Với đồng lương ít ỏi của mình, thầy Thao đã trích ra một phần để giúp đỡ cho những em học sinh đang gặp khó khăn, thậm chí thầy còn nhận các em về cưu mang như chính người thân của mình.
Ở Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (DMC), rất nhiều em học sinh quý mến thầy Nguyễn Văn Thao, 40 tuổi, chủ nhiệm lớp 11A1. Với đồng lương ít ỏi của mình, thầy Thao đã trích ra một phần để giúp đỡ cho những em học sinh đang gặp khó khăn, thậm chí thầy còn nhận các em về cưu mang như chính người thân của mình. Từ sự giúp đỡ của thầy, không ít em học sinh nghèo khó đã được tiếp tục đến trường.
Năm 1987, thầy Nguyễn Văn Thao bắt đầu đến với nghề dạy học. Luân chuyển qua nhiều trường trong tỉnh, cho đến năm 2008 thì thầy Thao được phân công về Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Ở ngôi trường này, số học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn khá đông nhưng vẫn cố gắng đến trường nên đã làm cho thầy Thao xúc động. Vì vậy, thầy đã không ngần ngại trích số tiền lương ít ỏi của mình để giúp đỡ cho các em.
Thầy Thao và em An |
Học trò đầu tiên được thầy Thao giúp đỡ và đưa về nhà nuôi dạy là em Nguyễn Văn Hoà, học sinh lớp 10A1. Hoà mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống cùng bà nội. Nhưng bà nội của Hoà tuổi đã cao không làm ra tiền, khả năng nghỉ học của Hoà rất cao. Biết được hoàn cảnh của Hoà, thầy Thao đã chủ động nhận Hoà về nuôi và chăm lo cho em như người thân trong nhà. Cuối năm học 2009 - 2010, Hoà được một người chú ở tỉnh Đồng Nai nhận nuôi nên không ở với thầy Thao nữa.
Khi Hoà chuyển về Đồng Nai, tháng 6.2010, thầy Thao tiếp tục nhận em Hứa Văn An, học sinh lớp 11A1 về nuôi. An cũng là một học sinh có hoàn cảnh đáng thương. Cha mất lúc An mới 3 tuổi đầu. Một mình mẹ An phải tảo tần làm thuê làm mướn khắp nơi để nuôi hai anh em An. Khi anh trai của An đậu vào Đại học Sư phạm (TP.HCM) thì gánh nặng kinh tế càng đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ An. Không ít lần An định nghỉ học để ở nhà đi làm phụ mẹ. Hiểu hoàn cảnh của An, thầy Thao đã thuyết phục An về ở với thầy. Để giúp An theo kịp bạn bè, trong những ngày nghỉ hè, thầy Thao còn bỏ tiền ra giúp An học bồi dưỡng thêm môn Vật lý. Những khi An đi học thêm, thầy Thao phải ngày hai bận đưa rước em. Nhiều lúc An bận học bài, thầy Thao còn kiêm luôn cả việc nội trợ bếp núc. Nói về tình nghĩa cũng như công sức của thầy Thao đối với mình, An cho biết: “Công ơn của thầy đối với em là rất lớn. Nếu không có thầy nhận nuôi, chắc giờ này em đã nghỉ học để ở nhà đi làm kiếm tiền phụ mẹ”.
Còn thầy Thao thì: “Nếu không giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em được tiếp tục đi học, nhà trường sẽ mất một học trò ngoan hiền, xã hội sẽ gánh thêm một người không nghề nghiệp. Tôi chưa bao giờ hối hận về những việc mình đã làm”.
HT