Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Biên: Không còn những ngôi trường mái tranh vách đất

Cập nhật ngày: 16/02/2011 - 12:47

Trường THCS thị trấn Tân Biên

Khi mới thành lập, Tân Biên là một huyện nghèo khó, điều kiện kinh tế, xã hội còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hệ thống điện, đường, trường, trạm còn rất lạc hậu, thô sơ. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục đào tạo gần như không có gì đáng kể. Thời gian đầu sau ngày miền Nam giải phóng, toàn huyện chỉ có khoảng vài chục phòng học tạm thời bằng tranh tre, vách đất với hơn một trăm thầy cô giáo đến từ nhiều nơi khác. Trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế xã hội địa phương, Tân Biên cũng chú trọng đầu tư cho giáo dục và đào tạo, xem đây là nền tảng cho sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Từ chỗ chỉ có 18 trường cấp I và 1 trường cấp II của 16 xã ở thời điểm năm 1975, sau một thời gian nỗ lực phấn đấu, quy mô giáo dục của huyện ngày càng mở rộng ở từng cấp học, bậc học, ngành học với nhiều loại hình phong phú. Mạng lưới trường lớp dần dần phủ khắp các xã, thị trấn đến tận các vùng sâu, vùng xa. Đến nay hệ thống giáo dục của huyện đã phát triển tương đối hoàn chỉnh với 13 trường mầm non, 32 trường tiểu học, 13 trường trung học cơ sở, 3 trường trung học phổ thông và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên với 17.790 học sinh/625 lớp học. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của huyện được bổ sung hằng năm để đáp ứng yêu cầu dạy và học. Toàn huyện hiện có hơn 1.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cùng với việc thực hiện các chế độ chính sách để thu hút và tạo điều kiện cho giáo viên an tâm công tác, huyện cũng quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Từ năm 2000 đến nay, số cán bộ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tăng lên rõ rệt. Hiện có hơn 50% giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở có trình độ trên chuẩn, trong đó có 45 cán bộ, giáo viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, 394 cán bộ giáo viên có chứng chỉ tin học và 204 cán bộ giáo viên có chứng chỉ ngoại ngữ. Việc phát triển đảng viên ở các trường học có sự phối hợp chỉ đạo sâu sát của Huyện uỷ, ngành và các địa phương. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên là đảng viên chiếm tỷ lệ hơn 30%, đa số các trường học đều có chi bộ Đảng lãnh đạo.

Cơ sở vật chất trường học từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố và hiện đại. Từ năm 1980, Đảng bộ huyện đã có nghị quyết về tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường học. Với nguồn lực nội sinh của huyện và công sức đóng góp của nhân dân là chủ yếu, đã có hơn 200 phòng học mái ngói được xây dựng thay thế cho các phòng học tranh tre vách đất. Từ năm 1990 đến nay, Tân Biên từng bước thực hiện kế hoạch thay thế các phòng học tạm thời bằng các công trình xây dựng bán kiên cố và kiên cố với kinh phí xây dựng bình quân hằng năm khoảng 5 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 590 phòng học với 167 phòng học kiên cố và 423 phòng học bán kiên cố. Có 16 trong tổng số 62 trường học có phòng học lầu, trong đó có 4 trường ở các xã vùng biên giới.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng thay thế các phòng học tạm thời, Tân Biên còn chú trọng việc quy hoạch đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia. Từ năm 1997 đến nay, toàn huyện có 5 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia và 6 trường đang lập hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn. Trong năm học 2008- 2009, ngành giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu với các cấp lãnh đạo để thực hiện đề án của tỉnh về kiên cố hoá trường, lớp học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo kế hoạch được duyệt, Tân Biên đã tiến hành khởi công xây dựng đồng loạt hơn 10 công trình phòng học lầu, trong đó có 3 công trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2010- 2012 và một số công trình xây dựng thay thế tạm thời khác với tổng kinh phí lên đến gần 100 tỷ đồng.

Để giáo viên và học sinh có điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt và công tác, ngoài việc đầu tư xây dựng các công trình trường học, Tân Biên cũng quan tâm xây dựng các nhà công vụ và các công trình vệ sinh cho giáo viên và học sinh. Hiện có hơn 70% các trường trong huyện có nhà công vụ cho giáo viên và 100% các điểm trường có công trình nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh.

Học sinh Trường tiểu học Tân Lập (Tân Biên)

Từ sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất trường học, chất lượng giáo dục toàn diện của huyện cũng được củng cố và nâng cao. Tỷ lệ học sinh lên lớp hằng năm đạt bình quân từ 80% trở lên. Số học sinh tốt nghiệp ở các cấp học hằng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được duy trì dưới 1%. Công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục ở huyện mặc dù rất khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của huyện và quyết tâm của ngành cũng đạt được tiến độ theo kế hoạch chung của tỉnh. Từ năm 2005 - 2006, Tân Biên đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và triển khai thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học theo kế hoạch đề ra. Nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục, ngoài việc tranh thủ các nguồn đầu tư của tỉnh, Tân Biên đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục. Từ năm 2000 đến nay, đã huy động được từ sự đóng góp của nhân dân, sự hỗ trợ của các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội gần 20 tỷ đồng và 11.000m2 đất để xây dựng cơ sở vật chất trường học và trao tặng hàng trăm suất học bổng mỗi năm, giúp học sinh nghèo có điều kiện đến trường.

Sự hiện diện của những ngôi trường mới khang trang và hình ảnh các em học sinh nô nức cắp sách đến trường ngày nay, đã xoá dần đi những hình ảnh đìu hiu, xơ xác của một huyện nghèo vùng biên giới năm xưa. Đó cũng là một minh chứng cho sức vươn lên mãnh liệt của một vùng đất một thời được mệnh danh là “thủ đô kháng chiến” của cách mạng miền Nam.

PHƯƠNG THẢO