Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tân Biên: Đương sự lại tẩu tán tài sản…
Thứ hai: 10:39 ngày 30/05/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ban đầu hai bên buôn bán và thanh toán tiền sòng phẳng. Tuy nhiên sau đó, bà Hoà nợ lại bà Huyền 14 xe hàng hoá trị giá hơn 2,2 tỷ đồng…

(ảnh minh hoạ)

Trước đây, Báo Tây Ninh có phản ánh bài viết “Đương sự “vô tư” tẩu tán Thi hành án làm ngơ” (!?) Nội dung như sau: Từ năm 2007 đến 2009, bà Vi Thị Huyền và bà Phạm Thị Hoà (ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Biên), có hợp đồng mua bán hành và tỏi với nhau. Theo đó, bà Huyền chở hành, tỏi từ cửa khẩu Lạng Sơn đem về Tây Ninh bán lại cho bà Hoà.

Ban đầu hai bên buôn bán và thanh toán tiền sòng phẳng. Tuy nhiên sau đó, bà Hoà nợ lại bà Huyền 14 xe hàng hoá trị giá hơn 2,2 tỷ đồng và bà Hoà đã thanh toán cho bà Huyền một khoản nợ… Số tiền còn lại, bà Huyền đã nhiều lần đòi nợ, do bà Hoà cố tình dây dưa, nên bà Huyền khởi kiện bà Hoà đến TAND huyện Tân Biên. Toà án đã mời hai đương sự đến để làm việc và đã hoà giải thành. Theo Quyết định công nhận sự thoả thuận số 111/2009/QĐST-DS ngày 18.6.2009 của TAND huyện Tân Biên, bà Phạm Thị Hoà phải trả cho bà Vi Thị Huyền hết số tiền là 1.272.180.000 đồng.  Bà Huyền có đơn yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, sau đó Chi cục THADS huyện Tân Biên, đã nhiều lần trả đơn thi hành án, với lý do bà Phạm Thị Hoà, không có điều kiện (tài sản) để thi hành án. Đến nay đương sự vẫn tiếp tục tẩu tán tài sản và người được thi hành án lại tiếp tục kêu cứu, trong khi đó cơ quan chức năng thì lại không có động thái tích cực nào (!?)

Chúng tôi đã có xác minh từ phía các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sự thật không phải như thế! Bà Hoà có rất nhiều tài sản giá trị lớn gấp nhiều lần so với số tiền phải thi hành án để trả cho bà Huyền. Nhưng bà đã cố tình nhờ người nhà đứng tên, sang nhượng… để tẩu tán tài sản. Điều đáng nói là những việc làm này, dù phía bà Huyền đã có “đơn tố giác” và cơ quan thi hành án Tân Biên biết rất rõ, nhưng đã cố tình làm ngơ (!?). Cụ thể là bà đã đứng ra mua 14 con nhím trị giá khoảng 100 triệu đồng, sau thời gian nuôi đã làm thủ tục bán đàn nhím này. Theo xác minh của chúng tôi từ phía Hạt Kiểm lâm Tân Biên, điều này là sự thật. Nhưng không hiểu sao khi có đơn của bà Huyền, Chi cục THADS Tân Biên lại “không xem xét”! Việc cơ quan thi hành án này cho rằng bà Hoà “không có đất” cũng không đúng. Tài sản phần đất thổ cư hơn 1.000m2 (ở tổ 7, ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, Tân Biên) là của bà Hoà, nhưng lại “nhờ” bà Dương Thị Ánh đứng tên giấy chứng nhận QSDĐ. Ngay cả căn nhà cất trên phần đất này, theo ông Nguyễn Ngọc Thành-người trực tiếp thi công cũng cho biết, chính bà Hoà thuê ông làm. Ngoài ra ở ấp Tam Hạp, xã Thái Bình, Châu Thành, bà Hoà cũng có phần nhà, đất trị giá trên 250 triệu đồng, nhưng cũng do người con đứng tên “làm bình phong che chắn”! Và hiện nay số tài sản này cũng được cho người chị bà Hoà đứng tên. Bà Hoà không thực hiện đúng như cam kết với cơ quan thi hành án, tìm cách ém nhẹm tài sản hiện có, không chỉ mua nhà-đất rồi giao người khác đứng tên hoặc “sang nhượng”, mà đương sự còn đứng ra mua 3 chiếc xe tải (tuy không phải bà đứng tên), nhưng qua xác minh của ông Nguyễn Huỳnh T và Nguyễn Ngọc T thì đây là tài sản của bà Phạm Thị Hoà. Ngoài ra bà còn mua bảo hiểm “An gia tài” của Bảo Việt Nhân thọ Tây Ninh với thời hạn 18 năm… Và như vậy, với việc đương sự “vô tư” tẩu tán tài sản nhưng Chi cục THADS huyện Tân Biên dẫu biết nhưng vẫn “phớt lờ” là sai với quy định tại mục 1, Điều 6 Thông tư 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26.7.2010 hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án, trong đó có quy định:

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận là tài sản của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì kê biên, xử lý để thi hành án”.  

T.T

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục