Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời điểm này là cơ hội để tiến tới chấm dứt bệnh lao trong cộng đồng bằng cách tầm soát bệnh lao trong bối cảnh dịch bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh sử dụng X-quang ngực chẩn đoán lao.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Chương trình chống lao quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, thời điểm này là cơ hội để tiến tới chấm dứt bệnh lao trong cộng đồng bằng cách tầm soát bệnh lao trong bối cảnh dịch bệnh.
Thời điểm vàng
Theo báo cáo tổng kết Chương trình chống lao quốc gia năm 2021, Tây Ninh là một trong những tỉnh có dịch Covid-19 diễn biến nặng nên tỷ lệ khám, phát hiện bệnh lao giảm nhiều (giảm 30%), nhưng vẫn là 1 trong 5 tỉnh trên toàn quốc có tỷ lệ bệnh lao trên 100.000 dân khá cao (137/100.000 dân) so với tỷ lệ toàn quốc- 63/100.000 dân. Do đó, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đây là thời điểm vàng để phòng, chống, ngăn chặn bệnh lao và bệnh phổi hiệu quả thông qua việc chẩn đoán, điều trị các triệu chứng hậu Covid-19.
Bác sĩ CKI Phan Văn Ngoan- Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cho biết, Covid-19 và lao đều là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Người bị bệnh lao, phổi sẽ bị tổn thương, hệ miễn dịch suy giảm nên khi nhiễm Covid-19 sẽ nặng hơn so với người khoẻ mạnh.
“Thời gian này, nhiều bệnh nhân có ý thức chủ động đến bệnh viện khám sàng lọc Covid-19, hậu Covid-19, bệnh lao và bệnh phổi. Đây cũng là cơ hội tầm soát, phát hiện sớm và ngăn chặn bệnh lao lây lan trong cộng đồng”- bác sĩ Ngoan nhấn mạnh- “Phát hiện sớm để phòng ngừa bệnh lao và tuân thủ triệt để các quy định phòng, chống dịch trong bối cảnh hiện nay không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan trong cộng đồng”.
Theo ông, để ngăn chặn, phòng, chống bệnh lao triệt để cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự chung tay của mỗi người dân. Trong đó, chính quyền có vai trò chỉ đạo cho các địa phương hỗ trợ y tế trong việc quản lý người bệnh tuân thủ điều trị cũng như đầu tư nguồn lực tốt hơn cho công tác phòng, chống bệnh lao.
Đồng thời, tăng cường truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu được sự nguy hiểm của bệnh lao; phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt đối với người tiềm ẩn bệnh lao, người tiếp xúc với người bệnh lao phổi là trẻ em để 90% người mắc lao tiềm ẩn không trở thành người mang bệnh lao trong tương lai.
Giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh lao đối với người nhiễm Covid-19
Theo bác sĩ CKI Phan Văn Ngoan, 2 năm qua, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi chuyển công năng sang điều trị Covid-19. Điều này đã gây ảnh hưởng đến hoạt động chống lao trên địa bàn tỉnh. Sau thời gian dài chống dịch, tháng 3.2022, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi hoạt động trở lại trong trạng thái “bình thường mới” với mô hình điều trị tách đôi, 50% số giường điều trị chuyên khoa lao và bệnh phổi, 50% còn lại điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Bám sát chủ đề của Ngày Phòng, chống lao thế giới năm 2022: “Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tăng cường công tác khám, chữa bệnh nhằm thúc đẩy việc chủ động, tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao bằng các biện pháp: áp dụng chiến lược 2X (chiến lược mới trong chẩn đoán lao sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm Genexpert- một phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện vi khuẩn lao); khám sàng lọc bệnh lao thông qua các triệu chứng hậu Covid-19...
Bác sĩ Ngoan nhấn mạnh: “Để phòng, chống bệnh lao trong bối cảnh hiện nay, khi xuất hiện triệu chứng hô hấp bất thường, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K của Bộ Y tế, liên hệ ngay với các bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn, tư vấn kịp thời”.
Khi bị bệnh lao, phải tuân thủ theo phác đồ, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, đủ thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bị bệnh lao cần tiêm vaccine phòng Covid-19, hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác nhằm phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2, tăng cường dinh dưỡng, giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ. Trẻ em tháng đầu sau sinh cần được tiêm phòng vaccine BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao.
Bên cạnh đó, để tránh các di chứng của bệnh lao phổi để lại cũng như ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Việc tái khám định kỳ cũng góp phần quan trọng nhằm theo dõi và điều chỉnh đơn thuốc chữa lao phổi phù hợp, xử lý kịp thời biến chứng có thể xảy ra.
Bác sĩ Ngoan cho biết thêm, việc phát hiện và điều trị sớm, hiệu quả người mắc bệnh lao, bệnh lao kháng thuốc có thể khống chế nguồn lây bệnh trong cộng đồng, gồm người tiếp xúc (cả người lớn và trẻ em) với người bệnh lao phổi, người có nguy cơ mắc bệnh lao (người hoàn thành điều trị bệnh lao trong vòng 2 năm, người từ 60 tuổi trở lên, người có bệnh hen/phổi tắc nghẽn mãn tính, người sử dụng rượu bia thường xuyên và người hút thuốc lá hằng ngày, người gầy, thiếu cân, người có các bệnh nguy cơ cao như bụi phổi, tim mạch, tiểu đường, HIV, điều trị thuốc ức chế miễn dịch kéo dài...).
Ngọc Bích - Tâm Giang