Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tấm lòng của một nông dân
Thứ bảy: 11:02 ngày 15/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ một người kiếm sống bằng nghề lái máy cày thuê, nông dân Tạ Văn Minh đã vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ làm kinh tế gia đình, ông còn nhiệt tình đóng góp tiền của xây dựng quê hương và giúp đỡ nhiều người khác thoát nghèo.

Đến ấp A2, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, hỏi tìm người nông dân có biệt danh “Tí mía” thì hầu như ai cũng biết đó là ông Tạ Văn Minh, 45 tuổi. Người dân biết đến ông không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi mà còn là ân nhân, người có lòng hảo tâm đã đóng góp nhiều cho công tác xã hội, xây dựng đường giao thông nông thôn.

Ông Tạ Văn Minh bên con đường nông thôn ở xã Phước Minh, do ông đóng góp chi phí nâng cấp, mở rộng.

Ông Minh nhớ lại, năm 16 tuổi ông rời Thạnh Đức (Gò Dầu) theo người anh đến xã Phước Minh làm nghề cày đất thuê kiếm sống. Thời điểm đó, Phước Minh đất rộng, hoang vu, dân cư thưa thớt, dễ bề làm ăn sinh sống. Nhận ra tiềm năng đó, năm 1992, ông dành dụm tiền, sang nhượng lại 1,2 ha đất trồng lúa, đậu phộng. Mỗi năm ông tích cóp, vay mượn tiền sang nhượng thêm một vài ha đất nông nghiệp.

May mắn, lúc bấy giờ, Nhà máy Đường Biên Hòa có chủ trương hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho nông dân để mở rộng vùng nguyên liệu mía. Nắm bắt được thời cơ này, ông quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư trồng 5 ha mía để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ cần cù lao động và ham học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, năm đầu tiên, ông thu lợi nhuận được khoảng 75 triệu đồng.

Phấn khởi trước thuận lợi này, ông tiếp tục mở rộng sản xuất với quy mô ngày càng lớn hơn, đồng thời, đầu tư trồng các loại cây trồng khác đang có thế mạnh như cao su, mì. Đến nay, người nông dân này có 40 ha đất trồng cao su, 30 ha đất còn lại luân canh trồng mì và lúa. Trừ các khoản chi phí, ước tính, ông lợi nhuận khoảng 2,1 tỷ đồng/năm. Nhờ làm giàu từ cây mía nên từ đó đến nay, ông Minh có biệt danh “Tí mía”.

Xuất thân từ nghèo khó, nên ông Minh luôn có tinh thần giúp đỡ những người khác còn gặp khó khăn để cùng phát triển kinh tế. Anh Đỗ Hoàng Phúc- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Minh nhắc tới một số trường hợp điển hình được ông Minh giúp đỡ, như ông Lê Văn Rõ. Trước đây, ông Rõ là người làm thuê cho ông Minh.

Thấy được bản tính siêng năng, cần cù của công nhân này, năm 2000, ông Minh hỗ trợ cây giống, vật tư, ước khoảng 25 triệu đồng và chia sẻ kinh nghiệm làm nghề nông để ông Rõ sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ này, đến nay, ông Rõ đã phát triển quy mô sản xuất lên đến hơn 40 ha đất nông nghiệp.

Bà Ngô Thị Thanh Xuân, ngụ cùng địa phương cũng nhờ ông Minh giúp đỡ mới thoát nghèo. Gia đình bà Xuân thuộc hộ khó khăn, không có đất sản xuất, không có nhà ở, làm thuê mướn cũng không ổn định. Năm 1999, ông Minh đã tạo điều kiện giúp đỡ chỗ ở, cho bà mượn 20 triệu đồng (không tính lãi) để thuê đất trồng cây nông nghiệp. Ông Minh còn hỗ trợ vật tư, cây giống, trị giá khoảng 20 triệu đồng để bà Xuân sản xuất. Từ đó đến nay, vợ chồng bà mua được 10 ha đất, xây dựng nhà khang trang, mua máy cày phục vụ sản xuất.

