Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Sự tự tin, niềm lạc quan là điều đáng quý ở những bạn trẻ khiếm thị này. Họ luôn cố gắng từng ngày để cuộc sống của mình không là vô nghĩa.

Trong căn nhà thuê, cũng là cơ sở làm việc của nhóm bốn bạn trẻ khiếm thị tại Khu phố 4, thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành luôn đầy ắp tiếng cười. Các bạn trẻ này cho biết, cuộc sống hiện tại của họ ổn vì họ thấy mình hữu ích, không phải là gánh nặng cho gia đình.
Chủ tiệm massage khiếm thị này là bạn Nguyễn Văn Trận (ngụ xã Thạnh Bắc, Tân Biên). Trận năm nay 28 tuổi và cũng ngần ấy năm bạn sống cảnh mù mờ vì bị khiếm thị từ nhỏ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ bé Trận đã tập bươn chải kiếm cái ăn chứ không có ý sống nhờ gia đình.
Thời điểm đi bán vé số mưu sinh, Trận luôn mơ ước có được một nghề cố định, không phải đội nắng, dầm mưa. “May mắn, năm 2007, em được giới thiệu cho đi học nghề massage, từ đó nghề đã giúp thay đổi cuộc sống của em”- Trận tâm sự.
![]() |
Từ phải qua: Trận, Trang, Thanh và Trí trong mái nhà chung. |
Học nghề xong, Trận cũng đi làm thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, rồi về làm việc cho cơ sở tại Trường Khiếm thị Tây Ninh gần 3 năm trời. Sau khi tích góp đủ vốn, Trận mạnh dạn thuê mặt bằng và mở một tiệm massage tại thị trấn Hoà Thành, bởi Trận nghĩ: “Có làm chủ thì mới giúp được nhiều bạn cùng cảnh ngộ, còn làm thuê thì chỉ cho riêng mình”.
Vậy là 4 năm nay, tiệm massage khiếm thị của Trận cũng dần quen thuộc với nhiều người hơn. Trận bộc bạch: “Lúc đầu mở ra vắng khách, em cũng thấy rầu lắm. Nhưng bây giờ thì an tâm hơn nhiều rồi, vì đã có nhiều người biết tới”.
Đến nay, tiệm massage này đã giải quyết việc làm cho thêm ba bạn trẻ cũng là học viên Trường Khiếm thị có việc làm. Mỗi tháng, các bạn có thu nhập riêng khoảng 2 triệu đồng, lại có nơi ăn, chốn ở.
Hiện nay, Trận cũng đang nuôi ý định mở thêm tiệm massage tại huyện Tân Biên, để có thể giải quyết thêm nhiều việc làm cho các bạn đồng cảnh ngộ.
Tại cơ sở này có một bạn nữ duy nhất chính là em Nguyễn Thị Kiều Trang, 23 tuổi. Cô gái này có vẻ hoạt bát, chân phương của người miền Tây. Trang quê ở Cái Bè, Tiền Giang, em vốn là trẻ bình thường, cho đến năm 12 tuổi thì bị teo dây thần kinh thị giác. Từ đó, ánh sáng với Trang chỉ còn là bóng mờ mờ không rõ ràng.
Trang cho biết, lúc đầu cũng buồn ghê gớm lắm. “Em trở nên trầm lặng không nói chuyện với ai. Nhưng rồi em được đưa đến trường khiếm thị. Được hoà nhập với các bạn cùng cảnh ngộ thì dần lấy lại tinh thần”- Trang nói. Và hiện tại, khi gặp bạn gái này, bạn sẽ luôn thấy nụ cười rạng rỡ, cách nói chuyện thông minh, dễ mến, nhờ đó mà Trang cũng có thêm nhiều “bạn” từ những nữ khách hàng của mình.
![]() |
“Ông chủ” Trận trong giờ làm việc. |
“Em tự tin với cuộc sống hiện tại, bởi em có thể làm nuôi bản thân, không để mình thành gánh nặng cho ba mẹ”. Trang hồn nhiên cho biết: “Trước đây, em cứ nghĩ mình sẽ sống già rồi chết đi mà không thể làm được chuyện gì. Nhưng bây giờ thì khác, em cảm thấy mình vui vẻ hơn rất nhiều.”
