BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tấm lòng cô giáo về hưu 

Cập nhật ngày: 10/03/2018 - 05:50

BTN - Dành gần cả cuộc đời gắn bó với bục giảng, đến khi về hưu, cô Châu Thị Hiệp- cựu giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Hoà Thành) vẫn dành nhiều tình cảm cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cô Hiệp chuẩn bị sách vở tặng cho học trò nghèo.

Khi về hưu, cô Hiệp là một mạnh thường quân thường xuyên đóng góp cho các hoạt động của Chi hội Khuyến học nhà trường. Nhắc đến cô Hiệp, nhiều bạn bè đồng nghiệp đều nhận xét: đó là một người rất nhiệt tình chăm lo, giúp đỡ học sinh nghèo.

Cô Hiệp kể: thời cô còn đi dạy, học trò lớp cô nghèo lắm. Có em không có tiền đóng học phí. Lúc ấy, cô thường chịu khó hướng dẫn các em làm thủ tục xin miễn giảm, rồi còn bỏ tiền túi ra và vận động thêm các thầy cô trong trường ủng hộ để giúp các em có thể tiếp tục đến trường. Thấy có những em phải mặc quần áo sờn cũ đi học vì không có tiền mua đồ mới, thương quá, cô Hiệp dẫn các em đi mua vải và đặt may cho.

Cô Hiệp luôn trăn trở khi thấy nhiều học sinh đứng trước nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Về hưu rồi, nhớ trường lớp, nhớ học sinh, cô Hiệp tiếp tục dành sự quan tâm cho các em. Tích cóp từ đồng lương hưu ít ỏi, cô dành dụm góp sức cùng các nhà hảo tâm để trao học bổng cho học sinh nghèo.

Cô chia sẻ: “Phần học bổng trao cho các em tuy không nhiều, mình vận động được bao nhiêu thì cho bấy nhiêu. Quan trọng là cái tâm và sự chia sẻ, để qua đó động viên tinh thần, giúp các em có thêm nghị lực, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.

Khi nghe tin trong trường có học sinh nào đó đang gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ, cô Hiệp lại đến tận nhà để tìm hiểu, rồi lặn lội đi tìm nguồn tài trợ để trợ giúp. Cũng từ sự vận động, giúp đỡ của cô, không ít học sinh nghèo của trường đã bước vào được giảng đường đại học.

Đa số mạnh thường quân đóng góp cho công tác khuyến học của Trường THPT Nguyễn Trung Trực là cựu học sinh. Đối với họ, cô Hiệp là cầu nối gắn kết giữa mọi người với Chi hội Khuyến học nhà trường. Để công khai, minh bạch nguồn tài trợ dành cho học sinh nghèo, cô Hiệp thành lập một trang facebook, trên đó cập nhật đầy đủ các thông tin, hình ảnh của các đợt trao học bổng. Điều đó cũng giúp công tác khuyến học lan toả mạnh hơn trong cộng đồng, kết nối rộng hơn với các nhà hảo tâm.

Quãng thời gian gắn bó với công tác khuyến học là quãng thời gian cô Hiệp vất vả đi tìm nguồn tài trợ. Thấy cô tất bật ngược xuôi với công tác khuyến học, có người bảo: về hưu rồi sao không dành thời gian nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, cô Hiệp cười nói: “Mình còn sức thì còn làm, thấy các em học sinh nghèo được tiếp tục đến trường, bản thân tôi cũng thấy vui”.

Nguồn động viên lớn nhất của cô Hiệp trong công tác khuyến học chính là gia đình. Các con của cô đều đã nên người, thành đạt, có cuộc sống ổn định và luôn ủng hộ mẹ. Học trò của cô thì có những người cô dạy từ hồi mới về trường công tác vào năm 1988, vậy mà đến nay các em vẫn còn nhớ và quay về thăm cô giáo cũ.

Hoà Khang