Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tấm thẻ thương binh
Thứ sáu: 23:41 ngày 14/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chị Ba Liên chậm rãi gỡ đoạn dây cao su cột xung quanh, tháo chiếc chân giả bằng gỗ ra. Miếng vải lót có viên sỏi nhỏ như hạt tấm, nó chui vô bằng đường nào ta? Hèn chi lúc đi lại, đầu mỏm ống chân cụt đau rát.

Chị vịn cán cào, đứng dậy.

- Hú! Làm tiếp đi mấy đứa!

Tiếng máy cày rít lên ình ình. Hai sào đất đã cày xong, nằm phơi dưới ánh nắng gay gắt. Chiếc rơ-moóc đầy phân bò dừng lại trước mặt Ba Liên, chị chuyển trọng lực thân thể về bên chân trái lành lặn, bắt đầu dùng cào kéo phân xuống. Được một đống nhỏ, chị vẫy tay ra hiệu máy cày chạy tiếp.

Bên chân gỗ chuệnh choạng, ráng bước theo kịp máy cày. Phân sẽ được rải đều từng đống trên đất, sau đó tung ra, máy cày thái đất trộn phân một lần nữa, rồi mới xuống giống đậu. Mồ hôi đầm đìa trên mặt, chị Ba Liên thở dốc, mất đà suýt ngã chúi. Thằng thanh niên lái máy nhảy xuống, giành lấy chiếc cào.

- Cô Ba để con!

Nó giật lia một hồi, phân bò chảy xuống cả đống. Máy cày lại chuyển chỗ. Chị Ba tập tễnh bước theo, cái chân cụt thi thoảng lại nhói đau. Thằng con trai chị tuần trước gọi điện về, nói má cứ để đám đậu con về làm phụ. Chờ miết không thấy đâu. Mà thôi, miễn nó chăm chỉ làm việc.

Dân văn phòng như nó, làm nhà nông sao nổi. Chị ráng ít bữa là xong, không kịp thì mướn người làm. Chị không muốn thằng con trai quý tử cực khổ. Nó phải giỏi hơn ba nó, thằng cha sở khanh ngày nào cũng vênh cái mặt thớt đi ngang nhà chị, lên trụ sở Uỷ ban xã. Hồi mới giải phóng, chị từ trên rừng về, tuy bị cụt nửa ống chân phải nhưng chị đẹp lắm. Đẹp đến mức mấy chị, mấy cô lành lặn chân tay phải ganh tị.

- Cứ che khúc chân cụt đi, nhìn em y chang thần vệ nữ!

Bảy Tiến luôn miệng nói vậy, sau gần một năm tán tỉnh và dụ được chị lên giường. Tới hồi chị có bầu, giục cưới thì hắn nói tỉnh queo:

- Ba mẹ anh không đồng ý. Em tàn tật vậy, làm sao lo được việc nhà chồng.

Chị giận, đuổi thằng họ Sở đi một hơi. Một mình lao động, sanh con, chị không thèm nhắc tới hắn. Nay con trai chị đã trưởng thành, rời xứ quê vô thành phố làm việc, chị vẫn một mình quần quật với năm sào đất ruộng, bầy bò sáu con, cất lại cái nhà khang trang giữa xóm. Bảy Tiến từ dân quân, rồi lên được cán bộ xã. Chắc hắn chưa quên được thân hình “vệ nữ” của Ba Liên, nên nhiều đêm tìm đến nhà chị gõ cửa. Lần nào hắn cũng bị chị đuổi, hăm lấy liềm cắt con giống.

Nhớ chuyện hơn mười năm trước, tự dưng Ba Liên bị thu mất cái thẻ thương binh và cắt khoản trợ cấp hằng tháng. Bên Thương binh - Xã hội thông báo chị không phải là thương binh. Trời đất! Tham gia cách mạng bị cụt một giò mà họ nói vậy sao? Chị uất ức, máu bốc lên mờ mắt, đổ bệnh nằm đúng một tuần.

Chị nhờ người chở lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Họ trả lời, có người làm đơn thưa chị cụt giò vì tai nạn bom mìn, không phải bị thương trong chiến đấu. Chị nhảy núi theo cách mạng từ năm mười sáu tuổi. Điều đó mấy anh chị, cô chú công tác cùng đều biết.

Nhiều thương binh được băng bó, cứu chữa còn nhớ như in khuôn mặt, nụ cười của chị. Buổi chiều ấy, chị theo một phụ nữ người Ba Na vô rừng kiếm lá về xông cho mấy chiến sĩ bị sốt rét. Nghe chị Ba Na kêu á một tiếng, chưa kịp định thần thì chớp lửa loé lên, một bên chân đau nhói.

Họ dính lựu đạn gài của bọn biệt kích, chị Ba Na gục chết tại chỗ, Ba Liên bị gãy chân. Khi người đơn vị tìm được họ, Ba Liên đã ngất đi, vết thương nhiễm trùng. Bị cắt cụt một chân, Ba Liên vẫn công tác trong bộ phận Dân y cho đến ngày giải phóng miền Nam. Họ cướp công chị? Hay họ lãng quên chị? Cướp công chị thì đem cho ai? Chắc họ quên. Mà quên sao được khi cái giò cụt một khúc còn nguyên đó mấy chục năm trời.

Bảy Tiến lại mon men đến gần, muốn chị cho nhận con trai, đổi lại hắn sẽ lo vụ thẻ thương binh cho chị. Bữa đó đi ăn đám giỗ nhà hàng xóm về, có chút rượu trong người, chị chỉ mặt thằng sở khanh, chửi:

- Cái đồ… quần què mà đòi lo việc cho tui hả? Con tui hồi nào giờ không có cha nhen. Bày đặt nhận con…

Thằng chả tím mặt, đi một hơi.

Tấm thẻ thương binh chị không tiếc lắm. Mỗi tháng mất hơn hai triệu đồng trợ cấp cũng không ăn nhằm gì so với thu nhập nhà nông của chị, nhưng tội nghiệp thằng con trai đi học mất suất ưu tiên học phí. Một lần Bảy Tiến nhắn rằng có thể lo được vụ này. Chị nhắn lại, ông lo được thì lo đi, cũng là trách nhiệm với thằng nhỏ. Bẵng đi một thời gian, thấy Bảy Tiến chạy xe đến nhà, hồ hởi:

- Vụ thẻ thương binh chắc là ổn! Em đưa tôi hai chục triệu cám ơn người ta!

- Đ.m!

Chị bật câu chửi thề, bước vô nhà đóng sầm cửa lại. Chú Năm “tập kết” nhà kế bên, nghe câu chuyện chạy tiền lấy thẻ thương binh cũng giận dữ buông một câu chửi thề. Rồi nói như dao chém cột:

- Con Ba, mày để đó tao lo cho.

Một ông già đã nghỉ hưu, quyền chức không có. Lo kiểu gì? Nhưng ông Năm “tập kết” có cái miệng nói to và tính cương trực không biết sợ ai. Ông lên Uỷ ban xã, quậy nát bến:

- Mấy đứa trả lời chú nghe coi. Con Ba Liên có tham gia cách mạng mười mấy năm hông? Nó đi kiếm thuốc chữa bệnh cho cơ quan, dính lựu đạn gài trong khi làm nhiệm vụ. Vậy là thương binh chứ gì nữa?

Mấy cậu ở xã lúng túng:

- Cái này là do Phòng Thương binh - Xã hội huyện giải quyết chú ơi!

Ông Năm hỏi Ba Liên, còn nhớ được những ai cùng đơn vị hay không? Còn vài người mà họ ở xa lắm. Người ở Phù Mỹ cũng ba chục cây số. Người xa nhất ở Quảng Ngãi cũng gần trăm rưỡi cây số. Có ông Mười Tèo cùng huyện thì bị đui cặp mắt. Bà Bốn Vân cùng xã thì qua đời đã lâu. Ông Năm lấy một tập vở học trò, ghi đầy đủ họ tên mấy người, rồi lại nói. Để đó tao!

Bầy bò ba con mới bốn năm mà đã sinh sôi thành đàn lũ tám con. Bò mẹ bò con đứng, nằm chật một cái chuồng. Ba Liên tính nhổ đậu xong, bán lấy tiền mở rộng cái chuồng bò. Nhưng kế hoạch phải hoãn lại. Chị quyết định bán bớt ba con bê lớn.

Tụi nó phá quá không chịu nổi. Hở ra là tụi nó bứt dây thừng, nhảy rào ra ngoài lủi vô nương mì, ruộng lúa của hàng xóm. Mà chị Ba còn có một chân rưỡi, không rượt nổi. Tháng Bảy bầu trời vút lên cao, hút sạch từng giọt nước trên ruộng nương.

