Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người và việc
Tấm lòng bác sĩ về hưu
Thứ sáu: 15:34 ngày 03/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dù nghỉ hưu, thế nhưng khi cộng đồng cần sự chung tay hỗ trợ, các cựu y, bác sĩ đầy tâm huyết luôn sẵn sàng lên đường. Những ngày này, bác sĩ Trần Thị Chưởng cùng các y, bác sĩ nghỉ hưu thuộc Đội “Chiến sĩ blouse trắng tình nguyện” túc trực hỗ trợ công tác tiêm ngừa vaccine trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ Trần Thị Chưởng (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng nghiệp hỗ trợ tiêm ngừa vaccine Covid-19.

Với mong muốn góp sức cùng ngành y tế, giảm tải công việc cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, ngay khi Sở Y tế thành lập đội, bác sĩ Trần Thị Chưởng đã đăng ký tham gia. “Đợt dịch bùng phát lần này, hệ thống y tế phải căng mình chống dịch. Công tác trong ngành y mấy chục năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy đội ngũ y, bác sĩ phải chịu áp lực như bây giờ. Vì vậy, tôi chỉ mong góp một phần sức lực, được tiếp tục tham gia cứu người, hỗ trợ tỉnh nhà nhanh chóng vượt qua đại dịch”, bác sĩ Chưởng bày tỏ.

Thời gian qua đội ngũ y tế, những người xông pha nơi tuyến đầu đã làm việc không quản ngày đêm, quên ăn quên ngủ. Với thâm niên trong nghề, tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, những người cựu y, bác sĩ không chỉ giúp san sẻ bớt gánh nặng, mà còn góp phần truyền lửa cho các đồng nghiệp trẻ tiếp tục trong cuộc chiến.

“Với những người làm nghề y, trong thời khắc này không ai có thể ngồi yên được. Tôi và các đồng nghiệp tham gia tình nguyện đều nêu cao tinh thần quyết tâm, cố gắng hết mình. Chỉ mong giúp cho quê mình sớm đẩy lùi được dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường”, bác sĩ Chưởng bộc bạch.

Khoảnh khắc vui tươi của bác sĩ Chưởng và đồng nghiệp trong những đợt hỗ trợ tiêm ngừa vaccine Covid-19.

Công tác y tế trong phòng chống dịch không hề dễ dàng, nhất là đòi hỏi phải có sức khỏe, đặc biệt những người cao tuổi khi cả ngày phải mặc bộ đồ bảo hộ kín người, mồ hôi ướt đẫm. Nhưng vượt qua những trở ngại, bác sĩ Chưởng cùng những đồng nghiệp vẫn đang dốc sức giúp giảm tải áp lực cho lực lượng y tế tuyến đầu và góp phần giúp các địa phương nhanh chóng xây dựng lá chắn phòng thủ dịch bệnh.

Hơn 35 năm lcông tác trong ngành y và gắn bó với chuyên ngành tâm thần, khi chưa nghỉ hưu, bác sĩ Chưởng là cán bộ quản lý Chương trình mục tiêu bảo vệ sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng với gần 2.500 bệnh nhân như: tâm thần phân liệt và động kinh; bại não, chậm phát triển...

Vì vậy, khi trực tiếp tham gia hỗ trợ công tác tiêm vaccine, bác sĩ Chưởng có nhiều tâm tư dành cho đối tượng này. Bác sĩ chia sẻ: “Bệnh nhân tâm thần có những đặc thù riêng như: hạn chế nhận thức, sợ đám đông, chống đối xã hội, tư duy trái chiều, cảm xúc dao động buồn vui thất thường. Hành vi của họ khó kiểm soát, hay đi lại, lang thang khắp phố nên rất dễ lây nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng này cũng ít chịu tuân thủ 5K và tiềm ẩn nguồn lây cho cộng đồng”.

Bác sĩ Trần Thị Chưởng tham gia hỗ trợ tiêm ngừa vaccine Covid-19.

Bác sĩ Chưởng bày tỏ: “Trăn trở trước thực trạng trên, tôi tha thiết kính xin các cấp có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện cho bệnh nhân tâm thần tỉnh nhà được tiêm vaccine càng sớm càng tốt và tổ chức tiêm ngừa riêng biệt dành riêng cho nhóm đối tượng này. Khi hậu phương tổ chức tiêm ngừa tốt, nhanh và đạt tỉ lệ người được tiêm cao là đã góp phần giảm tải cho ngành y tế nơi tuyến đầu, những người đang trực tiếp đấu tranh giành giật từng hơi thở cho F0”.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm vẫn được ghi nhận mỗi ngày. Các địa phương vẫn đang tích cực thực hiện bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, để phân vùng, chủ động trong phòng chống dịch. Có thể nói tinh thần quyết tâm, xung kích của đội ngũ cựu y, bác sĩ, trong đó có bác sĩ Chưởng là nguồn động viên kịp thời cho ngành y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Hoà Khang

Tin cùng chuyên mục