Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 – 20.11.2022)
Tâm tình cựu giáo chức
Chủ nhật: 06:29 ngày 20/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 20.11.1982, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Đã 40 năm trôi qua, ngày 20.11 trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục để tôn vinh những người làm công tác “trồng người”.

Hiện nay, ngành Giáo dục Tây Ninh có gần 15.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại hơn 430 đơn vị, trường học. Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo tiếp tục được củng cố, kiện toàn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.

Bên cạnh những giáo viên đang ngày đêm miệt mài bên trang giáo án thì những người thầy giáo, cô giáo đã về hưu, vẫn luôn dõi theo bước chân của từng thế hệ học trò. Cứ mỗi năm đến ngày 20.11, các thầy cô lại rưng rưng nơi khoé mắt khi nhắc lại khoảng thời gian dài cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Bởi lẽ người đời thường ví nghề giáo tựa con ong chăm chỉ xây tổ gom mật cho đời, tựa cây thân mộc vươn mình trong nắng gió toả bóng mát cho người, tựa kiếp con tằm đến chết còn vương tơ.

Nếu chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo

Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đến thăm và trò chuyện cùng Nhà giáo ưu tú Lê Viết Thắng (sinh năm 1955)- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh. Tại đây, chúng tôi được nghe thầy tâm sự về chặng đường vẻ vang của nghề giáo. 

Nhà giáo ưu tú Lê Viết Thắng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh xem lại bằng khen, giấy khen vì những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Năm 1977, thầy được điều động vào Tây Ninh làm công tác giảng dạy. Hành trang của chàng thanh niên ngày ấy là tấm lòng đầy nhiệt huyết, là ước mơ, hoài bão, là khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước. 

Thời điểm ấy, dạy học trong giai đoạn khó khăn của đất nước, của ngành Giáo dục, nhưng thầy Thắng luôn tận tuỵ với nghề, gắn bó với sự nghiệp giáo dục và luôn xem đó là lẽ sống, là niềm vui lớn của mình.

Thầy Thắng kể: “Năm 1977, rời quê hương Nghệ An vào Tây Ninh nhận nhiệm vụ, lúc ấy chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra vô cùng ác liệt. Gia đình thầy mỗi lần nghe tin địch phục kích bắn vào Tây Ninh thì bố mẹ, anh em đều lo lắng, nhưng do khi đó không có điện thoại để gọi điện hay nhắn tin, mà phải viết thư tay cả tháng mới đến tay người nhận.

Có thời điểm các thầy cô phải vào rừng ở Dương Minh Châu để chặt le làm chông chống giặc. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với thầy ở thời điểm đó là việc thiếu tài liệu để dạy học, thầy đến các tỉnh miền Tây, tận Long Xuyên để mượn tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Vất vả là thế, nhưng với niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, các thầy cô giáo vẫn luôn chắc "tay ph, cố gắng bám lớp, bám trường, mang tri thức đến cho các em học sinh”.

Trải qua chặng đường 38 năm với biết bao vui buồn. Năm 2015, thầy Thắng về hưu, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của người giáo viên, nhà quản lý giáo dục và đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Nhưng khi được hỏi nếu trở lại thời trai trẻ, được chọn lại nghề nghiệp thầy sẽ chọn nghề gì? Thầy Thắng trả lời ngay: “Tôi vẫn tiếp tục chọn nghề giáo, cái nghề mà tôi đã gắn bó cả đời người”.

Xem học sinh như những đứa con của mình

Rời nhà thầy Thắng, chúng tôi ghé thăm cô Lê Thị Vĩnh Châu (sinh năm 1958), cựu giáo viên môn Toán, Trường THCS Chu Văn An, TP. Tây Ninh. Sau 35 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, bằng những nỗ lực phấn đấu, sự cống hiến về trí tuệ, sức khoẻ cho công tác giáo dục, năm 2013 cô nghỉ hưởng chế độ hưu trí.

Đối với cô Châu, khoảng thời gian đứng trên bục giảng là khoảng thời gian tươi đẹp nhất cuộc đời. Cô cảm thấy mình thật may mắn vì đã chọn nghề giáo.

