Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Biên: "Dịch chồng dịch" khiến người chăn nuôi lao đao  

Cập nhật ngày: 04/10/2021 - 01:00

BTN - Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò xuất hiện trên địa bàn tỉnh, thì tại huyện Tân Biên, người chăn nuôi lao đao vì dịch tả heo châu Phi tiếp tục bùng phát.

Bò của gia đình bà Võ Thị Dung (ngụ ấp Cầu Xe, xã Tân Phong) được cách ly để tiếp tục điều trị bệnh viêm da nổi cục.

Dịch chồng dịch

Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện đầu tiên tại huyện Châu Thành vào đầu tháng 7.2021. Đến nay, bệnh lây lan ra 92 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và có chiều hướng thuyên giảm sau khi đàn gia súc được tiêm vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chăn nuôi, nếu địa phương và người dân không chủ động tăng cường biện pháp phòng, chống thì nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng là rất lớn.

Nhìn con bò con thoi thóp vì mắc bệnh viêm da nổi cục, ông Nguyễn Văn Thi, ngụ ấp Bàu Đưng, xã Tân Phong (huyện Tân Biên) buồn bã cho biết, đàn bò của gia đình có tổng cộng 6 con, đây là con thứ hai mắc bệnh không thể chữa trị được.

Trước đó, gia đình ông đã tiêu huỷ một con bò khoảng 150kg chết do mắc bệnh viêm da nổi cục; còn bốn con khoẻ mạnh đã tiêm vaccine 20 ngày, không có biểu hiện bệnh; riêng con bò đang thoi thóp đã ủ bệnh trước đó, dù được tiêm vaccine vẫn không thể chữa trị.

Cũng vừa tiêu huỷ một con bò gần 250kg bị chết vì mắc bệnh viêm da nổi cục, bà Võ Thị Dung, ngụ ấp Cầu, xã Tân Phong chia sẻ, đàn bò của gia đình bà còn 7 con, trong đó có 1 con mắc bệnh tiến triển nặng, đang được cán bộ thú y theo dõi và chữa trị.

Theo bà Dung, từ lúc phát hiện bò mắc bệnh, bà đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường dinh dưỡng, cho bò uống thêm nước dừa, lá dâu nhưng bò vẫn không qua khỏi. Số bò còn lại đã được tiêm phòng vaccine, bà cũng yên tâm phần nào.

Theo ông Bùi Thanh Tuấn- Trưởng Ban Thú y xã Tân Phong, tổng đàn bò của xã có khoảng 1.500 con, trong đó, ghi nhận 60 con bị mắc bệnh viêm da nổi cục (có 36 con được điều trị khỏi bệnh). Để ngăn chặn dịch viêm da nổi cục lây lan, Ban Thú y xã tổ chức tiêm phòng trên 850 liều vaccine, chiếm hơn 56% tổng đàn bò của xã.

Theo ông Tuấn, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò nếu được phát hiện và chữa trị sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát vào đúng lúc địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch Covid-19, nên việc đi lại của nhân viên thú y bị hạn chế, dẫn đến công tác phòng, chống dịch viêm da nổi cục gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ tiêm vaccine mới được đẩy nhanh trong thời gian gần đây.

Dịch viêm da nổi cục chưa qua thì ngày 22.9, Trạm Chăn nuôi và Thú y Tân Biên ghi nhận dịch tả heo châu Phi tái xuất hiện trên địa bàn huyện.

Dịch tả heo châu phi tái bùng phát và lây lan nhanh

Sau một thời gian dài được khống chế, dịch tả heo châu Phi tái bùng phát trên địa bàn huyện Tân Biên, ghi nhận trên đàn heo của gia đình ông Cao Hoàng Phúng, ngụ ấp Tân Hoà, xã Tân Lập.

Theo đó, ngày 22.9, nhận được tin báo của ông Phúng về trường hợp có heo chết bất thường, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện kiểm tra lâm sàng, lấy mẫu gửi về Chi cục Thú y vùng VI xét nghiệm, kết quả các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi. Trạm đã phối hợp với chính quyền xã Tân Lập tiêu huỷ toàn bộ đàn heo 21 con (gồm 1 heo nái và 20 con heo thịt) có biểu hiện mắc bệnh và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Thiếu, ngụ ấp Tân Minh, xã Tân Bình có đàn heo 10 con gồm 3 con nái và 7 con heo thịt. Trong đó, có 4 con phát bệnh và một con heo nái chết. Sau khi ngành chức năng xác định heo chết do dịch tả heo châu Phi, gia đình ông đã tiêu huỷ số heo mắc bệnh và chết; phun hoá chất tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột khu vực chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Ông Thiếu cho biết, trong quá trình chăn nuôi, đàn heo của gia đình được tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh truyền nhiễm như thương hàn, tụ huyết trùng, tai xanh… Ngày 25.9 vừa qua, trong đàn có một con heo khoảng 128kg bỏ ăn và chết, hiện trong chuồng còn một số con cũng bỏ ăn, khiến ông hết sức lo lắng.

Là một trong những hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề trong đợt dịch tả heo châu Phi bùng phát năm 2019, đến đầu năm 2021, ông Trương Thanh Tuấn (ngụ ấp Cầu, xã Tân Phong) mới quyết định nuôi heo trở lại. Tuy nhiên, gần đây, đàn heo của ông lại phát bệnh, trong đó có 1 con heo nái và 6 con heo thịt mắc bệnh và chết, số còn lại cũng bỏ ăn nhiều ngày qua.

Khẩn trương khoanh vùng, dập dịch

Bà Nguyễn Thị Kim Loan- Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Biên cho biết, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò được ghi nhận vào ngày 16.7.2021 tại hộ ông Huỳnh Văn Tám, ngụ ấp Mới, xã Tân Phong. Đến ngày 1.10, dịch lây lan ra 439 hộ chăn nuôi thuộc 54 ấp của 10/10 xã, thị trấn trong huyện. Dịch đã làm 752 con bò bị nhiễm, trong đó, có 133 con khỏi bệnh, 139 con bị chết và tiêu huỷ, tổng trọng lượng 22.094kg.

Để kịp thời khống chế và dập dịch, Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 2 đợt tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục, trong đó, đợt 1 tiêm 1.697 liều, đợt 2 được 800 liều và tổ chức đợt tiêm phòng bổ sung 275 liều. Đồng thời, cấp phát thuốc sát trùng và hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, rải vôi bột, phun thuốc sát trùng và các loại hoá chất diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng) tại khu vực chuồng nuôi và xung quanh để phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 22.9, dịch tả heo châu Phi tái bùng phát trên địa bàn huyện. Đến nay, có 13 hộ chăn nuôi heo ở các xã Mỏ Công, Tân Lập, Thạnh Tây, Tân Phong, Hoà Hiệp, Tân Bình với số lượng 80 con (tổng trọng lượng 4.798kg) bị mắc bệnh, buộc phải tiêu huỷ.

Theo bà Loan, các trường hợp phát hiện heo bệnh chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng không lớn, công tác vệ sinh chuồng trại không thực hiện thường xuyên, triệt để. Ngoài ra, do giá heo xuống thấp, một số người chăn nuôi lơ là trong công tác nuôi dưỡng và cách ly, chính vì vậy, khi heo mắc bệnh không được theo dõi điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu phát hiện heo bị mắc bệnh, có hộ tự chữa trị, chỉ đến khi heo chết mới khai báo, làm cho mầm bệnh có thời gian phát tán rộng rãi, gây khó khăn cho công tác khoanh vùng dập dịch.

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi tái bùng phát, ngành Thú y huyện đã và đang phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp khống chế dịch nhanh và xử lý dứt điểm, không để dịch lây lan kéo dài; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan; vận động người dân thận trọng khi tái đàn, nhất là lựa chọn con giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhằm bảo đảm tái đàn an toàn; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện tốt “5 không”: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển gia súc mắc bệnh; Không giết mổ gia súc chết; Không vứt gia súc chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên đàn vật nuôi liên tiếp bùng phát khiến người chăn nuôi lao đao. Hơn lúc nào hết, người chăn nuôi đang rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ bằng các chính sách thiết thực để vượt qua giai đoạn này.

Minh Dương