ sáng sớm đến gần 10 giờ, ông Hát mới chở được 1 chuyến, với thu nhập 10 ngàn đồng.

Hai năm trở lại đây, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nghề xe ôm bị ế, những đồng nghiệp trẻ đã chia tay với nghề, rủ nhau đi làm nhân viên bảo vệ hoặc vào công ty, xí nghiệp làm công nhân. Hiện nay, ở chợ phường này chỉ còn 3 người còn bám nghề này. Mặc dù vậy, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. “Những năm trước, chỉ riêng buổi sáng tôi đã kiếm được hơn 100 ngàn đồng, còn hỗm rày, mỗi ngày chỉ chở năm, ba bà già, kiếm được năm ba chục ngàn đồng”, ông Hát nói.

Ông Hoàng tất bật với nghề để kiếm tiền mưu sinh.

Ông Định ngụ phường 3 cũng là người gắn bó với nghề xe ôm ở chợ phường 3 cả chục năm qua. Ông Định cho hay, những năm trước đây, mỗi ngày cũng kiếm được 100- 200 ngàn đồng, từ khi dịch bệnh xuất hiện đến nay, thu nhập từ ngề này bị giảm nhiều lắm.

Ông chỉ cho chúng tôi thấy một số người, trước đây đi chợ hoặc từ chợ về nhà đều nhờ vào xe Honda ôm, nhưng mấy tháng nay, vì sợ lây bệnh nên họ tự điều khiển xe nhà đi chợ, nhờ con, cháu chở đi hoặc đi bộ đến chợ rồi cuốc bộ về nhà, vì vậy hiện nay, kiếm tiền từ nghề xe ôm không còn được bao nhiêu.

“Hôm qua, chạy từ sáng tới chiều chỉ được 30 ngàn đồng”, ông Định bộc bạch. Cho dù năm nay đã 60 tuổi, nhưng hằng ngày, ông Định vẫn kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận đi bốc vác hàng hóa lên xuống xe tải cho những bạn hàng trong chợ.

Ông Dũng, tài xế xe ôm trên đường 30.4, thành phố Tây Ninh cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Trước đây, ông còn dành thời gian về nhà nghỉ trưa, từ khi bùng phát dịch Covid- 19 đến nay, nghề này bị ế, ông không dám nghỉ trưa mà “trực chiến” từ sáng sớm đến 21 giờ mới trở về nhà. “Vậy mà, từ sáng giờ tôi kiếm được 20, 30 chục ngàn đồng. Bữa nào trúng lắm thì được bảy tám chục thôi chứ hổng bao giờ được trên 100 ngàn đồng”, ông Dũng giải bày.

Không chỉ những người hành nghề xe ôm gặp khó khăn mà những tài xế taxi cũng lao đao không kém. Ở khu vực Công viên 30/4 thành phố Tây Ninh có nhiều xe taxi, nhưng nhiều ngày qua, hầu hết các tài xế này đều nằm dài trong xe, mỏi mòn đợi khách.

Đối với những tài xế xử dụng xe của Công ty hoặc đã có xe thì đỡ bị lỗ, đối với những tài xế mà phải mua xe bằng hình thức trả góp hàng tháng thì áp lực về tiền bạc càng lớn hơn. Anh Nguyễn Ngọc Sang, tài xế taxi ở khu vực Công viên 30/4, chỉa sẻ: “Từ sáng giờ chưa chạy được chuyến nào, không đủ chi phí để đóng tiền xe, nhưng vẫn phải cố cầm cự, vì đã mua xe để hợp tác với công ty rồi, giờ nghỉ không biết làm gì”.

Quá vắng khách, những tài xế xe taxi ngồi trò chuyện suốt ngày.

Tài xế taxi Ngô Nguyễn Minh Hùng cũng buồn bã tâm sự, từ khi xảy ra dịch bệnh, nhiều người không dám đi xe công cộng nữa, mà chuyển sang sử dụng xe cá nhân. Vì vậy, thu nhập của tài xế taxi giảm từ 70-80% . “Tôi đã báo Công ty về tình hình này rồi, nhưng công ty chưa có biện pháp nào giải quyết đời sống cho anh em”.

Với các hãng taxi, tài xế chia lợi nhuận theo một tỷ lệ thỏa thuận, hoặc đóng một khoản tiền cố định hàng tháng để được phân phối khách. Các tài xế taxi mong đợi các công ty sẽ có những biện pháp chia sẻ khó khăn với tài xế trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Đại Dương