Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bài “Viết cho con gái” gồm 23 câu thơ đúng là những lời đằm thắm, chan chứa sự đôn hậu và từng trải. Thầm thì lời mẹ, giọng mẹ, lòng mẹ… với con gái khi con đang ở tuổi yêu. Một bài thơ thuộc loại hay và nên đọc!
Nhà thơ nữ Nguyễn Thị Hồng Ngát sinh năm 1950, quê huyện Văn Giang, tỉnh Hải Dương. Tác giả vốn là diễn viên sân khấu, đã từng vào phục vụ chiến trường Trường Sơn những năm chống Mỹ. Năm 1980, bà đi học Ðại học điện ảnh ở Liên xô, sau đó về công tác tại Xưởng phim truyện - Cục Ðiện ảnh, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam...
Nhan đề bài thơ chỉ có bốn từ nhưng lại hàm chứa bao tình cảm, nỗi niềm của tác giả dành cho con. Tác giả rất khéo khi tâm sự với con gái mà không dùng chữ dạy hoặc nhẹ hơn là chữ dặn. Ở đây chỉ nhẹ nhàng “mẹ viết cho con gái”, con đọc hay không là tuỳ, con nghe hay không là tuỳ, mẹ không ép! Chuyện mà mẹ viết cho con ở đây thực ra không mới. Ðời mẹ đã trải, đời bạn bầu của mẹ đã từng. Mẹ đã đọc Kiều, cụ Nguyễn Du cũng đã than “Ðêm khuya thân gái dặm trường”.
Những câu thơ là lời thủ thỉ của một người mẹ, toát lên sự mừng vui khi qua bao nhiêu năm tháng nuôi con, con đã qua kỳ tập đi, qua thời trẻ nít… bây giờ đã bắt đầu mộng mơ, gặp người khác phái đã thẹn, đã không còn vô tâm trước những lời đùa tán, đã biết che nón, đỏ mặt và nhất là đã nhớ vu vơ.
Con là con gái của mẹ làm sao mẹ lại không rành: “Mẹ biết/ Con đã bắt đầu tuổi yêu/ Mẹ biết/ Con đã bắt đầu tuổi nhớ/ Mối tình đầu bao giờ chẳng thiêng liêng đẹp đẽ/ Các chàng trai săn đón quanh con”.
Trong niềm vui đó, bên cạnh sự hân hoan đó, lòng người mẹ cũng thấp thoáng một nỗi lo khi biết hằng ngày, hằng buổi, các chàng trai và con mẹ đã hẹn nhau đưa đón, chuyện trò… Bóng dáng của sự không bình an le lói của sợi dây vô hình ràng buộc. Mẹ mừng nhưng mẹ vẫn gọi đó là “tấm lưới thần sẽ được chăng lên”.
Tấm lưới nhưng là lưới của thần mắc, lưới dày và mịn màng lắm, sợi lưới bén nhạy và óng ánh lắm. Mẹ ví con mẹ lúc đó như là “Chú nhện nhỏ thể nào không mắc lưới”. Mẹ là người đã từng tự nguyện hay bị giăng mắc vào trong tấm lưới đó, nên mẹ biết: “Tấm lưới của tình yêu nhẹ nhàng như gió thổi/ Con mắt thường chẳng nhìn thấy được đâu”.
Con mắt thường chứ chưa phải con mắt của kẻ đang yêu như con có thể đã bị loá trước những sự quan tâm chưa rõ là thực hay giả, những lời có cánh bay như những nụ hoa vừa lắm sắc nhiều hương đang bủa vây quanh con, trong lúc “Ðường thì xa mà con thì nhỏ dại/ Mẹ nhìn con lòng không khỏi lo thầm”.
Nếu là ở chiến trường, mẹ có thể dùng tấm thân của mẹ che chắn cho con. Nhưng “chiến trường tình yêu” ở đây khác. Khác lắm! Khó đoán biết trước điều bất trắc gì có thể xảy ra. Mẹ biết rất rõ nếu người con trai đang tán tỉnh con gái mẹ là một đứa buôn tình, tình giả… thì tai ương đến với con gái mình khôn lường. Thân con gái mà “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”.
Mẹ nói rất rõ ràng “Nhưng tình yêu giữa cuộc đời rộng lớn/ Sẽ làm con điêu đứng si mê/ Con sẽ quên những lời mẹ dặn dò/ Kinh nghiệm sống của người này không dạy được cho kẻ khác”.
Ðúng là những chuyện xảy ra trong tình yêu lứa đôi, hoàn cảnh mỗi trường hợp mỗi khác, không ai giống ai. Nhưng có một điều chắc chắn, tuyệt đối đúng, đã đúng và mãi mãi đúng. Ðó là người yêu con nhất. Ðó là tình yêu thật! Cái gì thật cũng đều có vẻ đẹp của nó. Tình yêu gái trai lại càng như vậy! “Chỉ có điều con gái của mẹ ơi/ Nếu con gặp được người yêu con nhất/ Ðừng bao giờ để mất nghe con!”.
Câu dặn “Ðừng bao giờ để mất!” thật đúng! Thật hay! Ðúng và hay trong cuộc đời nên cũng thật hay trong thơ! Yêu nhất, yêu thật! “Yêu nhau thì tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua!”.
Bài “Viết cho con gái” gồm 23 câu thơ đúng là những lời đằm thắm, chan chứa sự đôn hậu và từng trải. Thầm thì lời mẹ, giọng mẹ, lòng mẹ… với con gái khi con đang ở tuổi yêu. Một bài thơ thuộc loại hay và nên đọc!
Cảnh Trà