Gia đình ông Nguyễn Trung Nguyên cũng tương tự. Năm 2008, ông Nguyên về Phước Minh lập nghiệp với điều kiện còn thiếu trước hụt sau. Ông Minh cho mượn 300 triệu đồng (trả chậm, không tính lãi) để lập vườn trồng tre lấy măng, đồng thời hỗ trợ máy cày, máy xới, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. Hiện nay, ông Nguyên cũng vươn lên, đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp niều năm liền.

Ông Tạ Văn Minh (bìa trái) được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 2006, ông Minh được kết nạp vào Hội Nông dân xã Phước Minh, từ đó, ông có điều kiện giúp đỡ và trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất của mình với nhiều người đang khát khao thoát nghèo vươn lên. Tính đến nay, ông Minh đã tạo việc làm cho 20 người với thu nhập từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng, phổ biến những kinh nghiệm sản xuất cho hơn 42 nông dân tại địa phương, giúp đỡ 10 người khác khó khăn về vốn sản xuất và nhờ đó, có 6 hộ thoát nghèo vươn lên.

Ngoài những việc làm nêu trên, “Tí mía” còn được nhiều người quý mến bởi sự nhiệt tình đóng góp trong việc nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn. Chỉ tính riêng trong 3 năm qua, ông Minh cùng với các hội viên nông dân khác sửa chữa, nâng cấp 10 tuyến đường giao thông nông thôn ở địa phương với số tiền 130 triệu đồng và làm đường ở ấp Rộc B, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, với số tiền 20 triệu đồng.

Chia sẻ về việc làm này, ông Minh nói: “Hễ thấy ở địa phương có đoạn đường nào xuống cấp, đi lại khó khăn, tôi liền vận động bà con trong xóm chung tay sửa chữa. Tôi mua đất, đá làm trước, bà con thấy việc làm này có lợi chung cho cả xóm nên đồng tình làm theo. Mới đây, tôi và bà con vừa hùn tiền nâng cấp, sửa chữa xong 3 đoạn đường trong xã, mỗi đoạn dài 300, 500 và 1 ngàn mét”.

Việc nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn ở ấp Rộc B cũng xuất phát từ lợi ích chung như vậy. Ông Minh kể, một lần về thăm quê, thấy đường giao thông ở ấp Rộc B chật hẹp, quanh co và có hàng cây tầm vông che khuất tầm nhìn, bên trong con đường này có trường học, con em đi học khó khăn, ông bàn với chính quyền địa phương vận động người dân chặt bỏ hàng tầm vông, hiến đất để nắn con đường lại cho thẳng. Bản thân ông Minh đóng góp 20 triệu đồng để sửa chữa con đường này.

Ban đầu, người dân địa phương chưa tin lắm, nên bàn ra và không chịu phát bỏ hàng tầm vông. Sau đó, người dân hiểu rồi chuyển sang đồng tình ủng hộ, có người còn vui vẻ hiến cả mét đất để mở rộng đường. “Vừa rồi, tôi về thăm quê, ông Cao Văn Dỡn, ở ấp Rộc B, gặp tôi cười, nói ‘Nhờ chú mày đóng góp tiền làm đường mà bây giờ đường sá ngon lành, tao cưỡi xe đi uống cà phê được rồi’. Nghe người dân nói vậy, tôi cảm thấy sung sướng trong lòng”, ông Minh nhớ lại.

Khi chúng tôi hỏi động cơ nào khiến ông quan tâm đến công tác xã hội và giúp đỡ nhiều người khác như vậy? người nông dân 45 tuổi này, chia sẻ: “Tôi học ở Bác Hồ được nhiều điều hay. Bác hy sinh cả đời mình cho dân tộc mà không hề nghĩ đến lợi ích cá nhân. Đóng góp vào công tác xã hội, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ để mình được hưởng danh lợi gì, mà chỉ nghĩ mình đóng góp khả năng của mình thôi”.

Với những thành tích đạt được trong lao động sản xuất và đóng thiết thực cho công tác xã hội, nhiều năm liền gia đình ông Minh được công nhận là gia đình văn hóa và đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt, trong năm 2019, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018 và được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục