BAOTAYNINH.VN trên Google News

UBND phường An Tịnh:

Tạm thời xử lý ô nhiễm môi trường quanh KCN Trảng Bàng 

Cập nhật ngày: 05/03/2020 - 15:33

BTNO - UBND phường An Tịnh đã ra quân xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường quanh KCN Trảng Bàng bằng cách dùng xe cơ giới gom rác thải trên vỉa hè…

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa qua, cử tri phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng phản ánh, bên ngoài hàng rào Khu công nghiệp Trảng Bàng, đoạn từ ngã tư An Bình đi vào các khu phố An Khương, An Phú có nhiều rác thải, cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Tình trạng này kéo dài rất lâu, gây phản cảm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Cử tri đề nghị ngành chức năng xác định rõ thẩm quyền quản lý khu vực này và có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nêu trên.

Cuối tháng 2.2020, đến khu vực này, chúng tôi thấy UBND phường An Tịnh đã ra quân xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường quanh KCN Trảng Bàng bằng cách dùng xe cơ giới gom rác thải trên vỉa hè đoạn đường từ ngã tư An Bình đi khu phố An Khương và đốt có kiểm soát. Trên đoạn đường vào Khu Chế xuất và công nghiệp Linh Trung III (khu phố Suối Sâu, phường An Tịnh) cũng được xử lý với cách thức tương tự như thế.

UBND phường An Tịnh ra quân đốt bớt một số rác thải bên ngoài hàng rào KCN Trảng Bàng.

Mặc dù chính quyền địa phương tích cực xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường quanh KCN Trảng Bàng nhưng vẫn không xuể. Thực tế cho thấy, trên đoạn đường từ ngã tư An Bình đi khu phố An Khương còn khá nhiều rác thải sinh hoạt bỏ dưới miệng cống, vứt ven đường, ven đồng ruộng.

Dưới lòng đường, có nơi nước thải sinh hoạt ứ đọng thành vũng, kéo dài sát bên lề. Loại nước này tù đọng lâu ngày nên có màu xanh đen, gây hôi thối và tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi mòng sinh sôi nảy nở. Ở đầu con lươn, dưới chân trụ đèn điều khiển tín hiệu giao thông ở khu vực này cũng dễ dàng nhìn thấy nhiều bao tải chứa rác thải chất chồng lên nhau. Trước cổng nhà một số người dân cũng có nhiều thùng rác đầy ắp rác thải đang chờ đơn vị thu gom đến chở đi.  

Ông Trần Văn Rép, 75 tuổi, ngụ ấp An Phú, cho biết, tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi quanh KCN kéo dài đã lâu, nhưng đến nay chưa giải quyết được. Nguyên nhân, đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt ở đây lấy rác không đúng quy định mỗi tuần một lần, mà có khi hai tuần hoặc cả tháng, nhân viên mới đến nhà dân thu gom rác một lần. “Có nhà hai tuần đã đầy hai thùng phuy rác, nhưng chưa được đơn vị đến thu gom, nên phải mua thêm thùng phuy thứ ba để chứa rác”, ông Rép cho hay.

Đoạn đường từ ngã tư An Bình đi khu phố An Khương vẫn có nhiều rác thải, nước thải, gây ô nhiễm môi trường.

Mùa mưa, nhiều thùng rác của nhà dân để lâu hóa giòi, gây ảnh hưởng môi trường. Một số người dân không chịu nổi cảnh hôi thối đó đành đem rác của gia đình bỏ bớt vào những đoạn đường vắng quanh KCN hoặc bỏ vào bãi rác tự phát giáp ranh với thị trấn Trảng Bàng. Người dân ở đây mong muốn Phòng Tài nguyên và môi trường làm việc với đơn vị hợp đồng thu gom rác mỗi ngày, chứ không nên để quá lâu như hiện nay.

Trên đoạn đường vào Khu Chế xuất và công nghiệp Linh Trung III, mặc dù có nhiều nơi đã được đốt chủ động, nhưng cũng còn nhiều nơi cây hoang, cỏ dại mọc tràn lan. Những nơi rậm rạp này gây mất mỹ quan đô thị và rất lý tưởng để những người thiếu ý thức lén lút quăng rác thải gia đình vào đây. Trước và trong khu tái định cư của KCN có nhiều nơi đất còn bỏ trống.

Ở những nơi này, chính quyền địa phương đã tiêu hủy rác và đặt bảng cấm đổ rác cùng với thông báo mức xử phạt đối với hành vi vứt rác bừa bãi, nhưng thỉnh thoảng vẫn có rác. Đặc biệt đáng lo ngại, nơi đây có nhiều rác dễ cháy như cành lá khô và có nhiều cỏ dại cao hơn đầu người lớn, rậm rạp, rất dễ dẫn đến hỏa hoạn. Xen kẻ những đám đất trống này là nhiều nhà dân và xung quanh là nhiều công ty sản xuất. Nếu để xảy ra hỏa hoạn thì thiệt hại sẽ không nhỏ.

Trong khu tái định cư của KCN Trảng Bàng có nhiều rác và cỏ dại, rất dễ dẫn đến hỏa hoạn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề rác thải quanh KCN Trảng Bàng, ông Đỗ Hoàng Vũ- Chủ tịch UBND phường An Tịnh, cho biết đây cũng là vấn đề khó xử đối với chính quyền địa phương trong nhiều năm qua. Bởi vì những con đường xung quanh KCN Trảng Bàng đều thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty cổ phần phát triển hạ tầng KCN Tây Ninh nên chính quyền địa phương muốn chỉnh trang lại cũng không được.

“Chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị UBND thị xã Trảng Bàng kiến nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Tây Ninh chỉ đạo Công ty cổ phần phát triển hạ tầng KCN Tây Ninh dọn dẹp vệ sinh, nhưng đến nay Công ty vẫn chưa thực hiện. Trong khi chờ đợi, chúng tôi ra quân dọn dẹp vệ sinh tạm thời. Sắp tới, phường dự kiến dùng xe cơ giới gom hết rác thải cứng như xà bần, bê tông chở đi nơi khác, sau đó trồng cây bằng lăng hai bên lề đường...”- ông Vũ cho biết.

Chính quyền địa phương đã đặt bảng cấm đổ rác, nhưng thỉnh thoảng vẫn có rác.

Thực tế cho thấy, những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh KCN Trảng Bàng như hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời chứ khó giải quyết vấn đề một cách căn cơ, lâu dài. Bởi vì nơi đây gần như hình thành khu chợ tự phát bán hàng cho công nhân. Những đoạn đường này, lề đường rất rộng, một bên lề là hàng quán, nhà cửa của người dân cất san sát nhau để buôn bán; buổi chiều có thêm rất nhiều người dân từ các nơi khác đem hàng hóa đến đây buôn bán cho công nhân với hình thức nhỏ lẻ, di động theo kiểu buôn gánh bán bưng.

Sau khi tan chợ, những tiểu thương “di động” này bỏ rác vào bọc nylon rồi quăng vào lề đường, mé ruộng, kênh mương… Vì thế, muốn giải quyết vấn đề rác thải ở đây một cách triệt để, UBND phường An Tịnh và Công ty cổ phần phát triển hạ tầng KCN Tây Ninh phải cùng bắt tay nhau thực hiện một số việc như lát gạch sạch sẽ toàn bộ vỉa hè của những đoạn đường này, trồng hoa kiểng trên vỉa hè, tạo cảnh quang môi trường xanh, sạch, đẹp.

Trước cổng nhà một số người dân có nhiều thùng rác đầy ắp chờ đơn vị thu gom đến chở đi.

Mặt khác, phải đặt nhiều thùng chứa rác thải dọc hai bên lề đường và hợp đồng đơn vị thu gom rác thải hằng ngày đến đây thu gom, vận chuyển rác đi nơi khác xử lý. Đồng thời, thường tuyên truyền, nhắc nhở bằng nhiều hình thức và cho những hộ dân buôn bán cố định, cũng như buôn bán lưu động ký cam kết không vứt rác, xả nước thải bừa bãi ra môi trường. Có như thế mới mong giữ gìn được môi trường quanh KCN trong lành, sạch đẹp, xứng tầm với tầm vóc thị xã Trảng Bàng vừa được công nhận.

Đại Dương