BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tầm soát ung thư: Không nhất thiết phải đi bệnh viện thành phố

Cập nhật ngày: 16/05/2011 - 12:18

Căn bệnh ung thư – được xem là “sát thủ thầm lặng” ngày càng được cộng đồng quan tâm. Một phần là do ý thức bảo vệ sức khoẻ trong nhân dân ngày càng được nâng lên. Trong vài lần đến Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (BVĐKTN), qua trao đổi với một số người đi khám bệnh, tôi thấy không ít người trong đó có cả những người trẻ tuổi bày tỏ mối lo lắng về căn bệnh ung thư. Một bệnh nhân tên T.H 25 tuổi, ở phường 4, thị xã Tây Ninh cho biết, chị hay bị đau bụng, mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt, bí tiểu. Qua các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị nang buồng trứng. Mặc dù vậy chị T.H vẫn không yên tâm. Chị nói sẽ cố sắp xếp để đi thành phố HCM khám bệnh cho… “chắc ăn”. Nhiều bệnh nhân cũng có tâm trạng nghi ngại tương tự. Một bệnh nhân cho rằng, Tây Ninh không có chuyên khoa ung bướu làm gì có khả năng phát hiện và chữa trị ung thư được?

Xét nghiệm tầm soát ung thư ở BV Cao Văn Chí

Trong một lần trò chuyện, bác sĩ Lê Hồng Phước, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp của BVĐKTN, cho phóng viên biết rằng: BVĐKTN có những xét nghiệm có thể định hướng được bệnh ung thư như siêu âm, khám lâm sàng, nội soi. Bệnh viện có thể giải phẫu bệnh lý, tức là lấy một phần mô để làm xét nghiệm, nhằm cho ra kết quả bệnh nhân có bị ung thư hay không. Có những loại ung thư thường gặp như ung thư máu, ung thư da, ung thư vú, ung thư  xương, ung thư gan... Tuy nhiên bệnh viện chưa thể điều trị chuyên sâu về ung thư. Nếu bệnh nhân có nghi ngờ mắc bệnh, do thấy những triệu chứng bất thường thì nên đi khám sớm. Hầu hết các bệnh ung thư phổ biến, BVĐKTN đều có thể tầm soát được. Nếu đúng là bệnh ung thư, bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị.

Trên thực tế, qua xét nghiệm, BVĐKTN đã phát hiện được nhiều trường hợp ung thư. Song bệnh viện hiện chưa có những máy móc hiện đại phục vụ kỹ thuật chụp nhũ ảnh hoặc các thiết bị chụp toàn cơ thể để tầm soát đại trà các loại ung thư  như bệnh viện chuyên khoa ở các thành phố lớn.

Bệnh viện Đa khoa tư nhân Cao Văn Chí (BVCVC) đã đầu tư một số máy móc kỹ thuật hiện đại để phục vụ nhu cầu tầm soát ung thư cho người dân như máy xét nghiệm, máy siêu âm 3-4 chiều, máy CT Scanner đa lát cắt, máy X-quang kỹ thuật số, máy nội soi... Bệnh viện này cũng có khả năng tầm soát đa số các loại ung thư. Tuy nhiên, do chưa có chuyên khoa, việc điều trị cũng nằm trong một giới hạn nhất định. Với một số loại ung thư phát hiện ở giai đoạn sớm, bác sĩ khoa ngoại của BVCVC có thể giải quyết bằng phẫu thuật. Còn những ca phát hiện ở giai đoạn muộn, vẫn phải chuyển đi thành phố HCM. Theo ý kiến của một bác sĩ, trong tương lai gần, các bệnh viện ở Tây Ninh (cả ở khu vực Nhà nước và tư nhân) đều chưa thể mở được chuyên khoa ung bướu, vì đây là chuyên khoa sâu, khả năng của các BV tỉnh chưa thể đáp ứng được. Nhiều BVĐK ở các tỉnh, thành khác cũng chưa mở được chuyên khoa ung bướu.

Tuy vậy, việc đầu tư nâng cao khả năng tầm soát ung thư là một nỗ lực đáng kể của các bệnh viện trong tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Long- P.Giám đốc BVCVC đưa ra lời khuyên: nếu nghi ngờ bị ung thư, bệnh nhân có thể tầm soát ngay tại tỉnh nhà cho đỡ mất thời gian, công sức và tiền bạc. Đồng thời ông cũng nhắc nhở: có thể tránh được một số bệnh ung thư qua tiêm ngừa như ung thư cổ tử cung, ung thư gan do viêm gan B, C…; ung thư vú có thể phát hiện sớm nhờ thường xuyên tự thăm khám. Nếu nghi ngờ bị ung thư, cần đi khám càng sớm càng tốt.

Tổ chức phòng chống ung thư tại Việt Nam vừa đưa ra con số thống kê cảnh báo: tỷ lệ người mắc bệnh ung thư đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam. Theo đó, năm 2010 Việt Nam có ít nhất 126.300 ca ung thư mắc mới. Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh ung thư gia tăng ở Việt Nam, nhưng chủ yếu vẫn đến từ thói quen ăn uống và môi trường sống.

Tại VN, có đến 21% số người mắc bệnh ung thư vì hút và ngửi phải mùi thuốc lá. Tiếp đó, 20% các ca tử vong ung thư là do yếu tố nhiễm khuẩn, mà nguyên nhân chủ yếu là thói quen ăn uống và chưa kiểm soát tốt các bệnh lây nhiễm, như: siêu vi B, C gây viêm gan, virus HPV gây ung thư cổ tử cung, vi khuẩn H.pylori gây ung thư dạ dày… Cùng đó, chế độ ăn ít chất xơ và nghèo vitamin; sử dụng các món ăn truyền thống được làm theo phương pháp muối mặn để dành; sử dụng các loại thực phẩm ăn nhanh, ăn nhiều đồ chiên, nướng, nhiều chất béo, ăn đồ sống... là nguyên nhân của 5% các trường hợp ung thư nói chung.

(Theo tamnhin.net)

tiỂu ngô