Cô Châu kể: “Cô ra trường đi dạy năm 1978, thời điểm đó học sinh khốn khó trăm bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, việc học thì hầu hết các bậc cha mẹ giao cho thầy cô. Với đồng lương ít ỏi, ngoài giờ dạy cô phải làm thêm việc thêu mành xuất khẩu. Vì thấu hiểu hoàn cảnh của từng học sinh nên cô rất thương các em, cô luôn cố gắng dạy hết khả năng mình trong từng tiết học, trong từng bài giảng”.

Cô Châu tâm niệm: “Là giáo viên được trực tiếp đứng trên bục giảng để truyền đạt cho những đứa con thơ của mình những kiến thức bổ ích chính là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Nhiều thế hệ học trò trưởng thành từ đôi bàn tay dìu dắt của cô đã đi khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài, giờ đây các em là bác sĩ, kỹ sư hay công nhân trên các công trường… mỗi dịp 20.11 các em đều gửi đến cô những lời chúc tốt đẹp, có em dù ở xa vẫn sắp xếp công việc về thăm cô”.

Ngôi nhà thứ hai của tôi

Chúng tôi kết thúc chuyến hành trình thăm hỏi cựu giáo chức tại nhà cô Nguyễn Thị Thanh Tùng (sinh năm 1964), cựu giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Tây Ninh. Khi nhắc đến những kỷ niệm với phấn trắng, bảng đen, cô Tùng không nén được xúc động.

Mặc dù nghỉ hưu đã 3 năm, nhưng cô luôn nhớ về mái trường, nhớ đến đồng nghiệp, nhớ những học trò thân yêu. Cô xem mái trường là ngôi nhà thứ hai của mình.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tùng, cựu giáo viên bộ môn Ngữ Văn, Trường THCS Trần Hưng Đạo, TP. Tây Ninh bên vườn rau phía sau nhà.

“Cô đã trải qua 33 năm làm nghề dạy học, một hành trình dài để cô thấy rằng, dạy văn là một niềm vui lớn. Cô hạnh phúc khi đứng trên bục giảng, say sưa giảng cho học trò, nhìn thấy ánh mắt của các em đồng điệu với cảm xúc của cô qua từng lời giảng.

Lúc ấy, cô và trò như cùng hoá thân vào nhân vật trong tác phẩm. Thông qua mỗi bài học, cô truyền tải tri thức và phần nào giúp học sinh hoàn thiện nhân cách của mình”- cô Tùng bộc bạch.

Đới với cô Tùng, mỗi lần đứng trên bục giảng là mỗi lần cô thấy yêu công việc mình đã chọn. Trong quá trình giảng bài, cô luôn liên hệ với thực tiễn cuộc sống, khéo léo gửi gắm những thông điệp, tình yêu thương, những bài học làm người, tư tưởng sống tích cực tới học sinh, hướng cho học trò của mình biết cách sống đúng, sống đẹp qua những tác phẩm.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong khoảng thời gian đứng trên bục giảng, cô Tùng nhớ mãi câu chuyện về cây xương rồng: “Hôm ấy, vào cuối tiết học, học trò hỏi cô Tùng thích trồng cây gì nhất, cô trả lời là cây xương rồng, nhưng cô trồng mãi mà cây không sống.

Ngày 8.3 năm ấy, các em học sinh đã tặng cô chậu xương rồng, cô đem về nhà trồng, đến nay cây xương rồng đó đã cao hơn 1 mét. Giờ đây mỗi khi nhìn ngắm chậu xương rồng trước sân nhà, cô lại đến nhớ các em học sinh”.

Những người cựu giáo chức như thầy Thắng, cô Châu, cô Tùng sau khi rời bục giảng vẫn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở các đoàn thể và có nhiều đóng góp cho hoạt động giáo dục tại địa phương. Các thầy cô vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của cựu giáo viên, luôn sáng ngời tấm gương về đạo đức, nhân cách để các thế hệ giáo viên và học sinh noi theo.

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người thầy, người cô đã và đang góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. 

Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục