Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tân Biên: Hiệu quả của Đề án hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho người nghèo
Thứ bảy: 10:37 ngày 30/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thông qua Đề án hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016–2020 do Uỷ ban MTTQVN tỉnh triển khai, đến nay, nhiều hộ được hỗ trợ bò trên địa bàn huyện Tân Biên đã thoát nghèo, có cuộc sống cơ bản.

Theo ông Nguyễn Văn Út – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Tân Biên, thực hiện Đề án, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã giao cho huyện Tân Biên 101 con bò giống với số tiền trên 2,5 tỷ đồng cho 5 tổ chức, đoàn thể: Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và MTTQ.

Trong đó, MTTQ huyện nhận hỗ trợ 28 con bò cho 28 hộ nghèo. Đến nay, từ 28 con đã tăng lên 54 con. Trong đó, đã chuyển giao 12 bê cái đủ 12 tháng tuổi cho những hộ tiếp theo.

“Để đảm bảo hiệu quả chăn nuôi đạt kết quả cao, Uỷ ban MTTQ huyện đã phối hợp với ngành Thú y của huyện hướng dẫn, tập huấn kỹ năng nuôi bò sinh sản cho hộ được nhận nuôi. Hình thức nuôi xoay vòng, mỗi hộ nghèo được trao tặng một con bò giống sinh sản từ 20 - 25 triệu đồng.

Sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái, hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con đến 12 tháng tuổi, rồi chuyển giao bê cho hộ nghèo khác nuôi và được hoàn toàn sở hữu con bò giống ban đầu. Nếu là bê đực, gia đình sẽ nuôi đến 6 tháng rồi bán nộp tiền lại cho dự án”, ông Út cho biết.

Sau 3 năm chăm sóc, chị Hồ Thị Thuý đã “lời” được 2 con bò từ dự án của huyện.

Gia đình chị Trương Thị Thuý, ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên là một trong những hộ nghèo của địa phương được hưởng lợi từ dự án. Chị Thuý kể, hơn 10 năm trước, chồng bị tai nạn giao thông, anh nằm một thời gian dài rồi mất đi. Một mình chị phải vất vả nuôi ba đứa con ăn học.

Chị Thuý vừa nấu rượu, vừa phải chạy tìm việc làm mướn mới đủ tiền xoay sở cho cả nhà. Chật vật làm ngày làm đêm nhưng gia đình chị vẫn không thoát khỏi tiêu chuẩn hộ nghèo. Năm 2017, gia đình chị được địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Sau 3 năm, từ 1 con ban đầu, nay đã sinh sản thêm 3 con.

“Trước đây, tôi có nhận nuôi bò rẻ cho người khác nên cũng có kinh nghiệm trong việc chăm sóc bò. Khi được hỗ trợ con bò cái, tôi không gặp khó khăn gì. Nhờ chăm kỹ, thức ăn đầy đủ nên bò mẹ đã sinh được 1 con bê cái.

Tôi nuôi đến 12 tháng tuổi rồi bàn giao cho dự án. Sau đó, con bò mẹ đẻ được 1 con bê đực nữa. Tôi nuôi khoảng 6 tháng, bán được 14 triệu đồng. Và hiện nay, bò mẹ mới đẻ được con bê cái khoảng 3 tháng tuổi. Tôi dự định giữ lại con bê này để tiếp tục phát triển đàn bò”, chị Thuý phấn khởi nói.

Có bò, chị Thuý dọn khoảng đất sau nhà để chuẩn bị trồng thêm cỏ. Các con chị nay cũng đã lớn, có thể trông nom nhà cửa để chị đi làm. Cuộc sống đã đỡ vất vả hơn xưa.

Ông Nguyễn Văn Hai dẫn bò đi ăn.

Cũng tại thị trấn Tân Biên, 3 năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Hai (71 tuổi) cũng là hộ nghèo chuẩn trung ương. Vừa dắt bò đi ra bãi cỏ cho ăn, ông Hai nói về cảnh nhà. Vợ ông mắc bệnh tim và chứng Parkinson nhiều năm qua. Bà không thể làm việc nặng.

Đã vậy, đứa con gái út phát hiện bị nhiễm chất độc da cam từ năm 3 tuổi. Mọi việc trong nhà từ chi phí chữa bệnh cho đến tiền sinh hoạt đều đặt trên vai ông Hai.

Để có tiền lo cho vợ con, ông Hai phải làm đủ thứ nghề: bảo vệ, tạp vụ dọn dẹp cho các cơ quan, nuôi thêm heo. Mấy năm nay, hết tuổi lao động, ông nghỉ làm bảo vệ. Việc nuôi heo liên tiếp thua lỗ khiến cuộc sống của ông Hai đã khó khăn càng chốt chất thêm nợ nần.

Thấy cảnh khó của ông Hai, Hội Nông dân xã xét cho ông được nhận nuôi bò sinh sản. Ngoài việc được hỗ trợ bò giống, ông còn được tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc. Qua đó, ông nắm được kỹ thuật chăm sóc, chịu khó trồng cỏ để tăng nguồn thức ăn.

Để bò dễ hấp thụ thức ăn, ông Hai tự mày mò, mua dụng cụ về lắp máy băm cỏ cho bò dễ ăn, mau lớn. Nhờ nỗ lực và cố gắng, hiện ông Hai đã bàn giao lại con bê đầu tiên cho Hội Nông dân và con bê cái thứ 2 mới sinh được khoảng 1 tháng tuổi.   

Chị Hồ Thị Thuý – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Biên cho biết, trên địa bàn thị trấn có 5 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhận bò sinh sản. Tất cả các hộ đều nỗ lực chăn nuôi, cố gắng vươn lên. Hiện nay, có 4 hộ đã thoát nghèo. Riêng gia đình ông Hai cải thiện từ hộ nghèo lên thành hộ cận nghèo, do ông ngoài tuổi lao động lại phải nuôi 2 người bệnh.

 Anh Phan Phong Bảo vui mừng khi bò anh nhận nuôi đã “mẹ tròn con vuông”

Tại xã Mỏ Công, gia đình anh Phan Phong Bảo, ngụ ấp Thanh Tân cho biết, anh nhận được bò của một hộ tham gia dự án tại thị trấn Tân Biên chuyển giao từ cuối năm 2018. Khi nhận bò, vợ chồng anh nuôi thêm 4 tháng nữa thì cho bò đi phối giống, và đến nay đã có thêm một con bê cái.

Nhìn bê con đang bú mẹ, anh Bảo phấn chấn nói: "Tôi mới mua thêm một bao thức ăn giành cho bò đẻ để bò mẹ uống, có thêm sữa cho bê con nó bú. Nó bú suốt ngày thôi. Chắc mình cũng mát tay nên mới nuôi là đã có bê rồi. Được vầy vợ chồng tôi mừng lắm. Từ nay đã có điều kiện để làm ăn rồi, chúng tôi sẽ cố gắng nuôi cho con cái ăn học đàng hoàng".

Ông Nguyễn Thanh Xuân – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Biên cho biết, thực hiện Đề án 01 của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh về hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, Tân Biên có 31 con bò trao cho 31 hộ.

Từ tháng 8.2017 đến nay, số bò sinh sản được thêm 30 con. Trong đó đã chuyển giao 13 con bê cái cho 13 hộ khó khăn, còn 17 con bê đực đã thanh lý nộp về cho dự án. Nhờ chương trình hỗ trợ, đời sống hộ nghèo được nâng lên, 70 – 80% thoát nghèo, đạt hiệu quả.

Nói về hiệu quả của dự án, ông Nguyễn Văn Út – Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN huyện Tân Biên cho biết, từ 101 con bò giống ban đầu, đến nay đã phát triển lên được 195 con bò. Nhiều hộ sau khi bàn giao bò cho dự án đã còn lại từ 2 đến 3 con bò. Đây thực sự là một tài sản không nhỏ đối với những hộ nghèo.  

Tuy nhiên, theo ông Út, bên cạnh những hiệu quả tích cực, việc trao bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng còn vướng mắc, đó là quy định về thời gian bàn giao bò giống.

Ông Út phân tích: với những hộ nhận bò đợt đầu tiên (F1), khi đó bò chọn mua đa số đã mang thai, thời gian nuôi đến khi có bê con chỉ mất vài tháng. Nhưng với những hộ nhận hỗ trợ bê 12 tháng tuổi (F2) phải nuôi thêm đến khi bò thật sự trưởng thành để có thể mang thai, sau đó tiếp tục nuôi bê cái (F3) thêm 12 tháng tuổi để bàn giao cho hộ khó khăn khác.

Như vậy khó có thể giúp người dân thoát nghèo. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ hợp lý cho các hộ nhận bê F2: có thể được cho luôn bê F3 hoặc giảm thời gian nuôi bê F3 ngắn hơn so với hộ nhận bò mẹ F1 ban đầu.

Đề án hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo đang mang lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân. Không chỉ thay đổi tư tưởng, nhận thức cho người dân, Đề án còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Đây chính là “cánh cửa” giúp những hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Trong giai đoạn (2016 – 2020), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã giải ngân số tiền 23.977.800.000 đồng để hỗ trợ mua hơn 1.000 con trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Qua 4 năm thực hiện, số trâu, bò sinh sản thêm 830 con. Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ khác, Đề án hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò sinh sản giúp 560 hộ thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Ngọc Diêu – Phương Thảo

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục