Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tân Biên: Người dân khốn khổ do bụi đường từ các xe chở đất
Thứ tư: 08:28 ngày 09/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều năm qua, người dân sống tại con đường đỏ giao với đường 793, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên khốn khổ vì bụi đường do các xe chở đất từ các mỏ khai thác đất bên trong con đường vận chuyển ra đường 793. Ngoài xe chở đất còn có xe chở khoai mì, tinh bột khoai mì cũng góp phần vào việc gây bụi đường vào lúc trời nắng, sình lầy vào khi trời mưa.

Bụi đường mịt mù khi xe tải vận chuyển đất từ hầm mỏ ra vào con đường.

Ông T.V.U, một hộ dân sống trên tuyến đường trên cho biết, người dân sống 2 bên con đường tại tổ 5, ấp Thạnh Hiệp nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương xã, huyện Tân Biên nhưng không được cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.

Những chủ hầm mỏ khai thác đất trước đây có "cảnh báo" ông U do ông ký tên trong đơn cùng các hộ dân khác kiến nghị lên chính quyền. Trước sự việc không thể thay đổi gì, người dân nơi đây đành  chấp nhận cảnh “sống chung với bụi đường”!

Theo ông T.V.U, gần đây khi các mỏ cũ hết hạn khai thác, có mỏ khai thác đất mới đi vào hoạt động. Trước sự phản ánh của người dân, chủ mỏ đất này đã có động thái gửi dân 200 ngàn đồng/hộ/ tháng để gọi là phụ tiền điện để người dân tự bơm nước tưới đường cho đỡ bụi.

Dù muốn dù không các hộ dân sống trên con đường này đành phải nhận số tiền trên vì nếu chủ mỏ không phụ tiền điện thì các hộ dân cũng phải bơm nước tưới đường để bảo vệ sức khỏe của mình. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận khách quan hơn, tuyến đường này ngoài xe ô tô chở đất khai thác có tải trọng lớn, còn có xe tải lớn vận chuyển khoai mì, tinh bột mì cũng gây ra bụi nhưng số lượng phương tiện ít hơn số xe vận chuyển đất hàng ngày.

Một người dân khác đề nghị không nêu tên cho biết, chứng kiến cảnh bụi mịt mù như thế chẳng người dân nào sống 2 bên đường chịu xiết. Dù không muốn nhưng đành phải nhận 200 ngàn/tháng mà chủ đất phụ tiền điện bơm nước tưới đường chứ chị buôn bán mà mỗi khi xe chạy ngang qua là muốn khóc.

Phần lớn người dân có nhà 2 bên đường tổ 5, ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Bắc đều mong muốn bảo vệ sức khỏe hơn là việc mỗi tháng nhận 200 ngàn đồng từ chủ mỏ khai thác đất. Một người dân bức xúc, chủ mỏ khai thác khoáng sản mỗi tháng bỏ ra 200 ngàn đồng phụ cho các hộ dân chúng tôi để bơm nước tưới đường, như thế chẳng khác nào họ “thuê” các hộ dân phải tự bảo vệ sức khỏe mình theo kiểu "sống chết mặc bây".

Chưa kể các tài xế điều khiển các xe chở đất dù biết đây là đường đỏ nhưng vẫn chạy tốc độ nhanh khiến bụi càng nhiều, đường sá xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại. Vì vậy người dân mong muốn chính quyền địa phương có giải pháp xử lý để nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Để hạn chế tình trạng bụi đường người dân phải bơm nước tưới đường và được chủ mỏ hỗ trợ mỗi hộ 200 ngàn đồng/ tháng tiền điện.

Tại hầm mỏ, chứng kiến cảnh khai thác rầm rộ với phương tiện ra vào lấy đất liên tục nhưng chúng tôi không thể trao đổi với người có trách nhiệm ở hầm mỏ mà theo một anh thanh niên được cho là “trông coi hầm” thì ngày hôm đó chủ mỏ và giám đốc mỏ chưa lên kịp. Sau cùng có một người được cho là chủ hầm mỏ nhắn tin trao đổi với chúng tôi là sẽ tăng cường việc cho tưới đường vào mỏ, yêu cầu tài xế điều khiển phương tiện chạy chậm để hạn chế bụi đường mà người dân phản ánh.

Vấn đề mà dư luận quan tâm, việc doanh nghiệp khai thác khoáng sản là để phục vụ phát triển kinh tế xã hội là điều cần thiết nhưng doanh nghiệp không thể chỉ quan tâm đến việc chấp hành các quy định về khai thác khoáng sản mà quên đi việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của người dân xung quanh trong quá trình khai thác.

Bởi bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân là nhu cầu chính đáng. Do đó rất mong chính quyền xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên có giải pháp hài hòa bảo đảm giữa quyền lợi của doanh  nghiệp và người dân trong quá trình khai thác. Có như vậy người dân mới không còn bức xúc về tình trạng bụi đường từ các xe chở đất.

Thiên Tâm

Tin cùng chuyên mục