Lạy ông trời cho một cây mưa đi, để đám đậu nảy mầm. Một nỗi buồn rấm rứt trong lòng Ba Liên, những ngày này mấy năm trước, nhà chị có khách. Đó là đại diện các ban, ngành trong xã đến trao quà nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Tháng bảy năm ngoái không có ai tới, chỉ chú Năm “tập kết” sang chơi, hỏi thăm sức khoẻ chị và cho một hũ mắm mít. Năm nay chắc cũng không, chỉ có trời xanh trải nắng gắt xuống thân hình còm cõi và đẫm mồ hôi của chị. Lưỡi cuốc lạt sạt trên mặt đất cứng, trượt văng phải ống chân giả cốp một tiếng. “Như muỗi đốt cột nhà thôi con ơi! Ăn nhằm gì!”- chị Ba Liên mỉm cười.

Phía lộ đất vọng tới tiếng cười nói rổn rảng. Một đoàn ba chiếc xe máy chở sáu người chạy vô xóm. Bảy Tiến chở cô Hồng Mặt trận ôm một thùng giấy, không biết hắn nói gì mà cô Hồng cười ngả ngớn. Chắc vô nhà chú Năm “tập kết” và ông Ba Mẹo- hai thương binh già. Không ai để ý tới người phụ nữ tập tễnh bên nương đậu mới nhú. Nước mắt chảy xuống vạt áo lấm bụi đất. Chị Ba cúi đầu, tiếp tục giẫy cỏ. Chiều xế, thấy chú Năm “tập kết” đứng kêu ngoài ngõ:

- Mày có nhà hông Ba Liên?

- Dạ, con đây chú Năm!

Chị Ba đổ nốt thùng cám cho lũ bò, mệt nhọc bước vô.

- Có hộp cà phê tan nè, cho bay đó! Họ tặng quà cà phê mà tao đâu có uống.

Chị Ba cầm hộp cà phê, rưng rưng nước mắt.

- Dạ, cám ơn chú Năm!

- Mà nè! Chủ nhật tới, mày mần con gà nấu cháo cho tụi tao ăn với nhen. Toàn bạn cũ.

Chị Ba mừng rỡ, khi thấy bốn người khách thì có đến ba người quen. Chú Năm chỉ ông già đầu húi cua, tóc bạc phơ.

- Chú Tư Hiển, Huyện đội trưởng về hưu. Trước cũng ở rừng mà thuộc đại đội vũ trang.

Cái bắt tay siết chặt.

- Chào chị Ba! Hồi nẳm nghe bên Dân y có hai người đạp lựu đạn gài của địch, giờ mới gặp chị.

Họ nói Ba Liên viết một bản tường trình lại buổi đi công tác rồi bị thương. Mọi người cùng ký xác nhận vô tờ giấy.

- Còn Hai Thảo ngoài Bồng Sơn, Quảng Ngãi nữa. Mai mốt tui ra thăm cháu ngoại rồi kiếm chả, nói ký vô luôn.

Chú Năm hứa.

Họ hẹn nhau sẽ cùng mang nộp tờ giấy cho Ba Liên lên huyện. Chị ngỡ ngàng, không hiểu sự việc ra sao.

- Sự việc đã như vậy, bỏ qua đi. Mấy chú mấy anh đi lại chi cho cực thân.

- Cô Ba nói vậy đâu được! Phải tìm sự công bằng chứ.

Mùa đông về với những cơn gió se lạnh. Mỗi khi chuyển trời, cái chân cụt lại đau nhức không ngủ được, chị Ba nằm trăn trở, nghĩ về những người đồng đội cũ, đã bỏ công đi tìm công bằng cho chị. Tuy biết kết quả sẽ buồn nhiều hơn vui, nhưng chị vẫn hy vọng mọi chuyện sẽ suôn sẻ, để không phụ lòng đồng dội.

Buổi sáng ấy, trời nắng đẹp. Đàn bò nhởn nhơ ngoài cánh đồng vừa gặt xong. Cô gái mặc chiếc áo hồng, như bông hoa rực rỡ tấp vào ngõ nhà chị.

- Cô là Huỳnh Thị Liên? Con ở Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện. Con đem giao lại cô tấm thẻ thương binh. Cô ký vô đây giùm con ạ.

Niềm vui-buồn xen lẫn. Ba Liên nắm chặt tấm thẻ nhỏ trong lòng bàn tay, nghe nóng rát mùi bom đạn thời chiến tranh.

P.P.Q

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục