Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm 2002, khánh thành nhà bia di tích Rừng Cầy thì Giáo sư đã 91 tuổi, không đi lại thuận lợi được nữa. Ông vẫn cứ băn khoăn và đành viết thư gửi lên.

Báo Tuổi Trẻ ngày 17.12.2010 có dòng tít nhỏ ngay góc trái trang 1: Vĩnh biệt Giáo sư Trần Văn Giàu. Mở tiếp trang 2, tin cho biết bác Sáu Trần Văn Giàu mất lúc 17h20’ ngày 16.12.2010. Cảm giác đầu tiên: hụt hẫng và choáng váng.
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS Trần Văn Giàu |
Bác Sáu Giàu ơi! Vậy là lòng dạ thầm mong một ngày nào được gặp bác đã vĩnh viễn qua rồi. Cũng chẳng phải có lý do gì quan trọng! Chỉ bởi trong lòng lâu nay đã hết sức khâm phục một con người Nam bộ anh hùng, một nhà nghiên cứu khoa học tận tuỵ, tận hiến cho đời như bác Sáu; cũng còn một lý do khác, rằng bác có rất nhiều người Tây Ninh ngưỡng mộ, như Lê Việt Hùng (Tám Hùng), Trịnh Văn Đông (Ba Đông), Nguyễn Văn Chua (Tám Chua)… và những cựu chiến sĩ Si Vô Tha ngày trước. Nhiều người trong họ đã trở thành các cán bộ cốt cán của Tây Ninh trong các thời kỳ đấu tranh và xây dựng. Vậy nên hễ cứ năm nào bộ đội Si Vô Tha họp mặt kỷ niệm tại Rừng Cầy, Hoà Hội, là lại muốn lên theo, may ra được thấy bác tới một lần chăng!
Có nhiều con người trong một con người: nguyên Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà Sử học, Anh hùng lao động; mà ở mặt nào dường như bác cũng là người tiêu biểu nhất. Mặt nhiều người thấy nhất, có lẽ là nhà Sử học. Giáo sư tự mình nghiên cứu, tự viết ra hàng trăm đầu sách, mà cuốn nào cũng khiến người sau phải lấy đó làm kiểu mẫu cho mình. Có mấy cuốn có trong nhà, đọc rồi mới thấy, cuốn nào bác cũng không quên nhắc tới Tây Ninh. Như cuốn Địa chí Văn hoá TP. Hồ Chí Minh, Giáo sư nhắc đến những di chỉ văn hoá thời Ốc Eo, tiền Angkor ở Hiệp Long, Chót Mạt và Bình Thạnh. Trong tác phẩm Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam là những phân tích hết sức sâu sắc về sự phát triển của đạo Cao Đài Tây Ninh. Ở tác phẩm đồ sộ “Chống xâm lăng”, Giáo sư viết rất kỹ về cuộc kháng chiến của Trương Quyền và Pukômpô những năm 1866 đến 1868. Trong cuốn “Vàng trong lửa” nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam Tổ quốc; những miền đất và con người Tây Ninh cũng xuất hiện trong nhiều bài viết. Đáng kính phục nhất là những trang sử Giáo sư viết, ngoài độ chính xác, thì còn là một văn phong đặc biệt hào sảng, cô đọng và giản dị. Như những dòng sau đây đã kết thúc chương nói về cuộc chiến đấu của Trương Quyền: “Nhà lãnh tụ trẻ tuổi Trương Quyền xứng đáng với cha, cũng xứng đáng với dân tộc; người đã chà đạp trên bao thành kiến cũ kỹ lỗi thời, phản động, để bắt tay với dân tộc láng giềng, không nề phơi thây trên chiến trường ngoài Tổ quốc, miễn giết được kẻ thù; dòng máu của Trương Quyền và bạn bè rửa sạch những mối hiềm thù do triều đình Huế gây nên, gắn chặt tình thân thiện giữa Việt- Khmer huynh đệ mà sau này quân tình nguyện của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã anh dũng phát huy”.
Tôi nhớ, mỗi lần gặp nhau tại rừng Cầy, những cựu chiến sĩ Si Vô Tha lại nhắc nhớ tới vị chủ tịch UBHCKC Nam bộ năm 1946 sang tận Thái Lan, thành lập đơn vị bộ đội Hải ngoại I Nam bộ, rồi tận tay trao kiếm lệnh. Tháng 10 năm ấy, đơn vị lập tức hành quân về nước, chọn Rừng Cầy, Hoà Hội làm căn cứ. Năm 2002, khánh thành nhà bia di tích Rừng Cầy thì Giáo sư đã 91 tuổi, không đi lại thuận lợi được nữa. Ông vẫn cứ băn khoăn và đành viết thư gửi lên. Nguyên bức thư ấy như sau:
Trần Văn Giàu
Thân ái và kính trọng
Gởi Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh
Thưa các đồng chí,
Tôi rất cảm động được các đồng chí mời dự lễ khánh thành nhà tưởng niệm Bộ đội Hải ngoại số 1.
Đơn vị bộ đội nầy là một cột móc trong quá trình hoạt động dài hơn 70 năm của tôi sắp kết thúc. Cho nên tôi quý trọng lắm Bộ đội Hải ngoại số 1, tôi chắc là hôm nay các chiến sĩ đông đảo đã mất và các chiến sĩ ít ỏi còn sống sẽ phê bình đồng chí Hoàng sao lại vắng mặt để cùng nhau nhắc lại những ngày đầu gian khổ mà quang vinh chúng ta chia tay nhau, các anh về Nam chiến đấu, tôi sang Mã Lai cùng Phúc (tức Dương Quang Đông) để tìm thêm vũ khí. Vắng mặt hôm nay, tôi sợ nhất là sợ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tỉnh Tây Ninh trách sao không đến được buổi lễ các đồng chí tổ chức, nhằm ghi công cho Bộ đội Hải ngoại số 1, cho chú em Ngô Thất Sơn anh hùng, cho tinh thần yêu nước cao cả của Việt kiều của ta ở Campuchia và Đông Nam Á trong suốt thời kỳ cách mạng và kháng chiến dài 30 năm.
Thưa các đồng chí, tôi vắng mặt hôm nay, xin các đồng chí và đồng bào thứ lỗi: lực bất tòng tâm. Tôi sẽ không quên báo cáo với Cụ Hồ, Bác Tôn rằng Tây Ninh đã ghi công xứng đáng cho Việt kiều yêu nước, cho những người con của Tổ quốc dù ở xa xăm mấy cũng thiết tha với quê hương.
Kính chúc các đồng chí và đồng bào dự buổi lễ hôm nay được thành công trong công tác.
Đã ký: Giàu”
Đến lần gặp mặt kỳ sau, vào khoảng năm 2005, thì sức khoẻ Giáo sư đã ngày yếu. Thế nhưng bác vẫn không quên và gửi cho các cựu binh Si Vô Tha cặp rượu để uống trong ngày hoan hỉ gặp nhau.
![]() |
Bức thư của GS Trần Văn Giàu |
Nhưng từ đây trở đi (16.12.2010), thì bác Sáu Giàu đã vĩnh viễn rời xa chúng ta rồi. Bác sẽ tiếp tục giữ lời để làm cái việc mà bác đã viết trong thư năm 2002 là: “Tôi sẽ không quên báo cáo với Cụ Hồ, Bác Tôn rằng Tây Ninh đã ghi công xứng đáng cho Việt kiều yêu nước, cho những người con của Tổ quốc dù ở xa xăm mấy cũng thiết tha với quê hương”.
TRẦN VŨ