Do quen biết với Trận khi theo học nghề tại thành phố, sau đó cùng về học tại trường Khiếm thị Tây Ninh, dẫu phải tốn phí (do là người ngoại tỉnh) nhưng Trang vẫn vui vì có việc làm tự lo mọi chi phí cho mình. Mỗi năm em về nhà một lần vào dịp tết, còn lại chỉ thăm hỏi ba mẹ qua điện thoại.
Tương tự như hoàn cảnh của Trang là em Hồ Văn Thanh, 17 tuổi, ngụ ấp Long Hải, xã Trường Tây, Hoà Thành. Thanh cũng bị mất thị lực sau một tai nạn vào năm 12 tuổi. “Dẫu tai nạn đó đã trở thành dấu ấn khó quên nhưng em không trách ai, chỉ là do phận mình. Bây giờ em thấy mình cũng không vô dụng, có thể làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ lo cho em trai đi học thì em vui lắm rồi”- Thanh cười rạng rỡ.
Ở cơ sở này, cậu bé 17 tuổi tên Nguyễn Hữu Trí (ngụ Bến Củi, Dương Minh Châu) là người có thị lực tốt nhất cho nên trở thành chân “chạy vặt” giúp các anh chị. Trí có thể làm những việc của người sáng mắt như đi mua thức ăn, ghi sổ sách. Mỗi tháng, với chi phí 2 triệu đồng, Trí có thể tự lo cho bản thân khi phải sống xa gia đình. “Vì điều kiện khó khăn, em ít khi về nhà nên tự làm và nuôi mình là chính.” Trước khi đến đây, Trí cũng đã từng sang Bình Dương làm nghề gốm, rồi sau đó trở về học nghề massage và làm việc với nhóm cho đến nay.
Trí nói sẽ gắn bó luôn với nghề, không thay đổi vì nghề này đỡ cực hơn so với nghề làm gốm hay bán vé số lang thang ngoài đường, lại có thu nhập ổn định.
Niềm vui, sự tự tin là điều dễ thấy nơi các bạn trẻ khiếm thị này. Họ không có sự than trách số phận mà vẫn miệt mài chăm chỉ làm việc để đời mình thêm ý nghĩa. Nhìn sự đùa vui tự nhiên không phân biệt chủ và nhân viên của các bạn, mới thấy được sự thân thiết như anh em của những người đồng cảnh ngộ.
Trận kể, nhóm tụi em chỉ quanh quẩn ở nhà làm việc nhưng mỗi khi cúp điện thì cũng sẽ dắt nhau “đi siêu thị mò đồ” hay đi đến các điểm du lịch như Núi Bà, Long Điền Sơn, Toà Thánh để giải trí. “Hay đơn giản là kéo nhau đi uống cà phê để ‘tám’ đủ thứ chuyện mà mình nghe, mình nghĩ”- Trận cười, bảo.
![]() |
Kiều Trang và chiếc điện thoại để giải trí. |
Những bạn trẻ này không để cho mình nhàm chán khi cũng biết tự tìm thú vui mỗi khi rảnh rỗi. Như Kiều Trang sẽ dành thời gian lên Youtube nghe nhạc trữ tình, nghe thuyết pháp. Còn Thanh thì “chuyên trị” tin tức từ các loại báo nói hay nghe nhạc trữ tình.
Khác hơn một chút, Trí có phần tươi trẻ hơn các bạn mình khi xem nhạc trẻ, em từng một thời tham gia nhóm nhảy hiphop khi còn sinh hoạt ở trường Khiếm thị. Trí bẽn lẽn nói: “Bây giờ không còn nhảy nữa nhưng em vẫn còn thích xem những giai điệu tươi trẻ để giải trí”.
Biết rằng cuộc sống không bao giờ hoàn hảo, các bạn trẻ khiếm thị này vẫn biết tìm niềm hạnh phúc cho mình, chính là biết mình đủ; đủ để thấy vui vẻ sống mỗi ngày mà không phải than trách số phận, đủ để có thể tự tin không là gánh nặng cho gia đình, xã hội…
Đào Nam